Nước Anh sắp bước vào giai đoạn tái mở cửa, dỡ bỏ phần lớn các lệnh hạn chế vào nửa cuối tháng 7. Một động thái được đánh giá là hết sức liều lĩnh, khi tình hình tiêm chủng của họ đang dần chậm lại, trong khi số ca nhiễm biến chủng Delta đang tăng rất nhanh.
Nhưng tạm thời chưa bàn đến câu chuyện gỡ phong tỏa. Trong thời gian đóng cửa, Anh trưng dụng nhiều khách sạn để trở thành cơ sở cách ly. Tuy nhiên, chính những khách sạn như thế lại xảy ra những tình trạng hết sức đáng ngại, liên quan đến quấy rối tình dục.
Theo BBC, đã có 4 phụ nữ ở trong các khách sạn cách ly tại Anh tố cáo rằng họ bị quấy rối tình dục bởi chính các nhân viên bảo vệ ở đó. Được biết, họ là các bảo vệ đến từ công ty an ninh có tên G4S.
Một người kể lại, đã có một bảo vệ tìm cách quan hệ với cô khi họ chỉ có một mình trong thang máy. Một trường hợp khác cho biết nhân viên an ninh đã có hành động thân mật thái quá, khi đòi được ôm và chụp ảnh selfie dù biết cô đang phải cách ly và có nguy cơ nhiễm Covid-19.
Được biết, chính phủ Anh đã thuê nhân viên an ninh của công ty G4S để đảm bảo những người cách ly trong khách sạn đảm bảo các quy định phòng dịch. Công ty này cho biết họ kỳ vọng vào những tiêu chuẩn cao nhất cho nhân viên của mình, và sẽ tiến hành điều tra sự việc.
Bị quấy rối một cách táo tợn
Nước Anh trải qua một trong những đợt phong tỏa kéo dài nhất thế giới. Ở thời điểm đó, mọi hành khách từ các quốc gia nằm trong danh sách báo động đỏ (có ổ dịch, nguy cơ lây nhiễm cao) của Anh khi về nước sẽ phải cách ly trong các khách sạn. Họ sẽ phải ở yên trong phòng khách sạn trong vòng 10 ngày, chỉ được ra ngoài tập thể dục dưới sự giám sát của một nhân viên an ninh.
Nếu có đặt bất kỳ thứ gì, cũng sẽ có bảo vệ giao lên tận phòng. Tuy nhiên theo 7 phụ nữ trả lời với BBC, họ không thấy bất kỳ một nhân viên nữ nào cả.
Như Marie Sidwell - một y tá 28 tuổi từ Nottingham trở về Anh vào cuối tháng 5 sau khi thực hiện công tác chống dịch tại Dubai. Cô đã đặt một vài món hàng trên Amazon ngay sau khi được cách ly trong khách sạn Pentahotel ở TP Reading.
Món hàng đầu tiên do một nhân viên an ninh của G4S mang lên cho cô. Người này, theo Sidwell kể, đã làm theo đúng quy trình: gõ cửa, để món hàng trước cửa và lùi lại ở khoảng cách an toàn.
Tuy nhiên chỉ 15 phút sau, có một nhân viên an ninh khác trẻ hơn xuất hiện với món đồ thứ 2 trên tay. Người này hỏi cô có biết chơi cricket (một môn thể thao phổ biến tại Anh) hay không, và khuôn mặt cô khiến anh ta nhớ lại một người quen.
"Anh ta bảo 'Liệu cô có thể chụp với tôi bức hình được không?' Tôi lập tức từ chối, phần vì đang mặc đồ ngủ, phần vì đang phải cách ly, nhưng anh ta lập tức nói 'Không sao đâu, tôi âm tính mà," - Marrie nhớ lại.
"Tôi lùi lại sâu hơn vào phòng. Hắn ta đi theo, ngỏ lời 'Tôi ôm cô được không?' rồi tiến thẳng vào trong. Tôi hoảng sợ, nhanh chóng đóng sập cửa lại."
"Trên cửa có lỗ nhìn chống trộm, và tôi thấy hắn ta bước ra sảnh rồi quay trở lại đứng trước cửa phòng tôi. Hắn cứ đứng ở đó nhìn."
Marie gọi cho lễ tân khách sạn phàn nàn và nhận được câu trả lời rằng họ sẽ điều tra, đồng thời không để nhân viên an ninh kia tiếp cận cô nữa. Tuy nhiên, cô biết rằng mọi nhân viên an ninh đều có khoá từ mở được mọi phòng khách sạn, nên suốt cả đêm đã phải sống trong nỗi lo sẽ có người đột nhập vào trong.
Trong 6 ngày kế tiếp, cô sợ đến nỗi chẳng dám bước ra cửa, kể cả để tập thể dục. Lo lắng của cô là có cơ sở cũng chính gã bảo vệ đó đã mang một gói hàng khác cho cô sau đó ít hôm, bất chấp lời hứa của khách sạn.
