Lý do nhiều bậc cha mẹ Hàn Quốc tham gia 'trải nghiệm bị giam cầm', sống tách biệt với xã hội

09/07/2024 08:47:20

Nhiều bậc cha mẹ ở Hàn Quốc đang chọn cách nhốt mình bên trong những căn phòng giam, nơi chỉ rộng bằng một tủ đựng đồ ở các cửa hàng để trải nghiệm sự cô lập xã hội và sự lo lắng mà con cái họ đang phải chịu đựng.

Lý do nhiều bậc cha mẹ Hàn Quốc tham gia 'trải nghiệm bị giam cầm', sống tách biệt với xã hội
Nhiều bậc phụ huynh ở Hàn Quốc đang chọn cách tham gia trải nghiệm “giam cầm” bản thân để hiểu được hoàn cảnh khó khăn của những đứa con tự kỷ của mình. Ảnh: SCMP/Shutterstock/Quỹ Thanh niên Hàn Quốc

Theo SCMP, ngày nay, nhiều đứa trẻ ở Hàn Quốc thường dành phần lớn thời gian trong ngày ở trong phòng ngủ, sống cô lập, tránh giao tiếp và xa  lánh xã hội.

Để có thể hiểu được tâm lý của những đứa trẻ như vậy, nhiều bậc cha mẹ ở Hàn Quốc đã bắt đầu tham gia trải nghiệm cuộc sống ở "Nhà máy hạnh phúc" ở tỉnh Gangwon, miền Đông Bắc đất nước để tìm cách giúp con cái họ.

Tại đây, các bậc phụ huynh sẽ không được sử dụng điện thoại hoặc máy tính xách tay...và chỉ ở một mình trong những căn phòng nhỏ. Mối liên hệ duy nhất của họ với thế giới bên ngoài là một lỗ trên cửa để giao đồ ăn.

Trải nghiệm này là một phần của Chương trình giáo dục cha mẹ dành cho thanh thiếu niên bị cô lập ở Hàn Quốc, kéo dài 13 tuần và được các tổ chức phi chính phủ (NGO) Quỹ Thanh niên Hàn Quốc và Trung tâm Phục hồi Cá voi Xanh tài trợ và điều hành.

Chương trình trong khóa huấn luyện sẽ bao gồm các buổi nói chuyện về sức khỏe tâm thần tập trung vào gia đình, mối quan hệ cha mẹ với con cái và cách mọi người kết nối với thế giới bên ngoài.

Một số người tham gia cho biết họ đã bắt đầu hiểu rõ hơn về sự lo lắng và cô đơn của con mình.

Lý do nhiều bậc cha mẹ Hàn Quốc tham gia 'trải nghiệm bị giam cầm', sống tách biệt với xã hội - 1
Một chương trình đặc biệt cho phép cha mẹ sống cách ly trong nhiều ngày để có thể hiểu rõ hơn về nỗi tam lý của con mình. Ảnh: Weixin.qq

Jin Young-hae (Tên nhân vật đã được thay đổi - PV), một bà mẹ 50 tuổi, chia sẻ với phóng viên rằng con trai bà đã tự cô lập mình trong phòng ngủ suốt ba năm nay.

Theo chia sẻ của bà Jin, kể từ sau khi nghỉ học đại học giữa chừng, con trai bà chỉ nhốt mình trong phòng riêng, bỏ bê chuyện vệ sinh cá nhân và cũng không màng cả chuyện ăn uống.

“Nghĩ về những điều đó thật đau đớn,” bà Jin cho biết.

Người phụ nữ 50 tuổi cũng cho biết sau ba ngày bị giam giữ và đọc nhật ký của những thanh niên sống khép mình khác, bà đã hiểu rõ hơn về cảm xúc của cậu con trai 24 tuổi của mình.

"Tôi nhận ra thằng bé đang dùng sự im lặng để bảo vệ bản thân vì nó cảm thấy không ai hiểu mình", bà Jin tiếp tục chia sẻ.

Yoo Seung-chul, giáo sư về truyền thông và xã hội học tại Đại học Phụ nữ Ewha ở Hàn Quốc, chia sẻ với SCMP rằng trải nghiệm bị giam cầm có thể khuyến khích chuyện giao tiếp giữa cha mẹ và con cái sẽ được cởi mở hơn.

“Tuy nhiên, chương trình này vẫn cần thêm sự hỗ trợ từ các chuyên gia sức khỏe tâm thần để có thể làm giảm một cách hiệu quả hơn xu hướng xa lánh xã hội hiện nay ở những người trẻ tuổi”, ông cho biết.

Lý do nhiều bậc cha mẹ Hàn Quốc tham gia 'trải nghiệm bị giam cầm', sống tách biệt với xã hội - 2
Nhiều thanh thiếu niên Hàn Quốc đã chọn cách ở một mình trong thời gian dài. Ảnh: Weixin.qq

Năm ngoái, một cuộc khảo sát của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc đối với 15.000 người trẻ cho thấy hơn 5% số người được hỏi đang có cuộc sống tự cô lập. Mức độ hài lòng với cuộc sống và sức khỏe tinh thần của họ thấp hơn đáng kể so với những người đồng trang lứa.

Kim Seonga, một nhà nghiên cứu tại Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc, cho rằng thanh niên sống tự kỷ ở Hàn Quốc cũng giống như những người trong phong trào “nằm im” ở Trung Quốc. Họ là những người trẻ nhưng từ bỏ nỗ lực hòa nhập vào xã hội.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, lý do thanh thiếu niên Hàn Quốc đang ngày trở nên cô lập vì áp lực công việc, vấn đề tình cảm và nhu cầu gia đình.

Kim Hye-won, giáo sư tâm lý học tại Đại học Hoseo ở thành phố Cheonan cho biết giới trẻ Hàn Quốc luôn nỗ lực theo đuổi lối sống truyền thống.

Điều này bao gồm phải tìm được công ăn việc làm ổn định ở độ tuổi 20, kết hôn ở độ tuổi 30 và sinh con ở độ tuổi 40. Việc đi chệch khỏi con đường này có thể khiến họ cảm thấy bản thân vô giá trị, dẫn đến thất vọng, xấu hổ và sống khép mình.

Nghiên cứu cho thấy khi những người trẻ tuổi sống cuộc sống cô lập, điều này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến toàn xã hội.

Năm ngoái, Quỹ Thanh niên Hàn Quốc ước tính rằng thiệt hại kinh tế cũng như chi phí phúc lợi và dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho thanh thiếu niên sống tự kỷ có thể vượt quá 7,5 nghìn tỷ won Hàn Quốc (5,4 tỷ đô la Mỹ) mỗi năm.

QT (SHTT)