Lý do tàu sân bay Trung Quốc không phải đối thủ của Mỹ

09/10/2020 14:01:16

Gần đây, tàu sân bay Trung Quốc thường xuyên phô diễn ở các vùng biển nhằm đe dọa nhiều bên, nhưng thực tế thì hai tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông có khả năng thực chiến đến đâu?

Theo Business Insider, một trong những điểm nổi bật trong lực lượng hải quân mà Trung Quốc đang tích cực cải tiến là các tàu sân bay.

Trung Quốc hiện có 2 tàu sân bay trong biên chế và chiếc thứ 3 đang được chế tạo. Truyền thông nước này đã đăng tải các đoạn video để phô diễn năng lực của các chiến hạm này.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng có nhiều hơn một lý do để khẳng định tàu sân bay của Trung Quốc không phải là mối đe dọa với hàng không mẫu hạm của Mỹ.

Lý do tàu sân bay Trung Quốc không phải đối thủ của Mỹ

Thiết kế lỗi thời

Theo Business Insider, cả 2 tàu sân bay đang trong biên chế quân đội Trung Quốc là Liêu Ninh và Sơn Đông đều dựa theo mẫu tàu sân bay lớp Kuznetsov do Liên Xô chế tạo từ những năm 1980.

Tàu Liêu Ninh thực chất là tàu được cải tạo từ một con tàu Liên Xô mà Trung Quốc mua của Ukraine vào năm 1998. Tuy nhiên, một di sản có nguồn gốc từ Liên Xô được cho vẫn đang ngăn cản tàu sân bay Trung Quốc hoạt động hiệu quả là đường băng kiểu “nhảy cầu”. Đặc điểm của đường băng là phần mũi dốc lên, và nó nằm trong hệ thống cất cánh cự ly ngắn và cáp hãm đà hạ cánh (STOBAR).

STOBAR phóng máy bay bằng cách buộc nó phải hãm tốc độ lại trên boong, khiến máy bay cất cánh chậm hơn bình thường. Điều này dẫn tới việc máy bay trên tàu sân bay dùng hệ thống STOBAR phải nhẹ, đồng nghĩa với việc máy bay Trung Quốc phải mang ít vũ khí đi, cũng như giảm bớt khối lượng nhiên liệu.

Trong khi đó, tàu sân bay Mỹ sở hữu hệ thống phóng máy bay năng lượng hơi nước hoặc năng lượng điện từ trường, giúp các máy bay có thể tăng tải trọng nhiên liệu hoặc vũ khí. Tàu sân bay Mỹ có thể phóng tiêm kích, máy bay ném bom chiến đấu, máy bay trinh sát và điều khiển trên không, thậm chí là máy bay vận tải hạng nhẹ. Trong khi đó, tàu sân bay Trung Quốc chỉ phóng được tiêm kích với năng lực tấn công hạn chế để đảm bảo không quá nặng nề.

Tàu sân bay Trung Quốc hiện chỉ có thể phóng 1 máy bay/lần, trong khi hàng không mẫu hạm Mỹ có thể phóng 2 máy bay trong vài giây.

Lý do tàu sân bay Trung Quốc không phải đối thủ của Mỹ - 1

Khả năng tác chiến: Máy bay quá nặng để cất cánh

Theo Business Insider, tiêm kích hải quân hiện tại của Trung Quốc J-15 “cá mập bay” được xem là kém hơn nhiều so với các máy bay cùng loại của Mỹ.

TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho rằng J-15 thực tế vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục khi tổ chức tác chiến cùng tàu sân bay Liêu Ninh lẫn Sơn Đông. Nguyên nhân là dòng máy bay J-15 quá nặng để cất và hạ cánh trên tàu sân bay, trong khi cả 2 tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông của Trung Quốc đều không được trang bị bộ đẩy máy bay.
 
Cụ thể, J-15 có tổng trọng lượng tối đa khi cất cánh lên đến 33 tấn, còn máy bay F/A-18 trên tàu sân bay Mỹ có tổng trọng tải tối đa khi cất cánh là 23 tấn. Trong khi đó, không chỉ được trang bị bộ phóng máy bay, tàu sân bay lớp Nimitz hay Ford của Mỹ đều có độ choán nước trên 100.000 tấn và dài hơn 330 m, tức lớn và dài hơn nhiều so với độ choán nước khoảng 70.000 tấn và chiều dài lần lượt 300, 315 m của tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông.
 
Một so sánh khác để thấy tàu sân bay Trung Quốc đang gặp khó khăn khi triển khai tác chiến cùng chiến đấu cơ J-15, đó là với kích thước tương tự tàu sân bay Trung Quốc và cũng không có bộ đẩy máy bay, tàu sân bay Ấn Độ INS Vikrant sử dụng chiến đấu cơ Mig 29 có tổng trọng tải khi cất cánh chỉ 18 tấn, chỉ bằng 55% so với J-15.
Lý do tàu sân bay Trung Quốc không phải đối thủ của Mỹ - 2

 

Vận hành hạn chế, dễ gặp tai nạn

Số lượng máy bay mà Liêu Ninh và Sơn Đông mang được lần lượt là 40 và 44, thấp hơn hẳn các tàu lớp Nimitz và Gerald R. Ford của Mỹ (60 và 75).

Tàu sân bay Trung Quốc được cho di chuyển chậm hơn và chỉ hoạt động trên biển được trong 6 ngày trước khi cần được tiếp liệu, trong khi hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ có thể di chuyển liên tục trong vài năm.

Đội ngũ phi công tàu sân bay cũng là một thách thức lớn cho Trung Quốc. Theo tờ South China Morning Post, trong kế hoạch đề ra, Trung Quốc dự kiến sở hữu 4 nhóm tác chiến tàu sân bay vào năm 2030. Mục tiêu này đòi hỏi Bắc Kinh phải chuẩn bị sẵn sàng khoảng 200 máy bay các loại, cùng hơn 500 phi công chuyên lái máy bay dành cho hàng không mẫu hạm.
 
Tờ Hoàn Cầu thời báo đưa tin nước này sắp tiến hành bay thử loại máy bay huấn luyện JL-9 dành cho tàu sân bay. Trung Quốc đang nâng cấp dòng máy bay này để tương thích với bộ phóng máy bay trên tàu sân bay thứ ba mà Trung Quốc đã bắt đầu đóng từ năm 2018. Tuy nhiên, ngay cả khi trang bị bộ phóng máy bay, nếu không giảm được trọng lượng máy bay chiến đấu đi kèm, khả năng tác chiến của tàu sân bay Trung Quốc vẫn rất giới hạn.

Hơn nữa, Trung Quốc mới có chưa đầy 10 năm kinh nghiệm vận hành tàu sân bay, trong khi, Mỹ có gần một thế kỷ sở hữu những hàng không mẫu hạm “khủng”.

Đức Minh (nguoiduatin.vn)

 

Nổi bật