Không quân Mỹ vừa trao cho Northrop Grumman một hợp đồng phát triển hệ thống vũ khí laser phòng thủ trên chiến đấu cơ, có khả năng bắn hạ các tên lửa không đối không từ đối phương.
Việc trang bị vũ khí laser cho máy bay giờ không còn là vấn đề về kích cỡ do nó thậm chí đủ nhỏ để sử dụng trên các máy bay không người lái (UAV). Tuy nhiên, khi máy bay bắt đầu tăng tốc lên cao, mọi thứ sẽ trở nên phức tạp. Áp suất và lực ma sát của không khí khiến vũ khí laser kém hiệu quả hơn vì công suất của tia laser phát ra bị ảnh hưởng. Vào năm 2015, các kĩ sư của không quân Mỹ đã khẳng định rằng, họ có thể giải quyết vấn đề này trong vòng 5 năm.
Mỹ quyết tâm phát triển vũ khí laser cho máy bay tự vệ |
Theo kế hoạch đề ra, SHIELD phải được hoàn thành vào tháng 8-2021. Kết quả cuối cùng là hệ thống gắn trên máy bay Mỹ phải có khả năng bắn hạ các tên lửa không đối không. Khái niệm “tự vệ chủ động” đã trở nên vô cùng phổ biến đối với các phương tiện dưới mặt đất, tuy nhiên, đưa nó lên máy bay tốc độ cao để bắn hạ các tên lửa có tốc độ còn cao hơn lại là vấn đề khó khăn. Ví dụ, chỉ có tia laser phóng đi với tốc độ ánh sáng mới ngăn được tên lửa không đối không R-27 có tốc độ Mach 4.5 của Nga.
SHIELD được cho là sẽ vô cùng hữu hiệu khi sử dụng để bảo vệ các máy bay cũ như F-15 do chúng không có nhiều biện pháp phòng thủ trước vũ khí hiện đại ngày nay. Mỹ mong chờ vũ khí laser sẽ hoạt động tốt trên các máy bay như C-130 hay C-17, thậm chí là UAV hoặc trực thăng, tùy thuộc vào khả năng thu nhỏ của thiết bị.
Các máy bay tàng hình như F-22 hay B-2 khó trang bị vũ khí laser do nó sẽ ảnh hưởng nhiều đến khả năng tàng hình. Tuy nhiên, máy bay ném bom thế hệ mới B-21 lại có thể, do Northrop vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển mẫu máy bay này nên sẽ dễ dàng tích hợp nó ngay từ thiết kế ban đầu.