Ẩn chứa quá khứ cả huy hoàng lẫn tăm tối, ở mỏ " kim cương đen " là cả một câu chuyện dài về những con người từng sống chết vì cuộc sống mưu sinh, để rồi, chính họ là tạo nên những bí ẩn ám ảnh đến tận ngày nay.
Cơn sốt "Kim cương đen" bùng nổ gần 6 thập kỷ ở Mỹ
Rộng 2.400 ha, Khu bảo tồn Mỏ kim cương đen ở vùng núi Diablo phía Bắc (thuộc hạt Contra Costa, California) giờ đây trở thành địa điểm tham quan của nhiều khách du lịch.
Những mỏ than và mỏ sa thạch bỏ hoang cộng với những thị trấn từng tấp nập bóng người tại khu bảo tồn phần nào tái hiện cuộc sống thời kỳ nước Mỹ lên "cơn sốt kim cương đen" hồi thế kỷ 19, 20.
Vào thế kỷ 19, sau khi phát hiện mỏ than khổng lồ ở bang California, dân Mỹ bắt đầu đổ xô đi khai thác loại nhiên liệu hóa thạch quý giá này.
Vì được phát hiện trong thời kỳ cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ nhất nên nhu cầu than đá thời đó bùng nổ mạnh mẽ. Đó là lý do người ta gọi các mỏ than đá ở hạt Contra Costa là "kim cương đen".
Có 12 mỏ than ở khu vực này, bao gồm các mỏ Empire, Central, Star, Corcoran, Pittsburg, Manhattan, Eureka, Independent, Union, Black Diamond, Mt. Hope và Cumberland.
Trong thời kỳ hoàng kim khai thác than kéo dài từ năm 1850 đến 1906, vựa than lớn nhất bang California này (gồm 12 mỏ than) được người ta khai thác khoảng 300 triệu tấn trong suốt 56 năm đó. Ước tính, tổng chiều dài các đường hầm của 12 mỏ than này dài đến 322km.
"Cơn sốt kim cương đen" đã khiến cho dòng người nhập cư đến đây ngày càng đông đúc. Chỉ tính riêng thị trấn lớn nhất và lâu đời nhất là Nortonville, dân số đạt đỉnh của nó lên đến 1.000 người.
Nguồn than đá được khai thác chủ yếu phục vụ cho các ngành đường sắt, tàu thuyền và công nghiệp của toàn bang California.
Tuy nhiên, cùng với thời gian, nhu cầu về than đá giảm dần khi nguồn nhiên liệu mới mang tên dầu mỏ "lên ngôi".
Gần 6 thập kỷ hoàng kim qua đi, mặt trái của "vựa tiền" từng khiến California "lên cơn sốt" ám ảnh nhiều người đến tận ngày nay. Ẩn chứa trong đó là những câu chuyện buồn, những số phận người hẩm hiu, trút hơi thở cuối cùng ngay trong những đường hầm tăm tối.
Mặt trái của "Kim cương đen": Những điều ám ảnh chưa kể ở California
Có lẽ không phải nói nhiều về những hiểm nguy rình rập đối với các thợ mỏ khi làm việc tại các mỏ than.
"Sát thủ ẩn thân" đầu tiên phải kể đến là Mêtan (CH4) tích tụ lâu ngày trong các hầm than. Mêtan là loại khí hoàn toàn độc, có thể gây bỏng nhiệt, và rất dễ cháy. Chỉ một sơ suất nhỏ liên quan đến lửa của con người cũng có thể gây nên thảm họa lớn trong các hầm than.
Tiếp đến là khí CO2. Việc ngộ độc khí CO2 hoàn toàn có thể xảy ra đối tại những địa điểm sâu bên trong hầm than. Đó là chưa kể đến điều kiện làm việc khắc nghiệt, thiếu an toàn (sập hầm, cháy nổ...), và dễ gây các bệnh về phổi, đường hô hấp... cho thợ mỏ.
