Mật nghị Hồng y bầu Giáo hoàng mới, ai đại diện cho phía Việt Nam tới tham dự?

29/04/2025 08:17:52

Ngày 7/5 tới đây, các hồng y trên khắp thế giới sẽ họp tại Vatican để bắt đầu tiến trình lựa chọn giáo hoàng mới cho 1,4 tỷ người Công giáo trên toàn thế giới, theo CNN

Sau lễ tang trọng thể Giáo hoàng Francis hôm 26-4, Vatican chuẩn bị bước vào một trong những nghi thức trang nghiêm và bí mật nhất của Giáo hội Công giáo: Mật nghị hồng y để bầu chọn vị Giáo hoàng kế nhiệm.

Cụ thể, vào 9 giờ sáng 28/4 (giờ Ý), các hồng y sẽ họp lần thứ năm kể từ khi cố Giáo hoàng Francis từ trần và nhiều khả năng sẽ chọn ngày triệu tập mật nghị.

Mật nghị Hồng y bầu Giáo hoàng mới, ai đại diện cho phía Việt Nam tới tham dự?
Tang lễ của cố Giáo hoàng Francis tại Quảng trường Thánh Peter ở Vatican ngày 26-4 thu hút khoảng 250.000 người tham gia. Ảnh: AP

Mật nghị là tiến trình bí ẩn và bí mật tuyệt đối để chọn ra Giáo hoàng tiếp theo. Tiến trình này diễn ra tại Nhà nguyện Sistine, dưới những bích họa nổi tiếng ở trung tâm Vatican.

Chỉ những hồng y dưới 80 tuổi mới được phép bỏ phiếu chọn giáo hoàng. Hiện có 135 hồng y đủ điều kiện tham gia mật nghị sắp tới. Tuy nhiên, ít nhất một hồng y đã tiết lộ rằng ông sẽ không tham dự.

Trước khi bắt đầu, nhà nguyện được kiểm tra kỹ lưỡng để loại bỏ thiết bị nghe lén. Các hồng y tham gia bỏ phiếu bị cấm sử dụng điện thoại, máy tính xách tay và phải tuyên thệ giữ bí mật.

Khi nghe hiệu lệnh "Extra omnes", tức "Mọi người ra ngoài", tất cả nhân viên và trợ lý sẽ rời khỏi nhà nguyện, chỉ còn lại các hồng y cử tri.

Hai mật nghị gần đây nhất - được tổ chức vào năm 2005 để bầu Giáo hoàng Benedict XVI và năm 2013 để bầu Giáo hoàng Francis - kéo dài hai ngày.

Theo truyền thống, Mật nghị phải được tổ chức trong khoảng từ 15-20 ngày sau khi Giáo hoàng qua đời, tức muộn nhất vào ngày 11-5, song nếu tất cả các hồng y cử tri đã có mặt tại Vatican, mật nghị có thể bắt đầu sớm hơn.

Theo CNN, Các hồng y đã chọn ngày 7/5 là ngày bắt đầu mật nghị để bầu ra một giáo hoàng mới cho 1,4 tỷ người Công giáo trên toàn thế giới, Vatican thông báo

Đây là một truyền thống lâu đời của Giáo hội Công giáo và là thời khắc pha trộn giữa nghi thức long trọng, thần học sâu sắc và sự bí mật tuyệt đối.

Trong vài ngày tới, Rome – thành phố từng được ví như "thủ đô của thế giới" – sẽ một lần nữa trở thành tâm điểm toàn cầu khi 1,2 tỉ người Công giáo sẽ biết được ai sẽ trở thành Giáo hoàng mới.

Hiện nay có 252 hồng y nhưng chỉ những người dưới 80 tuổi mới đủ điều kiện bỏ phiếu. Điều này có nghĩa rằng 135 hồng y đến từ 71 quốc gia khác nhau sẽ có quyền quyết định bầu ra Giáo hoàng tiếp theo.

Về phía Việt Nam, từng có tổng cộng sáu vị hồng y. Tuy nhiên đến năm 2025, chỉ còn hai vị hồng y còn sống là Hồng y Jean-Baptiste Phạm Minh Mẫn (sinh năm 1934) và Hồng y Peter Nguyễn Văn Nhơn (sinh năm 1938).

Thế nhưng cả hai vị đều đã trên 80 tuổi, nên không đủ điều kiện tham gia Mật nghị Hồng y năm 2025.

