Mâu thuẫn Trung-Ấn: TQ cáo buộc Mỹ 'ném bom khói' về phía Ấn Độ nhằm che giấu ý đồ thực sự

12/10/2020 11:19:47

Sau khi ngoại trưởng Mỹ Pompeo trở về từ cuộc họp Bộ trưởng ở Nhật Bản, ông đã tuyên bố rằng "Ấn Độ thấy 60.000 lính Trung Quốc đổ về khu vực biên giới".

Mâu thuẫn Trung-Ấn: TQ cáo buộc Mỹ 'ném bom khói' về phía Ấn Độ nhằm che giấu ý đồ thực sự
Ảnh: Danish Siddiqui / Reuters

Hoàn Cầu mới đây dẫn lời các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng việc Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc "60.000 binh sĩ Trung Quốc tập trung dọc biên giới Trung - Ấn" giống như ném một "quả bom khói" về phía Ấn Độ. Tuy nhiên, đây là nỗ lực "vô ích" của ông Pompeo - Hoàn Cầu viết.

Cụ thể, sau khi ngoại trưởng Mỹ Pompeo trở về từ cuộc họp Bộ trưởng ở Nhật Bản, ông đã tuyên bố rằng "Ấn Độ thấy 60.000 lính Trung Quốc đổ về khu vực biên giới".

Ông Pompeo đưa ra cáo buộc này trước cuộc họp lần thứ 7 giữa các chỉ huy quân sự Trung Quốc - Ấn Độ để bàn về vấn đề biên giới và trước chuyến thăm chính thức của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun tới Ấn Độ.

Trả lời Hoàn Cầu, Hu Zhiyong, một nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, nói việc Mỹ đưa ra thông tin tình báo phóng đại và không đáng tin cậy như vậy chỉ nhằm lợi dụng Ấn Độ trong việc triển khai Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương với mục đích cuối cùng là kiềm chế Trung Quốc.

"Bằng cách ném một quả bom khói như vậy, Mỹ đang cố gắng gây ấn tượng với Ấn Độ rằng hai nước Mỹ - Ấn Độ là đồng minh, nhưng khi xung đột quân sự Trung-Ấn thực sự nổ ra, Mỹ sẽ không hoàn toàn đứng về phía Ấn Độ.

Thứ mà Mỹ gọi là liên minh chẳng tồn tại trên cơ sở nào khác ngoài lợi ích kinh tế từ việc buôn bán vũ khí," ông Hu nói gay gắt.

Các nhà phân tích Trung Quốc tin rằng sẽ không có kết quả tích cực nào từ cuộc đàm phán quân sự ngày 12/10 giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Ngoài ra, hành động khiêu khích từ Mỹ sẽ càng khiến Ấn Độ kiên quyết giữ nguyên hiện trạng khu vực biên giới.

Zhao Gancheng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á-Thái Bình Dương tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, nói: "Ấn Độ chưa bao giờ có dấu hiệu giải quyết tình trạng căng thẳng quân sự dọc khu vực biên giới. Do đó, động thái của Mỹ sẽ không làm thay đổi lập trường cứng rắn của Ấn Độ cũng như không thể làm tổn hại thêm các cuộc đàm phán Trung Quốc-Ấn Độ vốn đã đi vào bế tắc".

Mặc dù Ấn Độ và Trung Quốc đã tổ chức một loạt các cuộc đàm phán ngoại giao và quân sự, nhưng hai bên vẫn tiếp tục tăng cường triển khai lực lượng quân sự, thậm chí tiếp tục xây dựng thêm đường xá và mở đường hầm cũng như dựng một số công trình mới để nâng cao khả năng chiến đấu của binh sĩ.

Theo Tất Đạt (Tổ Quốc)

Nổi bật