Theo Sputnik, Không quân Nga sẽ bọc giáp cho cường kích Su-34 giúp máy bay này có thể miễn nhiễm trước những loạt đạn xuyên giáp từ đối phương.
Chiến đấu cơ Su-34. |
Đặc biệt, trang bị này có thể giúp Su-34 tự tin trong các tình huống cận chiến. Để làm được điều đó, Su-34 cần một lớp giáp để bảo vệ khoang máy bay, động cơ, thùng nhiên liệu và các hệ thống điều khiển. Mái vòm trên khoang lái và cửa trước cũng cần được bọc thép.
Lớp giáp ngoài của Su-34 sẽ được phủ nylon và lớp titan dày 15-30 mm để ngăn mảnh đạn nổ văng mảnh. Với lớp giáp này, Su-34 đủ khả năng chống chịu các loại đạn xuyên giáp và đạn nổ văng mảnh cỡ 23–57 mm, chuyên gia Vasilescu cho biết.
Do đã có kinh nghiệm bọc giáp cho Su-25, chắc chắn Nga sẽ không quá khó khăn khi bọc giáp cho Su-34. Dựa trên thông số về chiều dài, sải cánh và chiều cao tương quan với Su-25, lớp giáp Su-34 sẽ nặng khoảng 800-1000 kg. Theo kế hoạch, quá trình bọc giáp sẽ được nhà sản xuất Sukhoi hoàn tất vào năm 2018.
Với trang bị này giúp Su-34 có thể miễn nhiễm trước các loại đạn cơ 23–57 mm, và như vậy, hầu hết chiến đấu cơ của Mỹ kể cả F-22 (súng M61A2) và F-35 (với pháo GAU-12/U 25 mm) không thể bắn hạ Su-34 trong các tình huống cận chiến.
Không chỉ "bất bại" với lớp giáp siêu vững chắc, cường kích số 1 của Nga còn được trang bị các hệ thống đối kháng điện tử hiện đại để đối phó các hệ thống phòng không vác vai (MANPADS) và các tên lửa dẫn đường radar tầm ngắn.
Để phát huy thế mạnh của Su-34, nhà sản xuất còn trang bị cho máy bay này radar mảng pha điện tử thụ động đa mục tiêu phía trước có thể "săn" máy bay địch với tầm hoạt động 200-250 km, radar phía sau và radar bên sườn M402 Pika bên cạnh hệ thống gây nhiễu lưu tần số radio kỹ thuật số L175V/KS418 trên chiến trường.
Điểm đặc biệt ở Su-34 là dù được thiết kế chuyên thực hiện tấn công mặt đất nhưng máy bay này vẫn mang được các tên lửa không đối không tầm ngắn và tầm xa như R-77, R-27 và R-73. Ngoài ra, Su-34 còn có thể trở thành sát thủ với tàu chiến đối phương với vũ khí mang theo.
Theo Tuấn Hưng (Đất Việt)