Bê bối khiến giao dịch nhà ở cao cấp chững lại
Thời điểm định cư ở Singapore cách đây 5 năm, Wang Dehai (34 tuổi) đã bị Cảnh sát Trung Quốc truy nã vì liên quan đến một đường dây đánh bạc bất hợp pháp xuyên biên giới. Khi đó, Wang và vợ đã thành lập một văn phòng tại gia đình và nhận được giấy phép lao động tại Singapore.
Họ gửi tiền vào ngân hàng Credit Suisse và tiếp tục nhận được hộ chiếu từ “thiên đường thuế” là Cộng hòa Cyprus. Từ đó, Wang Dehai đã vung tiền vào một căn hộ chung cư trị giá 23 triệu SGD (17,2 triệu USD) ở khu vực đắc địa Orchard và nắm giữ khoảng 2,8 triệu USD tiền điện tử. Cuộc sống yên bình của Wang đã sụp đổ vào tháng 8 khi anh ta nằm trong số 10 người đến từ tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) bị bắt và bị buộc tội trong vụ rửa tiền lớn nhất ở Singapore.
Nhà chức trách Singapore đã tịch thu tài sản trị giá hơn 2,1 tỷ USD, bao gồm vàng miếng, đồ trang sức, 62 ô tô và 152 bất động sản. Tài sản thuộc sở hữu của các bị cáo, từ biệt thự sang trọng trên đảo Sentosa cho đến nhiều căn nhà phố có tuổi đời hàng thế kỷ ở trung tâm buôn bán lớn.
Ngoài ra, số tài sản bị tịch thu còn có 164 chiếc đồng hồ xa xỉ, 294 túi xách và hàng nghìn chai rượu quý.
Theo cảnh sát, trong số này, Vang Shuiming (42 tuổi, có hộ chiếu Thổ Nhĩ Kỳ, Campuchia và Vanuatu) đã tài trợ mua 10 căn hộ tại Canninghill Piers, 1 chung cư đang được xây dựng dọc sông Singapore. Vang Shuiming cùng với những người khác hiện đang bị giam giữ tại nhà tù Changi, trái ngược hẳn với cảnh sống ở căn biệt thự rộng khoảng 1.600 m2 trong khu Bishopsgate cao cấp mà anh ta thuê với giá 150.000 SGD/năm. Một số nghi phạm có ít nhất 4 chiếc ô tô, từ Ferrari đến Rolls-Royces. Vụ triệt phá nhóm đối tượng này thậm chí còn có ảnh hưởng đến nền kinh tế địa phương, khi thị trường giao dịch nhà ở cao cấp đã chậm lại.
“Tiền bẩn” bị đẩy vào doanh nghiệp mới mở
Trong nhiều thập kỷ, Singapore đã mở cửa để thu hút giới siêu giàu, hình thành nên ngành tài chính hùng mạnh trên thế giới. Các chương trình và ưu đãi thuế hào phóng mang lại cơ hội cư trú lâu dài đã đưa đến kết quả xứng đáng, thúc đẩy các tỷ phú mở công ty tại đây.
Gần đây hơn, một làn sóng các nhà đầu tư Trung Quốc đã đến Singapore, một phần để tránh áp lực của Trung Quốc đối với ngành công nghệ và bất động sản, mặt khác người Hoa chiếm khoảng 3/4 dân số Singapore. Kể từ năm 2019, đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc đại lục và Hồng Kông (Trung Quốc) đã tăng 79% lên 19,3 tỷ SGD. Tuy nhiên, vụ án liên quan đến 10 đối tượng nói trên đang khiến người ta phải suy nghĩ lại về tất cả những điều này, trong bối cảnh “tiền bẩn” có dấu hiệu đổ xô vào các doanh nghiệp hợp pháp mới thành lập tại Singapore.
Tổng cộng, trong số 10 bị cáo, ít nhất 5 công ty gia đình đã được thành lập. Nhiều bị cáo cũng đầu tư vào các công ty có sẵn hoặc thành lập doanh nghiệp riêng. Theo hồ sơ của Bộ Nhân lực Singapore, Wang Dehai - người có giấy phép làm việc có hiệu lực đến tháng 6-2024 - đã đầu tư vào một chuỗi nhà hàng Trung Quốc mang tên Delibowl Pte.
Một bị cáo khác là Su Haijin (40 tuổi) trở thành giám đốc của công ty có niêm yết trên sàn chứng khoán No Signboard Holdings Ltd. sau khi đầu tư 6,5 triệu SGD vào đây. Theo tài liệu, Su cũng nắm giữ hoặc đã có cổ phần ở 7 công ty khác. Nhưng doanh nhân này chính là người đã gãy cả 2 chân và bị thương ở tay khi nhảy từ ban công căn biệt thự sau khi nhận được con trai ông ta báo là cảnh sát đến. Su Haijin đang phải đối mặt với cáo buộc liên quan đến rửa tiền ở Singapore bằng cách sử dụng lợi nhuận từ hoạt động cờ bạc bất hợp pháp. Su bị bắt cùng với tài sản trị giá 171 triệu SGD ở Singapore.
