Tên lửa và máy bay băng qua không phận Lebanon hướng về phía Syria |
Quân đội Nga hôm nay cho biết hai tiêm kích F-15I Israel đã phóng 8 quả tên lửa hành trình từ không phận Lebanon vào căn cứ không quân T-4 của Syria, trong đó 5 quả bị phòng không Syria bắn hạ. Vụ không kích khiến ít nhất 12 binh sĩ thiệt mạng và 30 người bị thương, theo TASS.
Bộ Quốc phòng Israel từ chối bình luận về tuyên bố của Nga. Tuy nhiên, các chuyên gia của Defense Update cho rằng nếu Israel thực sự đứng đằng sau cuộc tấn công, loại vũ khí được Tel Aviv lựa chọn nhiều khả năng sẽ là tên lửa hành trình thông minh Delilah do Tập đoàn công nghiệp quốc phòng Israel (IMI) chế tạo.
Vào thập niên 1990, tập đoàn IMI phát triển Delilah như một loại mục tiêu bay phục vụ cho việc huấn luyện của không quân, sau đó biến nó thành vũ khí tiến công gắn trên tiêm kích F-16 và F-4E.
Delilah được thiết kế để tấn công mục tiêu cố định và di động với độ chính xác cao, bảo đảm đánh trúng vòng tròn bán kính một mét xung quanh điểm ngắm. Khác tên lửa hành trình thông thường vốn chỉ bay tới mục tiêu đã được lập trình sẵn trước khi phóng, Delilah có khả năng thay đổi lộ trình và lượn trên khu vực nghi vấn có mục tiêu. Đầu dò ảnh nhiệt ở đầu quả đạn sẽ giúp sĩ quan điều khiển vũ khí xác định mục tiêu tấn công hoặc ra lệnh hủy tên lửa.
Biến thể Delilah đầu tiên đạt tầm bắn khoảng 250 km, có thể lắp nhiều loại đầu đạn để tiêu diệt mục tiêu mặt đất và trên biển. Tên lửa được trang bị động cơ phản lực turbine để tăng thời gian lượn trên không, giúp xác định mục tiêu được ngụy trang cũng như mục tiêu di chuyển với tốc độ cao. Khả năng cơ động linh hoạt giúp Delilah phù hợp cho nhiệm vụ tiêu diệt các hệ thống phòng không đối phương.
Tên lửa Delilah trong biên chế không quân Israel |
Tên lửa Delilah có kích thước nhỏ, chỉ dài 2,7 m, sải cánh 1,15 m, có khối lượng 187 kg và sử dụng đầu đạn nặng 30 kg. Quả đạn bay hành trình ở độ cao 8.500 m, trước khi lao xuống mục tiêu với tốc độ 1.050 km/h.
Mỗi quả đạn được trang bị máy tính lái tự động, lấy dữ liệu từ hệ thống dẫn đường quán tính kết hợp định vị vệ tinh (INS/GPS), cho phép tên lửa thực hiện nhiệm vụ hoàn toàn tự động. Đường truyền dữ liệu tốc độ cao giúp kết nối quả đạn với tiêm kích, hỗ trợ việc nhận dạng và tấn công chính xác mục tiêu.
Ngoài tiêm kích F-16I và F-4E, tên lửa Delilah còn được cải tiến để gắn trên hầu hết các loại phi cơ trong biên chế Israel, gồm cả tiêm kích hạng nặng F-15I, trực thăng đa dụng UH-60 và SH-60B. Thành công của phiên bản phóng từ máy bay thúc đẩy IMI phát triển biến thể Delilah-GL dành cho bệ phóng mặt đất và tàu chiến.
Delilah tham gia thực chiến lần đầu tiên vào tháng 7 và 8/2006, khi tiêm kích F-16D của Israel phóng nhiều quả đạn trên không phận Lebanon. Tuy nhiên, thành tích chiến đấu của loại vũ khí này không được công bố rộng rãi.
Theo Tử Quỳnh (VnExpress.net)