Trước đó, Việt Nam từng có hai vị hồng y tham gia bầu Giáo hoàng: Hồng y Joseph-Marie Trịnh Như Khuê (Mật nghị năm 1978) và Hồng y Jean-Baptiste Phạm Minh Mẫn (Mật nghị các năm 2005 và 2013).

Giáo hoàng mới sẽ được bầu bằng cách bỏ phiếu kín. Các hồng y (còn được gọi là "hoàng tử của Giáo hội") sẽ ngồi sau 12 chiếc bàn gỗ phủ vải satin.

Sẽ có chiếc bàn thứ 13 được đặt trước bàn thờ, trên bàn sẽ đặt một chiếc bình bạc để các hồng y bỏ phiếu bầu.

Mỗi hồng y viết lựa chọn của mình trên một lá phiếu có ghi dòng chữ "Tôi bầu… làm Giáo hoàng tối cao".

Ngày đầu tiên của mật nghị chỉ tổ chức một lần bỏ phiếu.

Nếu chưa bầu được Giáo hoàng mới, trong thời gian còn lại của mật nghị, các hồng y sẽ bỏ phiếu 4 lần/ngày với 2 lần buổi sáng, 2 lần buổi chiều.

Cứ xong 2 lần bỏ phiếu, các lá phiếu sẽ được đốt và tiến trình này lặp lại cho đến khi có ứng viên đạt đủ 2/3 số phiếu bầu để trở thành Giáo hoàng tiếp theo.

Trong tiến trình bầu Giáo hoàng mới, 2 chiếc bếp được lắp đặt bên trong nhà nguyện từ thế kỷ XV, nối với một ống khói kim loại duy nhất trên mái.

Một bếp sẽ được sử dụng để đốt phiếu bầu sau khi các hồng y bỏ phiếu, trong khi bếp còn lại sẽ được sử dụng để phát ra khói màu.

Màu đen để báo hiệu các hồng y vẫn chưa đạt được thống nhất, màu trắng để thông báo "chúng ta đã có Giáo hoàng mới" và cùng đó là tiếng chuông vang từ Nhà thờ Thánh Peter.

Mật nghị Hồng y bầu Giáo hoàng mới, ai đại diện cho phía Việt Nam tới tham dự? - 1
Khói trắng bốc lên từ trên mái Nhà nguyện Sistine của Vatican báo hiệu Giáo hoàng mới đã được bầu chọn. Ảnh: Gregorio Borgia/AP

Khi đạt được 2/3 số phiếu, hồng y cấp cao nhất sẽ hỏi ứng viên được chọn xem liệu có sẵn sàng trở thành Giáo hoàng hay không.

Nếu câu trả lời bằng tiếng Latin là "Accepto" (Tôi chấp nhận), người được chọn sẽ được đưa vào "Phòng nước mắt". Tại đây, ông được giúp cởi bỏ chiếc áo chùng đỏ thắm và thay vào bộ lễ phục màu trắng của giáo hoàng.

Tân Giáo hoàng có thể đổi tên mới - một truyền thống có từ thế kỷ VI. Thời ấy, linh mục Mercury, do thấy tên mình mang ý nghĩa ngoại giáo nên đã quyết định đổi thành John II.

Mật nghị Hồng y bầu Giáo hoàng mới, ai đại diện cho phía Việt Nam tới tham dự? - 2
Giáo hoàng Francis vẫy tay chào từ cửa sổ ban công Nhà thờ Thánh Peter sau khi được bầu làm Giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội Công giáo La Mã vào ngày 13-3-2013 tại Vatican. Ảnh: AP

Khi bầu được Giáo hoàng kế nhiệm, vị hồng y cao cấp nhất sẽ bước ra ban công của Vương cung thánh đường Thánh Peter và tuyên bố bằng tiếng Latin: "Tôi xin loan báo một niềm vui lớn: Chúng ta đã có Giáo hoàng!".

Sau đó, ông sẽ công bố tên vị tân Giáo hoàng và danh hiệu ông chọn.

Tiếp đến, tân Giáo hoàng sẽ ban phước lành đầu tiên trước hàng ngàn tín hữu tại Quảng trường Thánh Peter và hàng triệu người xem qua truyền hình.

Lễ tấn phong chính thức cho Giáo hoàng thứ 227 của Giáo hội Công giáo La Mã sẽ diễn ra sau đó vài ngày.

QT (SHTT)

Nổi bật