Singapore đã thừa nhận những thách thức trong việc cố gắng ngăn chặn những kẻ rửa tiền có được giấy phép làm việc. Bộ trưởng Nhân lực Tan See Leng phát biểu trước Quốc hội vào tháng 10 rằng, một số người có thể giả vờ làm việc cho các công ty ma để nhằm che giấu hoạt động thu lợi bất chính. “Tội phạm sẽ liên tục tìm ra những cách mới để lách luật và quy định của chúng ta” - Bộ trưởng Tan nói. Đáng nói, 10 người bị bắt đã được cấp nhiều loại thị thực thường trú hoặc làm việc một phần vì không ai trong số họ có tên trong Thông báo đỏ của Interpol, mặc dù không ít người đang bị truy nã ở Trung Quốc.
Những lỗ hổng cần bịt kín
Singapore cũng đang xem xét tác động của một lỗ hổng khác được cho là đã giúp nhiều bị cáo khởi nghiệp kinh doanh. Theo luật Singapore, người nước ngoài phải thuê công dân hoặc thường trú nhân làm người đại diện theo ủy quyền để thành lập công ty. Để đáp ứng nhu cầu này, một số người dân địa phương đã trở thành giám đốc, đại diện cho hàng trăm công ty cùng một lúc. Wang Junjie là một ví dụ điển hình.
Người đàn ông Singapore này là giám đốc, cổ đông hoặc thư ký của hơn 200 công ty và đã giữ vai trò tại ít nhất 9 công ty liên quan đến 3 trong số những người bị bắt. Hay một bị cáo khác là Zhang Ruijin có tới 2 thư ký là thành viên của một công ty mang tên Venture Haven. Công ty này tuyên bố có thể cung cấp đăng ký kinh doanh trong vòng chưa đầy 24 giờ. Chỉ riêng 2 thư ký Koh Teng Teng và Safura Binte Sa’ad mỗi người nắm giữ hơn 3.500 vị trí tại nhiều công ty khác nhau.
Một trong những điều cần làm sáng tỏ là mối quan hệ với các ngân hàng. Vang Shuiming, một trong những người bị bắt, nắm giữ 92 triệu SGD tại Credit Suisse, trong khi Julius Baer Group Ltd. của Thụy Sĩ giữ cho anh ta khoảng 33 triệu SGD. Citigroup và các công ty cho vay DBS Group Holdings Ltd. của Singapore, Tập đoàn Ngân hàng Trung Quốc hải ngoại và United Oversea Bank Ltd. cũng cung cấp dịch vụ ngân hàng cho một số bị cáo.
Trong một tuyên bố, Citigroup cho biết họ cam kết đấu tranh chống rửa tiền và đảm bảo tiêu chuẩn quản trị và kiểm soát cao nhất. Ngân hàng có trụ sở tại New York đang làm việc với chính quyền Singapore để củng cố và bảo vệ tính toàn vẹn của hệ thống tài chính. Một người quen thuộc về vấn đề này nhận xét: “Tiền gửi lớn thu hút rất nhiều sự cạnh tranh từ các ngân hàng. Nếu ai đó xuất hiện với 1 triệu USD, có lẽ họ được tiễn ra ra cửa, nhưng với 1 tỷ USD, họ được trải thảm đỏ chào đón”.
Cơ quan tiền tệ Singapore cho biết, họ đang phối hợp với các ngân hàng để thanh tra, rà soát sai phạm. Theo cảnh sát, mặc dù các vụ bắt giữ gần đây đã dẫn đến việc thu giữ hơn 1 tỷ SGD trong tài khoản ngân hàng, nhưng có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, vì còn ít nhất 8 nghi phạm đang lẩn trốn. Được biết, cảnh sát Singapore đã phát hiện các giao dịch đáng ngờ liên quan đến băng đảng Phúc Kiến ngay từ năm 2021 và mở cuộc điều tra toàn diện vào năm 2022.
Giới chuyên gia cho rằng, đối với trung tâm tài chính như Singapore, muốn giữ cửa biên giới mở để thu hút giới siêu giàu, họ đồng thời phải có đủ biện pháp kiểm soát để phát hiện các quỹ bị “nhiễm độc”. “Khả năng thu hút vốn từ khắp khu vực và xa hơn của Singapore có nghĩa là nước này có thêm trách nhiệm đảm bảo các biện pháp kiểm soát chống rửa tiền của mình có hiệu quả” - ông John Cusack, Chủ tịch Liên minh Toàn cầu chống tội phạm tài chính có trụ sở tại London, cho biết.
Về phần mình, Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng, vụ rửa tiền không phải là một vụ bê bối và hệ thống tài chính của nước này rất trong sạch. “Nếu hệ thống của chúng tôi có vấn đề thì tôi sẽ gặp rắc rối. Đó là một vụ án hình sự, tội phạm làm điều xấu. Chúng tôi tìm ra, điều tra và sẽ buộc tội họ trước tòa”.
Theo Yến Chi (An Ninh Thủ Đô)