Máy bay vận tải C-295 của Việt Nam có thể dễ dàng biến thành pháo đài bay với tổ hợp pháo tự động 20mm của Oto Melara.
Theo tạp chí quân sự Jane’s dẫn tin từ triển lãm IDEF-2015 diễn ra tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ cho hay, công ty quốc phòng Oto Melara của Italia vừa cho ra mắt thêm một tổ hợp pháo tự động mới dành cho các biến thể máy bay hỗ trợ hỏa lực đường không được phát triển từ các máy bay vận tải quân sự.
Đó là tổ hợp pháo tự động M61A1 Vulcan 20mm được đặt gọn trong một pallet tiêu chuẩn 463L (hoặc gọi là HCU-6/E) dùng trong vận chuyển hàng hóa của NATO. Tất cả các máy bay dùng chuẩn pallet này đều có thể mang được M61A1, ví dụ như máy bay vận tải C-27J Spartan của Italy, Airbus C-295. Đáng lưu ý, Không quân Việt Nam đang vận hành các máy bay vận tải C-295 đặt hàng từ hãng Airbus (gồm ba chiếc).
|
Tổ hợp pháo tự động M61A1 Vulcan 20mm do Oto Melara phát triển.
|
Bên cạnh đó, tổ hợp pháo tự động này cũng được thiết kế để có thể tích hợp dễ dàng với các loại máy bay vận tải mà không cần sửa đổi thiết kế ban đầu của máy bay. Theo các kỹ sư của Oto Melara, M61A1 có thể được triển khai và thu hồi trên một máy bay vận tải quân sự chỉ trong khoảng thời gian 15 phút hoặc ít hơn.
Một lợi thế nữa của tổ hợp pháo M61A1 là nó được trang bị cụm giá đỡ tự động giúp nó hoạt động ổn định hơn hẳn so với các kiểu giá đỡ cố định vốn được các loại trực thăng hay máy bay vũ trang sử dụng.
Nó được Oto Melara phát triển theo đơn đặt hàng của Bộ quốc phòng Italia để trang bị cho các lực lượng đặc biệt của nước này. Oto Melara chính thức đưa vào phát triển sau khi được Bộ quốc phòng Italia đồng ý tài trợ hơn 2,2 triệu USD cho dự án này vào tháng 9/2013.
|
Biến thể máy bay hỗ trợ hỏa lực đường không MC-27J của Italia. |
Dự kiến, Quân đội Italia sẽ mua ít nhất 6 tổ hợp pháo tự động M61A1 và quá trình sản xuất sẽ được Oto Melara thực hiện trong năm 2016. Trong khi đó thời hạn chuyển giao cho Quân đội Italia sẽ là vào cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017 với chi phí cho một tổ hợp ước tính là khoảng vài triệu USD.
Dựa trên thiết kế hiện tại, tổ hợp pháo tự động M61A1 có thể được triển khai thông qua cửa hông của máy bay vận tải và có khả năng thu lại hoàn toàn vào bên trong máy bay khi ngưng hoạt động.
Một tổ hợp pháo tự động M61A1 20mm có thể mang theo 750 viên đạn với tổng trọng lượng tối đa là hơn 1,5 tấn tải trọng an toàn khi được đặt phía sau C-27J. Để giảm trọng lượng cho toàn bộ tổ hợp, đã phải sử dụng các vật liệu tổng hợp cho một số bộ phận của M161A như giá đỡ súng, hệ thống điều khiển và thậm chí là cả ghế ngồi của xạ thủ.
Bên trong tổ hợp pháo còn được tích hợp sẵn thiết bị quan sát quang hồng ngoại, hệ thống điều khiển hỏa lực, hệ thống định vị toàn cầu GPS và một số thiết bị được tích hợp sẵn khác.
|
Bên trong một khoang chứa hàng của máy bay vận tải quân sự C-2J được tích hợp thêm pháo tự động 30mm do ATK phát triển. |
Một đặc điểm nữa là, M61A1 nó sử dụng nguồn năng lượng dữ trữ độc lập giúp toàn bộ hợp vận hành chủ động trong khoảng thời gian 30 phút. Oto Melara cũng tiết lộ rằng các nguyên mẫu tổ hợp pháo tự động M61A1 đầu tiên đã được công ty chuyển giao vào cho Quân đội Italia vào tháng 12/2014, tiếp theo sau đó nó được đưa vào thử nghiệm trên C-27J vào tháng 3 năm nay với hơn 11 lần bắn thử cùng 550 viên đạn cho mỗi lần thử nghiệm ở độ cao từ 460m đến hơn 1.100m.
Oto Melara vẫn đang trong quá trình thử nghiệm và sửa đổi đối với tổ hợp pháo tự động M61A1 nhằm hạn chế sai lệch xuống mức thấp nhất có thể với mức tiêu chuẩn là phải thấp hơn 4m khi ở độ cao hơn 1.500m và từ 10-12m khi ở độ cao hơn 3.000m.
Các quan chức của Oto Melara cũng cho hay, hiện tại công ty này cũng đang đàm phán với các khách hàng ở Trung Đông về các tổ hợp pháo tự động M61A1 và nhiều khả năng Oto Melara sẽ tiếp tục phát triển một tổ hợp pháo mới tương tự như M61A1 nhưng lại được trang bị pháo tự động 25mm.
Bên cạnh đó, các máy bay vận tải quân sự được tích hợp tổ hợp pháo tự động do Oto Melara có thể còn được sử dụng như máy chỉ huy trên không ngoài khả năng vận tải và hỗ trợ hỏa lực.
Hiện các máy bay vận tải C-295 của Việt Nam chủ yếu thực hiện vai trò tải quân, chở hàng. Nếu có nhu cầu làm phương tiện chi viện hỏa lực thì giải pháp của Oto Melara là rất đáng quan tâm.
Theo Trà Khánh (Kienthuc.net.vn)