Miền Nam Trung Quốc đã phải gánh chịu hàng loạt các đợt mưa lớn liên tục kể từ đầu tháng 6 đến nay. Mặc dù theo nhận định của các chuyên gia nước này, đợt mưa lũ này không lớn bằng trận "đại hồng thủy" trên toàn bộ lưu vực sông Trường Giang năm 1998, nhưng trên thực tế nó đã gây áp lực lớn lên không ít các sông hồ lớn nhỏ và vùng trung hạ lưu của dòng sông này.
Mực nước trên hồ Phàn Dương ở tỉnh Giang Tây, hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc có lúc đã vượt mức đỉnh của năm 1998. Mực nước trên các dòng chính ở trung hạ lưu sông Trường Giang cũng vượt mức báo động 12 ngày liên tục. Mực nước ở Thái Hồ cũng có 19 ngày liên tiếp vượt mức báo động.
Đập Tam Hiệp đã phải hứng chịu 2 trận lũ với lưu lượng nước đổ về vào thời điểm cao nhất lên đến 61.000m3/giây hôm 18/7 vừa qua. Mực nước hồ chứa tại đây thậm chí lên tới 164,18m vào lúc 20h ngày 19/7 (giờ địa phương), mức cao nhất kể từ khi con đập này được xây dựng đến nay. (Mức kỷ lục trước đó là 163,11m).
Trung Quốc cũng đã phải phát đi cảnh báo mưa lớn trong 41 ngày liên tiếp, dài nhất kể từ năm 2007 nước này thiết lập cơ chế cảnh báo các hiện tượng thiên tai khí tượng đến nay.
Tuy nhiên, kể từ ngày 20/7, mưa lớn ở miền Nam Trung Quốc sẽ giảm dần. Dải mưa chính của nước này bắt đầu chuyển hướng dần lên phía Bắc. Dự báo, từ ngày 21-23/7, một đợt mưa lớn mới sẽ tấn công khu vực Tây Nam, miền Bắc và miền Đông Bắc Trung Quốc, như các tỉnh Tứ Xuyên, Hà Nam, Sơn Đông, trong đó trọng tâm là tỉnh Hà Nam, miền Trung nước này. Trong khi đó, miền Nam Trung Quốc chuẩn bị đón một đợt nắng nóng trong những ngày tới.
Từ ngày 29/7-7/8, trọng tâm chống lũ của Trung Quốc bắt đầu chuyển dần sang khu vực Tây Nam, Tây Bắc, miền Bắc và Đông Bắc, trong đó chủ yếu là khu vực sông Hoàng Hà, sông Hoài và một phần sông Trường Giang. Lượng mưa được dự báo sẽ nhiều hơn hàng năm từ 30%-70%, có nơi gấp đôi. Một số nơi, như tỉnh Hắc Long Giang, miền Đông Bắc Trung Quốc, nơi có sông Tùng Hoa từng phải chịu thiệt hại nặng nề trong trận "đại hồng thủy" năm 1998, đang gấp rút chuẩn bị ứng phó với khả năng xảy ra lũ lụt tương đối nghiêm trọng những ngày tới.
Biến đổi khí hậu khiến mưa lớn kéo dài
Hàng năm từ tháng 6 trở đi Trung Quốc sẽ bước vào mùa lũ, đặc biệt là thời điểm từ 16/7-15/8 được xác định là giai đoạn then chốt trong công tác phòng chống lũ ở nước này. Đây cũng là thời điểm mưa lũ tập trung ở khu vực miền Bắc Trung Quốc.
Tuy nhiên, năm nay, cả miền Nam và Bắc nước này đều được dự báo là mưa nhiều hơn hàng năm và tình hình thời tiết diễn biến phức tạp. Số liệu thống kê cho thấy, từ đầu mùa lũ đến nay, miền Nam nước này đã xảy ra 18 đợt mưa lớn trên diện rộng. Lượng mưa trung bình trên lưu vực sông Trường Giang tính đến hết ngày 12/7 nhiều hơn hàng năm 49%, nhiều nhất kể từ năm 1961 đến nay.
Theo chuyên gia khí tượng Trung Quốc, do nước này nằm trong khu vực "nhạy cảm" của biến đổi khí hậu toàn cầu làm trái đất nóng lên, do vậy từ nhiều năm nay, số ngày mưa lớn và hiện tượng mưa cực đoan ở nước này ngày càng tăng. Hiện tượng mưa nhiều thời gian gần đây ở trung hạ lưu sông Trường Giang cũng chịu sự tác động của khí hậu nóng lên gây ra ngày càng nhiều các hiện tượng thời tiết cực đoan này.
Ngoài ra, năm nay, do hiện tượng áp cao cận nhiệt đới tương đối mạnh, thêm vào đó là không khí lạnh hoạt động thường xuyên, sự giao thoa giữa không khí lạnh và ấm đã làm cho lưu vực sông Trường Giang liên tục xảy ra mưa lớn./.
Theo Bích Thuận (Vov.vn)
https://vov.vn/the-gioi/ly-giai-nguyen-nhan-mua-lu-o-trung-quoc-nghiem-trong-hon-moi-nam-1072699.vov