Máy bay trinh sát P3-Orion của Hải quân Mỹ đã theo dõi chặt chẽ mọi hoạt động của tàu hải dương học Trung Quốc trong gần một tháng khi tàu này hoạt động ngay sát căn cứ quân sự của Washington tại đảo Guam.
Tàu hải dương học Kexue, tàu nghiên cứu hiện đại nhất của Trung Quốc, đã tiến hành hoạt động thăm dò ở phía đông nam đảo Guam của Mỹ trong gần một tháng. Khu vực này được coi là “phần lưng” của căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại Thái Bình Dương.
Theo lời nhà khoa học hàng hải dẫn đầu cuộc nghiên cứu của Trung Quốc, tàu Kexue đã phải hoạt động “ngay dưới mũi các máy bay do thám” P3-Orion của Mỹ trong khoảng thời gian từ 5/8-5/9.
Đảo Guam là nơi đồn trú của các tàu ngầm hạt nhân tấn công nhanh của Mỹ và các tàu này thường hoạt động ở khu vực Biển Đông. Guam cũng là nơi Mỹ đặt căn cứ không quân Andersen và từ căn cứ này, Washington có thể triển khai các máy bay ném bom tàng hình B-2 tới các điểm nóng trong khu vực như bán đảo Triều Tiên.
Theo nhà nghiên cứu Xu Kuidong, các nhà khoa học Trung Quốc làm việc trên tàu Kexue hiểu rõ mức độ nhạy cảm của khu vực đảo Guam. Ông Xu cũng cho biết tàu Kexue với các trang thiết bị hiện đại đã có những “khám phá đáng kinh ngạc” trong chuyến hải trình vừa qua.
Tàu hải dương học Kexue của Trung Quốc (Ảnh: Tân Hoa Xã) |
Là một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu trong chương trình nghiên cứu hải dương học của tàu Kexue, ông Xu cho biết mối lo ngại của Mỹ về sự hiện diện của tàu Trung Quốc là điều đã được nước này dự tính từ trước. Tuy nhiên, điều này cũng không ảnh hưởng tới việc Bắc Kinh sẽ tăng cường các hoạt động ở các khu vực xa xôi trên Thái Bình Dương.
“Các máy bay P-3 bay ở tầm thấp và tạo ra tiếng ồn, nhưng người Mỹ hiểu rằng họ không thể vượt quá ranh giới. Đây là vùng biển quốc tế. Họ không có quyền can thiệp vào công việc của chúng tôi. Họ nên quen dần với sự hiện diện của Trung Quốc. Vùng biển này không thuộc quyền sở hữu của Mỹ, mà là của toàn thế giới”, ông Xu nói thêm.
Ông Xu Kuidong cho biết các kết quả thu được từ chuyến nghiên cứu của tàu hải dương học tại khu vực gần Guam sẽ được cung cấp cho quân đội Trung Quốc và các nhóm lợi ích khác của chính phủ. Nhà nghiên cứu Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh hiện chưa có ý định xây dựng căn cứ quân sự ở khu vực này trong thời gian tới.
Theo Thành Đạt (Dân Trí)