Đối mặt hàng giờ, hàng phút với một loạt "sát thủ" trong mỏ than, nhiều thợ mỏ đã vĩnh viễn bỏ mạng nơi u tối, thiếu dưỡng khí nhất. Họ đi vào nơi tăm tối với hy vọng kiếm tìm ánh sáng của cuộc đời, nhưng rồi cuối cùng phải trút những luồng sinh khí cuối cùng ở chính nơi tăm tối đó mãi mãi!
Phần lớn thợ mỏ là đàn ông. Khi đến Contra Costa với mong muốn "đổi đời", họ đã mang theo vợ con; hoặc có người lập gia đình tại các thị trấn gần khu mỏ để dễ bề làm việc, sinh hoạt. Đó cũng là một trong những lý do khiến cho những người chết vì các căn bệnh đậu mùa, sốt phan ban, sốt thương hàn... phần lớn đều là trẻ em và phụ nữ.
Điều kiện làm việc khắc nghiệt trong các mỏ than đã giết chết nhiều thợ mỏ. Còn điều kiện sống và điều kiện y tế thiếu thốn cũng đã giết chết nhiều phụ nữ và trẻ em ở bên ngoài mỏ than. Đó là lý do, các nghĩa địa gần thị trấn mỗi năm lại nhiều lên những nấm mồ hoang lạnh.
Khi "cơn sốt kim cương đen" hạ nhiệt, người ta dần bỏ những vùng đất này mà đi. Những mỏ than, đường hầm từng ồn ào người qua lại bỗng chốc bị bỏ hoang, vắng người qua lại. Dần dần, những ngôi nhà cũng trở nên vắng lạnh. Một vùng rộng lớn ở Contra Costa lại trở về điểm xuất phát ban đầu của nó: Cô quạnh - Hoang tàn.
Những hầm mỏ có người chết, những nghĩa địa rộng lớn cùng các thị trấn bị bỏ hoang - tất cả đã biến khu vực quanh 12 mỏ than dần trở thành địa điểm ám ảnh đối với nhiều người về sau.
Một trong những câu chuyện ám ảnh người sống được lưu truyền tại đây liên quan đến người phụ nữ tên Sarah Norton. Người phụ nữ này là vợ của người từng tham gia "cơn sốt vàng" nổi tiếng ở Mỹ, về sau ông còn thành lập 2 thị trấn vùng mỏ là Nortonville và Noah Norton.
Ngày 5/10/1879, Sarah Norton bị tai nạn chết khi đang đi trên một chiếc xe ngựa kéo. Khi chuẩn bị tang lễ và chôn cất thi thể Sarah Norton, những hiện tượng kỳ lạ xảy ra liên tiếp.
Người ta kể lại rằng, thi thể của Sarah Norton "bị di chuyển" đến một nhà thờ trong thị trấn. Một phần vì hoảng sợ, một phần vì muốn bà yên nghỉ nên người ta đã sớm chôn cất Sarah Norton mà không thông qua các nghi thức cơ bản khác.
Việc chôn cất cũng không kết thúc những hiện tượng là xoay quanh bà Sarah Norton. Nhiều người bán tín bán nghi kể rằng, ở nghĩa trang Rose Hill (nơi an nghỉ của Sarah Norton) thường xuất hiện một người phụ nữ mặc váy trắng. Đó là lý do, nhiều dân nhập cư thường tránh đi qua nghĩa trang này vào ban đêm.
Bệnh tật. Tai nạn. Chết chóc. Đó là những thứ bao trùm mỏ "kim cương đen" ở vùng đất California những năm của thế kỷ trước. Để đến hôm nay, chúng chỉ còn là phần còn sót lại cho thời kỳ California hưng thịnh những năm cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 20.
Mỏ "kim cương đen" ở California dù có là địa điểm ám ảnh, đáng sợ với nhiều người "yếu tim" đi chăng nữa thì không thể phủ nhận nó là minh chứng cho thời kỳ "cơn sốt kim cương đen" mang lại thinh vượng cho toàn bang miền Tây nước Mỹ hồi thế kỷ 18, 19.
Theo Trang Ly (Helino)