"Mắt thần" mới của pháo binh Nga
Xe trinh sát pháo binh tự hành PRP-4A Argus (ARV), một phiên bản xe trinh sát hiện đại của Nga đang được thử nghiệm trên chiến trường Sirya; có nhiệm vụ trinh sát phát hiện mục tiêu như trận địa pháo binh, súng cối cũng như các cụm xe tăng, binh lực, công sự của địch. Đồng thời tính toán phần tử bắn, cung cấp tọa độ cho cụm pháo binh chiến dịch một cách nhanh chóng và chính xác.
Xe thiết giáp trinh sát PRP-4A Argus được chế tạo dựa trên nền tảng xe chiến đấu bộ binh BMP-1, nên có tính việt dã cao; đồng thời có thể vận chuyển nhanh bằng đường hàng không. Chiều dài tổng thể của xe là 6,7m, chiều rộng 2,9m, chiều cao 2,1m; trọng lượng chiến đấu là 13,8 tấn. Nó được điều khiển bởi một kíp xe bốn người, bao gồm trưởng xe, lái xe và hai trinh sát viên.
Argus được trang bị động cơ diesel UTD-20S1 tăng áp với công suất 300hp, nên xe có thể đạt được tốc độ tối đa 65km/giờ trên đường bộ và hơn 7km/giờ khi bơi trên mặt nước. Dự trữ hành trình trên đường tối đa là 500 km, xe có thể hoạt động ở các khu vực có độ cao đến 3.000m so với mực nước biển, trong dải nhiệt độ từ -40°C đến +50°C.
Xe được trang bị một nguồn điện phụ để cung cấp nguồn cho tất cả các hệ thống và cảm biến trên xe khi động cơ chính không hoạt động.
Xe có khả năng leo dốc 60%, đi trên mặt phẳng nghiêng 30%, vượt vật cản cao 0,7 m, vượt hào rộng 2,2 m và tính năng bơi. Như vậy xe có khả năng vượt mọi địa hình tương đối tốt.
Trang bị vũ khí bao gồm một súng máy 7.62mm PKTM, có tốc độ bắn tối đa là 800 phát/phút, cự ly bắn hiệu quả trong tầm 1.500 mét trở lại; súng có thể tháo lắp dễ dàng.
Sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội
Về hệ thống phòng thủ chủ động, xe được trang bị một hệ thống báo động khi có tia laser đang chiếu xạ để kích hoạt các ống phóng lựu đạn khói trên xe. Hệ thống này có hiệu quả khi chống lại tên lửa chống tăng có điều khiển bằng laser. Xe cũng có hệ thống xả khói mù bằng cách bơm nhiên liệu diesel vào ống xả để tạo màn khói ngụy trang.
Về vỏ thép bảo vệ xe: lớp thép hàn xung quanh có thể chống được đạn 12,7mm cũng như các mảnh bom, pháo; mặt chính diện của xe có thể chống được đạn 20 mm. Xe cũng được trang bị một hệ thống chống cháy tự động và hệ thống bảo vệ chống vũ khí sinh hóa NBC.
Về khả năng ngụy trang: ngoài việc xe được sơn màu ngụy trang theo môi trường, xe còn mang thêm lưới ngụy trang và một tấm cách nhiệt để giảm mức độ bức xạ hồng ngoại khi hoạt động sát chiến tuyến.
Về trang bị trinh sát: xe được trang bị thiết bị có khả năng phát hiện, định vị nguồn phát sóng vô tuyến; các thiết bị quan sát ảnh nhiệt để quan sát các mục tiêu vào ban đêm, thiết bị quan sát quang điện truyền hình với những cảm biến hiện đại cho phép phát hiện những mục tiêu bị che khuất sau khối chắn.
Xe được trang bị hai máy tính, trong đó một máy hoạt động chính và một máy dự phòng. Một số thiết bị này đều có thể tháo dỡ và mang vác đến các vị trí khác, nhưng vẫn có thể kết nối vô tuyến với máy tính trên xe; cự ly kết nối nên tới 6 km.
Trái tim của hệ thống trinh sát trên xe là radar giám sát chiến trường IL120-1; radar được gắn trên tháp, có thể thu vào khi không sử dụng. Radar IL120-1 có khả năng phát hiện các mục tiêu trong mọi điều kiện thời tiết, cung cấp tọa độ, phần tử bắn cũng như các tham số về khí tượng cho các trận địa pháo binh, tên lửa của ta.
Radar có thể phát hiện vật thể như người ở khoảng cách lên tới 7km và xe tăng trong khoảng cách tối đa là 16km.
Xe trinh sát Argus cũng được lắp đặt một máy đo cự ly bằng tia laze 1D14-1, có khả năng xác định cự ly một loạt các vật thể lớn ở khoảng cách 10km, các cấu trúc như tòa nhà hoặc đồi núi ở khoảng cách xa 25 km. Khi xác định được các tham số mục tiêu; các dữ liệu liên quan sẽ được truyền đến các trận địa pháo binh để có thể nhanh chóng tiêu diệt.
Xe trinh sát pháo binh tự hành PRP-4A Argus (ARV) |
Giải pháp độc đáo của Nga
Hiện nay, chỉ có Nga là quốc gia tiếp tục phát triển các loại xe trinh sát pháo binh, các nước NATO không có những vũ khí như vậy; thay vào đó, họ dựa vào các phương tiện máy bay có người lái và không người lái trong việc trinh sát, sửa bắn cho pháo binh.
Tuy nhiên cách tiếp cận này còn nhiều hạn chế vì hiện nay các biện pháp ngụy trang điện tử có thể làm giảm hiệu quả hoạt động quan sát của các phi công trên không.
Pháo binh hiện đại được tổ chức theo mô hình tác chiến: "Trinh sát, Hỏa lực, Cơ động", trong đó lấy hệ thống trinh sát hiện đại làm nòng cốt, nhằm thực hiện nguyên tắc sử dụng hỏa lực "Một phát bắn, loạt bắn – tiêu diệt mục tiêu".
Đối với pháo binh tầm xa, trinh sát pháo là bộ phận hết sức quan trọng; là tai, là mắt của pháo binh.
Do vậy, bên cạnh phát triển các loại pháo, tên lửa có tầm bắn xa, uy lực mạnh thì việc phải phát triển các hệ thống quan sát pháo binh đi kèm như xe trinh sát pháo binh Argus mới có thể giúp lực lượng pháo binh, tên lửa phát huy được hết sức mạnh của mình trong cuộc chiến tranh công nghệ cao, trên mọi không gian chiến trường và trong mọi điều kiện tác chiến.
Trung tá Trịnh Ngọc Tiến - Trường Đại học Chính trị / BQP
Theo Soha/Thời Đại