Mối quan hệ chặt chẽ giữa Trung Quốc với đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của Cố vấn Nhà nước Suu Kyi được thể hiện ngay trước cuộc đảo chính hôm 1/2 hai tuần.
Giới phân tích tại Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar, coi chuyến thăm cấp cao của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại nước này hồi giữa tháng 1 là dấu hiệu cho mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Bắc Kinh với chính quyền dân sự. Theo một nhà phân tích, động thái này tựa như "cái gật đầu" của Trung Quốc rằng họ muốn sự ổn định và liền mạch trong chế độ chính trị ở Myanmar.
Trong chuyến thăm, ông Vương đã gặp bà Suu Kyi để ký các thỏa thuận song phương thuộc Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Myanmar, một dự án vô cùng quan trọng, trước cả khi chính quyền của bà bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai vào ngày 1/2, sau chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 11/2020.
Dự án hành lang kinh tế, trải dài từ tỉnh Vân Nam của Trung Quốc đến bờ biển của Myanmar trên Vịnh Bengal, là một phần Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh, giúp nước này tiếp cận được nguồn dầu mỏ ở Ấn Độ Dương. Liên doanh này được định giá 100 tỷ USD, bao gồm 38 dự án cơ sở hạ tầng lớn đã được lên kế hoạch.
"Điều Trung Quốc không muốn thấy nhất là sự thay đổi chính quyền mang tính bước ngoặt ở Myanmar, diễn biến sẽ khiến nước láng giềng phía nam của họ rơi vào bất ổn", Enze Han, nhà khoa học chính trị tại Đại học Hong Kong, nhận định.
Theo Han, sau cuộc đảo chính bất ngờ của quân đội Myanmar, chính phủ và các công ty Trung Quốc sẽ "án binh bất động", theo đuổi cách tiếp cận chờ đợi và theo dõi tình hình. "Trung Quốc đang cực kỳ lo lắng về ván cược khổng lồ của họ tại Myanmar. Quan hệ giữa Bắc Kinh với chính phủ của NLD vốn rất tốt đẹp", Han, tác giả một cuốn sách về quan hệ giữa Trung Quốc với Đông Nam Á, nói thêm.
Một nguồn tin ngoại giao ở Đông Nam Á cũng cho hay Trung Quốc "không hài lòng với cuộc đảo chính", dẫn đến những bước đi ngoại giao thận trọng. "Những dấu hiệu này xuất hiện sau khi quân đội lên nắm quyền, bởi Trung Quốc đặt cược kinh tế quá lớn vào Myanmar và có thể mất rất nhiều thứ", nguồn tin nói.
Tình thế ngoại giao "tiến thoái lưỡng nan" của Trung Quốc được thể hiện rõ rệt trong hai sự kiện quan trọng kể từ sau đảo chính, là việc soạn thảo tuyên bố của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về khủng hoảng, và một nghị quyết được đưa ra tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
Đối với cả hai văn bản này, giới quan sát đánh giá Bắc Kinh đều cố gắng tìm kiếm ngôn từ phù hợp để tạo sự cân bằng giữa chính quyền quân sự và phong trào ủng hộ chính quyền dân cử, hai phe chính trị lớn đang đối đầu nhau ở Myanmar.
Theo một quan chức ngoại giao kỳ cựu giấu tên tại Đông Nam Á, Trung Quốc đã sử dụng những buổi thảo luận tại Hội đồng Bảo an ở New York để tỏ thái độ ủng hộ chính quyền dân sự, động thái được đánh giá "bất thường".
"Đây dường như là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tạo khoảng cách nhất định với cuộc đảo chính. Thông thường, Trung Quốc sẽ phản đối nghị quyết chỉ trích quốc gia đồng minh với họ tại Hội đồng Bảo an", quan chức giải thích.
Những nhà quan sát dày dạn kinh nghiệm tại Liên Hợp Quốc còn lưu ý về phản ứng của Trung Quốc trong cuộc bỏ phiếu về nghị quyết tại Hội đồng Nhân quyền. Thay vì công khai phản đối, như với các nghị quyết về Myanmar những năm gần đây, Bắc Kinh chọn cách bỏ phiếu trắng, cho phép văn bản được đồng thuận thông qua, dường như nhằm truyền thông điệp tới chính quyền quân sự rằng họ không hài lòng với cuộc đảo chính.
Trung Quốc mở rộng đầu tư vào Myanmar từ năm 2011, khi nước này bắt đầu thử nghiệm nền dân chủ sau gần 50 năm quân đội nắm quyền. Trong 10 năm qua, Trung Quốc nổi lên trở thành đối tác thương mại lớn nhất, nước cho vay nhiều nhất, và nằm trong tốp ba nguồn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tại Myanmar.
Theo một nhà phân tích cấp cao tại một nhóm tư vấn ở Yangon, Bắc Kinh "đã phát triển hướng tiếp cận và tầm ảnh hưởng đối với toàn bộ thành phần quan trọng ở Myanmar, bao gồm lực lượng vũ trang, đảng NLD, các tổ chức dân tộc và nhóm doanh nghiệp".
Tuy nhiên, những dự án hàng tỷ USD của Trung Quốc tại Myanmar, bao gồm đập thủy điện Myitsone trị giá 3,6 tỷ USD, vẫn bị phản đối dữ dội khi quốc gia Đông Nam Á còn nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền ủng hộ quân đội, trước cuộc bầu cử năm 2015.
"Người Trung Quốc trở nên khó chịu, sau đó vô cùng nỗ lực chiếm cảm tình của NLD khi họ lên nắm quyền", Khin Zaw Win, giám đốc Viện Tampadipa tại Yangon, cho hay.
Tuy nhiên, chính quan hệ đầm ấm giữa Bắc Kinh với chính quyền của bà Suu Kyi đã làm phật lòng các tướng lĩnh cấp cao quân đội Myanmar, theo Kobsak Chutikul, cựu đại sứ Thái Lan từng làm việc với các bên tại Myanmar những năm gần đây.
Kobsak giải thích rằng các tướng quân đội cảm thấy khó chịu trước việc Trung Quốc cố gắng lấy lòng chính quyền dân cử, không còn coi trọng quân đội như trước. "Họ cảm thấy bị đe dọa vì điều này", cựu đại sứ nói thêm.
"Mối quan hệ thân thiết đó khiến quân đội cảm thấy họ đang dần đánh mất lĩnh vực mà họ cho là được độc quyền kiểm soát. Đó là trực tiếp làm việc và phụ trách quan hệ với Trung Quốc", Kobsak cho hay.
Theo Ánh Ngọc (Vnexpress.net)