Mất lãnh thổ, IS chật vật trả thù lao cho chiến binh

06/12/2015 15:50:40

Nguồn thu từ các hoạt động gắn với kiểm soát lãnh thổ ngày càng ít đi đẩy IS vào tình thế khó khăn và phải liên tục tăng thuế phí với người dân.

Nguồn thu từ các hoạt động gắn với kiểm soát lãnh thổ ngày càng ít đi đẩy IS vào tình thế khó khăn và phải liên tục tăng thuế phí với người dân.

Một đoàn xe chở dầu của IS bốc cháy sau khi bị Nga không kích. Ảnh: Twitter


Tổ chức khủng bố giàu nhất thế giới Nhà nước Hồi giáo (IS) có vẻ như đang phải vật lộn với vấn đề tài chính để trang trải cho bộ máy chiến tranh và cai trị khổng lồ khi để mất nhiều phần lãnh thổ và nguồn thu nhập sau các cuộc không kích dữ dội của Nga, Mỹ, theo Washington Post.

Các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn ở Iraq và quân đội Syria dưới sự yểm trợ của Nga đã tái chiếm một vùng lãnh thổ lớn từ tay IS, khiến chúng bị mất một trong những nguồn thu quan trọng là tiền thuế đánh vào người dân, giới phân tích cho biết.

Nhiều thị trấn và làng mạc trước đây IS vẫn áp thuế để tăng nguồn thu mới đây đã bị lực lượng an ninh Iraq, quân đội chính phủ Syria và dân quân người Kurd chiếm lại. Các chiến lợi phẩm béo bở như các giếng dầu, tài sản tịch thu, tiền chuộc con tin đã ngày càng trở nên khan hiếm khi IS không thể chiếm thêm được lãnh thổ mới.

"Phần lớn thu nhập của IS trong hai năm qua đến từ hoạt động mở rộng lãnh thổ, tịch thu tài sản và tống tiền, tất cả những công cụ này đều chỉ áp dụng được một lần và không duy trì được lâu dài. IS đang bị mất lãnh thổ, điều này khiến áp lực tài chính đang ngày càng đè nặng lên các lãnh đạo của IS", Quinn Mecham, phó giáo sư khoa học chính trị Đại học Bringham Young, nói.

Thông tin liên quan đến các nguồn tài chính của IS vẫn còn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, các nguồn thu đa dạng của chúng như bán dầu lậu, tống tiền và buôn lậu cổ vật đã giúp chúng đứng vững sau hơn một năm không kích của Mỹ và liên quân, theo giới phân tích. Bộ Tài chính Mỹ mới đây ước tính IS có thể đang kiếm được 40 triệu USD mỗi tháng từ bán dầu lậu với giá rẻ.

Một nguồn khác chiếm khoảng một nửa thu nhập của IS là từ việc đánh thuế và phạt tiền khoảng 6-9 triệu người dân sống trong vùng lãnh thổ do chúng cai trị ở Iraq và Syria. Một thủ lĩnh IS tuyên bố với truyền thông Arab hồi tháng một là tổ chức này có ngân sách tới hai tỷ USD năm 2015. Mặc dù nhiều khả năng đây là con số phóng đại, IS có thể đã tích trữ đủ tiền mặt để có được một nguồn thặng dư ngân sách lớn, Benjamin Bahney, một chuyên gia phân tích khủng bố ở Viện RAND, nói.

Gần đây, IS đã bị mất một phần ba lãnh thổ chúng kiểm soát ở Iraq, trong đó có các thành phố lọc dầu quan trọng như Tikrit và Baiji, vào tay quân đội Iraq và dân quân ủng hộ chính phủ. Tương tự, ở Syria, quân đội Syria cùng lực lượng người Kurd và Arab đã chiếm lại nhiều khu vực quan trọng từ tay IS, trong đó có cả vùng đất trọng yếu gần sào huyệt Raqqa của IS.

"IS càng bị mất quyền kiểm soát các thành phố thì tài chính của chúng càng bị thiệt hại do mất các nguồn thu từ thuế. Nguồn thu giảm sẽ khiến chúng chật vật hơn trong việc trả lương cho các tay súng, và hiệu quả chiến đấu trên chiến trường cũng sẽ giảm sút", William McCants, một chuyên gia về IS ở Viện Brookings nói.

