Tình trạng nhổ kẹo cao su bừa bãi từng là một vấn nạn vô cùng khủng khiếp đối với đảo quốc Singapore.
Ông Lý Quang Diệu luôn quyết tâm xây dựng đất nước Singapore xanh, sạch |
Mới đây, cựu Thủ tướng Singapore Go Chok Tong, người kế nhiệm ông Lý Quang Diệu vào năm 1990, đã viết trên Facebook rằng các lãnh đạo nước này quyết tâm biến Singapore thành một trong những thành phố sạch nhất thế giới sau khi chứng kiến cảnh người dân vứt rác bừa bãi, tràn lan sau một lễ hội âm nhạc ngoài trời.
Với sự ủng hộ và chỉ đạo quyết liệt của ông Lý Quang Diệu, chính phủ Singapore bắt đầu ban hành lệnh cấm kẹo cao su vào năm 1992. Trên thực tế, lệnh cấm này không tước bỏ quyền sở hữu kẹo cao su của người dân, nhưng nguồn cung kẹo cao su lại bị triệt hạ khi mọi hành động bán và nhập khẩu kẹo cao su đều bị coi là phi pháp.
Kẹo cao su từng là nỗi ám ảnh đối với đất nước Singapore. Ảnh minh họa |
Tình trạng ăn kẹo cao su và sau đó vứt bã kẹo bừa bãi đã bít kín các cảm ứng đóng cửa trên tàu điện ngầm khiến cả hệ thống bị đình trệ, hoặc đơn giản hơn là bị dính tùm lum trên ghế ngồi. Trên các đường phố, những bã kẹo cao su vứt lung tung dính chặt vào mặt đường đã khiến các công nhân vệ sinh vô cùng vất vả, khổ sở làm sạch chúng.
Theo lệnh cấm vừa được ban hành, bất cứ người nào bị phát hiện mang lậu kẹo cao su vào Singapore sẽ bị phạt tới 100.000 đô-la Singapore ngay trong lần vi phạm đầu tiên và có thể phải ngồi tù tới 2 năm.
Hành vi nhổ bã kẹo cao su bừa bãi trên xe cộ, đường phố cũng bị phạt rất nặng vì nó bị xếp vào diện hành vi “phá hoại”, và người vi phạm phải lập tức dùng tay gỡ bỏ bã kẹo mà mình vừa nhổ ra. Ông Lý Quang Diệu đã nói một câu nổi tiếng khi chính phủ ban hành lệnh cấm này: “Nếu bạn không thể suy nghĩ được nếu không nhai thứ gì đó, hãy thử ăn chuối”.
Một biển báo cấm ăn kẹo cao su ở Singapore |
Đến năm 2004, lệnh cấm này được nới lỏng một chút nhờ nỗ lực vận động của hãng sản xuất kẹo cao su Mỹ Wrigley, khi Singapore cho phép lưu hành loại kẹo cao su không đường vì mục đích y tế, và sự nhượng bộ này được cho là nhằm thúc đẩy một thỏa thuận thương mại song phương Mỹ-Singapore. Mặc dù vậy, đến nay chưa hề có dấu hiệu nào cho thấy lệnh cấm này sẽ bị dỡ bỏ hoàn toàn.
Không chỉ áp dụng biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với hành vi nhổ kẹo cao su bừa bãi, Singapore còn đưa ra những hình phạt nặng khác đối với những hành vi bị coi là “phản xã hội” dù là nhỏ nhất, chẳng hạn như biện pháp đánh bằng hèo.
Hệ thống tàu điện ngầm ở Singapore trở nên sạch sẽ sau các hành động quyết liệt của chính phủ |
Những hành vi như khạc nhổ hay bôi gỉ mũi ra đường và các địa điểm công cộng cũng bị coi là vi phạm pháp luật ở Singapore, với mức phạt cho lần đầu vi phạm là 2.000 đô-la Singapore, và mức phạt lên tới 10.000 đô-la nếu vi phạm lần thứ ba. Ngoài ra, người vi phạm còn phải mặc một chiếc áo màu xanh và làm vệ sinh trên đường phố.
Những quyết sách này của ông Lý Quang Diệu và chính phủ Singapore đã giúp đảo quốc này trở thành một trong những thành phố sạch nhất thế giới. Mặc dù vấp phải một số chỉ trích từ dư luận phương Tây rằng chính sách này can thiệp quá sâu vào đời sống của người dân, thế nhưng chính bản thân người dân Singapore lại thừa nhận rằng nếu không có nó, Singapore không thể có được bộ mặt khang trang như ngày nay.