Nga tin rằng tiêm kích MiG-35 có cơ hội thay thế MiG-21 già cỗi và đã hết hạn sử dụng của Không quân Việt Nam.
Tuy được giới thiệu từ năm 2007, nhưng mẫu máy bay này cho tới nay vẫn chưa giành được nhiều đơn hàng. Dẫu vậy, các nhà lãnh đạo của MiG vẫn rất lạc quan về tương lai của MiG-35.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây với Izvestia, Tổng giám đốc MiG - ông Sergei Korotkov, máy bay tiêm kích MiG-35 là ứng viên triển vọng nhất cho việc thay thế MiG-21 ở Việt Nam, ông còn lưu ý rằng Đông Nam Á là một "khu vực chú trọng" của tập đoàn MiG.
Máy bay tiêm kích MiG-35 |
Nếu so với Su-30 thì thiết kế MiG-35 hơi kém ở khả năng tác chiến đa nhiệm với nhiệm vụ đối đất và đối hải.
Tuy nhiên, nếu so về khả năng không chiến thì MiG-35 được các chuyên gia Nga - Ấn Độ tin rằng vượt trội Su-30 và ngang ngửa cả F-22 của Mỹ.
So với dòng Su-30MK2 xuất khẩu cho Việt Nam, điểm mạnh và ưu việt hơn trong khả năng không chiến của MiG-35 là việc trang bị động cơ phản lực RD-33MK tích hợp công nghệ kiểm soát véc tơ lực đẩy đa chiều, điều này giúp MiG-35 thực hiện các bài bay siêu cơ động.
Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, sau khi đạt tới tốc độ cần thiết MiG-35 hoàn toàn có thể thực hiện các kỹ thuật bay phức tạp với khả năng bay siêu cơ động.
Khi thực hiện động tác này máy bay chuyển động nhanh về phía trước với góc tới 120 độ trước khi giảm tốc độ khiến toàn bộ phần thân và động cơ máy bay đều dựng đứng về phía trước theo chiều dọc, sau đó là bổ nhào vào tăng tốc trở lại.
Với khả năng bay siêu cơ động các phi công lái máy bay chiến đấu của Nga hoàn toàn có thể dành được lợi thế chiến thuật trên không khi không chiến.
MiG-35 có khả năng đạt tốc độ tối đa ở trần bay cao 2.400 km/h, trần bay thấp là 1.450 km/h, tầm bay cực đại (với 3 thùng dầu phụ) lên tới 3.100 km, bán kính chiến đấu (mang vũ khí) đạt tới 1.000 km - vượt trội F-16 của Mỹ - ứng viên được cho là triển vọng thay thế MiG-21 Việt Nam.
Đặc biệt, vận tốc leo cao của MiG-35 lên tới 330 m/s, vượt xa Su-30 (230 m/s) và F-16 (254 m/s).
Rõ ràng nếu nói về nhiệm vụ không đối không, đánh chặn máy bay địch thì MiG-35 có các thông số vượt trội. Nó có thể được xem là hậu duệ xuất sắc nhất của tiêm kích MiG-21 huyền thoại.
Các thế hệ tiêm kích MiG trước đây thường bị chê bai là kém tiện nghi, nghèo hệ thống điện tử. Tuy nhiên, kể từ MiG-35 những lời chê bai đó đã là dĩ vãng.
Givi Janjgava - Giám đốc đứng đầu bộ phận nghiên cứu và phát triển của KRET (công ty chuyên phát triển các thiết bị hàng không cho Không quân Nga) cho biết, buồng lái của MiG-35 được thiết kế dựa trên nguyên mẫu buồng lái của máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 và được trang bị các công nghệ gần như tương tự.
Tiêm kích đa năng MiG-35 còn được trang bị hệ thống radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA) Zhuk-AE. Radar này có tầm hoạt động lên tới 120 km có thể theo dõi 30 mục tiêu cùng một lúc và thực hiện tấn công đồng thời 6 mục tiêu trong số đó bằng các tên lửa không đối không.