Tăng cường thuế phí

Tiền công trả cho thành viên IS mới đây đã bị giảm khoảng từ 400 USD xuống còn 300 USD/tháng, theo Columb Strack, một chuyên gia phân tích Trung Đông ở Tổ chức Jane’s Information. Ông cho biết ngoài việc đánh thuế, IS dường như áp đặt các khoản lệ phí lên mọi hoạt động của người dân trong vùng lãnh thổ chúng kiểm soát, từ chăn nuôi trồng trọt cho đến các mặt hàng điện thoại di động.

Các chương trình phúc lợi hỗ trợ người nghèo ở lãnh thổ IS dường như đã bị cắt giảm, khiến tình trạng nghèo đói ngày càng phổ biến, theo các nhà hoạt động Syria và nhân viên cứu trợ. Họ cho biết các khu vực lãnh thổ IS kiểm soát đang lâm vào cảnh thiếu thốn trầm trọng thuốc men để chữa trị các bệnh mãn tính như tiểu đường, trong khi tình trạng cắt điện kéo dài xảy ra triền miên.

Aymenn al-Tamimi, một học giả ở Diễn đàn Trung Đông chuyên nghiên cứu vấn đề tài chính IS cho biết chúng bị thiệt hại lớn mùa hè vừa qua khi chính phủ Iraq ngừng trả lương cho viên chức dân sự sống trong các khu vực IS kiểm soát gồm cả thành phố Mosul.

Gần một năm sau khi Mosul bị IS chiếm, chính quyền Iraq vẫn tiếp tục trả lương cho các viên chức này, và IS đã đánh thuế khoản thu nhập đó, giúp chúng thu về một khoản tiền ước tính khoảng hàng chục triệu USD/tháng.

Mất đi khoản thu dễ dàng như vậy buộc IS phải tăng lệ phí, thậm chí cả với phí nhập học và sách vở, Tamimi nói.

"Giờ đây, nhiều bằng chứng cho thấy tình hình ngày càng trở nên khó khăn ở Mosul và IS đã buộc phải áp dụng nhiều biện pháp để thích nghi với thực tế mới", ông nói.

Colin P.Clarke, một chuyên gia phân tích ở Viện RAND cho rằng IS sẽ càng phải thắt chặt tài chính khi nhiều cuộc không kích được tăng cường. Trong những tuần gần đây, liên minh do Mỹ đứng đầu đã tấn công các xe tải chở dầu, đe dọa khả năng vận chuyển dầu của IS. Các chiến đấu cơ của Anh cũng bắt đầu không kích các mục tiêu ở Syyria hôm 3/12, tấn công một giếng dầu IS kiểm soát ở miền đông Syria,theo BBC.

IS đánh thuế gần như mọi hoạt động của người dân trong vùng lãnh thổ chúng kiểm soát. Ảnh: Mashable


Nga cũng đã tăng cường không kích ở các khu vực sản xuất dầu then chốt của IS ở đông Syria..

"Sẽ cần thời gian để thấy được các kết quả của các chiến dịch không kích này, nhưng để tiếp tục duy trì hoạt động, IS chắc chắn phải giảm lương và cắt giảm nhân viên làm việc cho chúng", Clarke nói.

Điều này sẽ ảnh hưởng tới hàng nghìn người, gia tăng giận dữ của người dân địa phương và IS sẽ ngày càng gặp khó khăn trong việc kiểm soát những bất mãn của họ.

"Các nhân viên trong 'nhà nước tự xưng' của chúng cần phải được trả lương, các tay súng cũng cần được hưởng những đãi ngộ cao, nên IS luôn cần rất nhiều tiền để duy trì hoạt động. Với nguồn thu ngày càng giảm, đây sẽ là vấn đề rất đau đầu với giới lãnh đạo của phiến quân", chuyên gia Clarke nhấn mạnh.
 
>> IS giàu sụ nhờ khai thác dầu, bán ma túy, buôn người và nội tạng
>> Vì sao IS thành tổ chức khủng bố giàu nhất thế giới

Theo Duy Sơn (VnExpress.net)

Nổi bật