"Tôi đã không thể tin nổi, sốc đến nỗi đóng sập cửa ngay sau đó," - cô chia sẻ, đồng thời cho biết sự việc xảy ra vào ngày 28/5. "Tôi gọi cho mẹ. Mẹ bảo cần báo cáo hắn cho cấp cao hơn, nhưng tôi cảm thấy rất sợ. Dù sao tôi cũng làm vậy rồi, và hắn vẫn xuất hiện. Tôi thấy không thoải mái, và cũng hiểu rằng nhân viên an ninh của cả khách sạn này toàn là đàn ông."
Tấn công một cách thô bỉ
Katherine Godolphin, 46 tuổi cũng có trải nghiệm tương tự tại nhà nghỉ Heathrow Bath Road Holiday sau khi trở về từ một dự án bảo tồn tại Zimbabwe. Chuyện xảy ra khi cô đi thang máy một mình với một nhân viên bảo vệ của G4S, sau khi gã tháp tùng cô ra ngoài để tập thể dục.
"Gã đó thật đáng ghê tởm. Gã có hành động đưa đẩy kiểu như đang làm 'chuyện ấy' với tôi ngay trong thang máy," - cô kể lại. "Đó là lần đầu tiên. Tôi khá sốc và khó chịu, nhưng nghĩ rằng đang trong tình huống bị cô lập nên cũng không phản ánh với bất kỳ ai."
Ngày hôm sau, cũng chính gã bảo vệ này lại đưa cô đi tập thể dục. Và khi họ trở về thang máy, gã tỏ ra khó chịu về camera an ninh, quay lưng lại che ống kính và bảo một cách thô thiển rằng thứ "giữa 2 chân" gã đang rất khó chịu và cần được giải phóng.
"Tôi hoảng loạn thực sự. Hắn đi một mình với tôi ra ngoài, và khi trở lại tôi cũng phải đi với hắn, thậm chí dẫn về tận phòng. Không hề vui một chút nào. Tôi đã phải khóa chốt cửa phòng, vì cảm thấy rất căng thẳng trong thời gian này."
Katherine báo cáo việc này với đại diện của G4S. Người này bảo rằng sẽ tiến hành điều tra xử lý, nhưng cô chẳng bao giờ nghe anh ta gọi lại thông báo về hướng giải quyết sự việc.
2 trường hợp khác cũng đã chia sẻ với BBC về việc bị quấy rối khi đang cách ly trong cách sạn, cũng vì các nhân viên an ninh của G4S.
Amy - cô gái phải cách ly tại khách sạn Park Grand Hotel tại Heathrow cho biết vào ngày 15/5, nhân viên bảo vệ liên tục buông lời... ong bướm với cô, nói rằng Amy có một thân hình hết sức nóng bỏng. Anh ta đòi xin số điện thoại, rủ cô đi chơi, rồi liên tục lởn vởn sát bên để đụng chạm khi cô đi tập thể dục và lúc trở về phòng, bất chấp việc có các nhân viên khác xung quanh.
Janet Wheeler thì có một trải nghiệm khác. Căn phòng đầu tiên tại khách sạn Delta Hotel ở Milton Keynes cô được nhận có rệp giường, nên cô phải chuyển phòng. Nhưng quá trình chuyển đi không được nhanh, và cô phải bơ vơ bên ngoài không chỗ trú, và phải ở trong một căn phòng với nhân viên bảo vệ suốt 20 phút. Người này liên tục hỏi xem cô đã kết hôn chưa, đi một mình hay mấy mình, và liệu có thích người da màu hay không.
"Anh ta làm tôi thấy sợ. Tôi không thể bỏ đi, cũng không thể về phòng mình, và cũng chẳng có ai để cầu cứu."
Các trường hợp khác thì tố cáo mình bị đe dọa. Một cô gái cho biết mình đã bật khóc vì bị các nhân viên bảo vệ quát thẳng mặt. Một trường hợp khác sau khi phàn nàn về việc bị quát nạt đã bị các nhân viên bảo vệ đến tận phòng để đe dọa.
Các khách sạn khẳng định rằng họ không chịu trách nhiệm về nhóm bảo vệ, vì họ là nhân viên an ninh theo hợp đồng với Sở Y tế và Chăm sóc xã hội. Đại diện của khách sạn cho biết họ tiếp nhận các lời tố cáo một cách nghiêm túc, đồng thời đã thúc giục G4S tiến hành điều tra. Dẫu vậy, tại căn phòng của Janet Wheeler, khách sạn cho biết họ không tìm thấy rệp giường.
Harriet Wistrich từ Trung tâm Quyền phụ nữ cho rằng những sự việc như vậy là rất đáng lo ngại. "Họ là những phụ nữ bị cách ly, nghĩa là không có tự do di chuyển. Vậy nên, cần phải có các hình thức đảm bảo nhân quyền kèm theo. Nếu họ có rủi ro bị quấy rối tình dục, nghĩa là nhân quyền đã bị vi phạm."
"Đây là những tình huống rất khó khăn dành cho phụ nữ, họ rất dễ bị tổn thương. Cần phải có công tác huấn luyện lại dành cho các nhân viên an ninh, để họ hiểu được hậu quả khi làm như vậy."
Theo J.D (Pháp Luật & Bạn Đọc)