Khả năng mang vác vũ khí của MiG-35 không thua kém nhiều Su-30/35 với tải trọng 7 tấn cùng 9 điểm treo (cánh và thân) cho phép mang 4 tên lửa không đối không tầm trung R-27 hoặc 8 tên lửa không đối không tầm ngắn R-73 hoặc 8 tên lửa không đối không dẫn đường radar chủ động R-77 hoặc kết hợp 4 quả R-27 với 2 quả R-73 hoặc kết hợp với R-77 tương tự.
Khi cần, MiG-35 vẫn có thể đáp ứng nhiệm vụ không đối đất với khả năng mang 4 tên lửa đối đất Kh-29 cùng bom dẫn đường KAB-500; nhiệm vụ chống hạm với 2-4 quả tên lửa siêu thanh Kh-31A; nhiệm vụ áp chế phòng không đối phương với 2-4 tên lửa chống radar siêu thanh Kh-31P.
Rõ ràng, tiêm kích đánh chặn thế hệ 4++ MiG-35 của Nga có triển vọng tốt để xuất khẩu sang Việt Nam, trong bối cảnh thời hạn phục vụ của các máy bay tiêm kích đánh chặn có tuổi đời nửa thế kỷ MiG-21 của Việt Nam đã hết.
Không nhất thiết phải mua?
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, trong điều kiện ngân sách còn eo hẹp, Việt Nam sẽ tập trung mua sắm các phiên bản Su-30 hiện đại hơn như Su-30SM, trang bị thêm một số loại vũ khí tấn công uy lực mạnh mẽ hơn. Như vậy, Việt Nam không nhất thiết phải mua sắm Su-35 và MiG-35.
Trên thực tế, dù sức mạnh của MiG-35 được quảng bá nhiều song việc trang bị loại tiêm kích này cho Không quân Nga cũng diễn ra một cách chậm chạp và bị trì hoãn nhiều lần.
Trong thời gian 2011-2014, quân đội Nga đã nhiều lần thực hiện báo cáo rằng họ sẽ không từ bỏ việc mua máy bay MiG-35, tuy nhiên các hợp đồng cụ thể đã không được ký kết.
Vào tháng 4/2015, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Yuri Borisov cho biết như là một phần của chi phí của Chương trình vũ khí nhà nước giai đoạn đến năm 2020 xem xét việc mua 30 máy bay loại MiG-35. Trước đó, các báo cáo đều cho biết con số này là 37.
Vào đầu tháng 6 vừa qua, Chủ nhiệm Chương trình hành không quân sự của Tập đoàn sản xuất máy bay thống nhất Nga (UAC) ông Vladimir Mikhailov cho biết, MiG-35 sẽ đi vào phục vụ từ năm 2018.
"Theo hợp đồng với Bộ Quốc phòng Mig-35 hiện vẫn được tiếp tục phát triển. Họ (bộ phận phát triển Mig 35) chậm tiến độ một chút bởi các đối tác công nghiệp, chậm chễ hỗ trợ cung cấp các linh kiến, tuy nhiện hiện chúng tôi có thể nói đã khác phục được vấn đề này để chương trình sẽ bắt kịp tiến độ", ông Mikhailov cho hay.
"Vào năm 2017 sẽ có một cuộc thử nghiệm các nguyên mẫu của máy bay mới. Trong năm 2018 những chiếc máy bay mới sẽ là một phần của quân đội Nga", vị quan chức của hãng chế tạo máy bay quân sự lớn nhất nước Nga khẳng định.
Trong khi đó, thương vụ 50 chiếc tiêm kích MiG-35 giữa Nga và Ai Cập đã đi vào hồi kết không như mong muốn của nhà sản xuất khi Cairo đã thay toàn bộ MiG-35 bằng phiên bản khác là MiG-29.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng từng cân nhắc mua dòng chiến đấu cơ này, tuy nhiên cuối cùng Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã quyết định mua tiêm kích Rafale của Pháp mà không phải MiG-35 của Nga.
Báo Kommersant dẫn nguồn từ cơ quan xuất khẩu vũ khí Nga -Rosoboronexport, cho hay Bộ Quốc phòng Ấn Độ có gửi thư cho cơ quan này nêu ra 14 điểm hạn chế của MiG-35. Một trong số đó là MiG-35 lắp loại động cơ RD-33MK, cải tiến từ loại RD-33, sản xuất năm 1972. Ngoài ra, chương trình thiết kế MiG-35 vẫn chưa hoàn tất.
Theo Đất Việt