Lý do Nga đột ngột dừng triển khai máy bay ném bom tập kích tầm xa vào Ukraine

30/10/2023 09:44:54

Việc Nga không sử dụng máy bay ném bom chiến lược để tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa không đối đất tầm xa nhằm vào các mục tiêu Ukraine trong hơn một tháng qua đã khiến các nhà phân tích phương Tây khó hiểu.

Nga dừng triển khai máy bay ném bom tấn công Ukraine

Báo cáo của Bộ Quốc phòng Anh cho biết: “Phi đội máy bay ném bom hạng nặng của Không quân Nga đã không tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình phóng từ trên không vào Ukraine trong hơn một tháng qua. Đây là khoảng thời gian dài nhất mà Moscow không sử dụng máy bay ném bom kể từ khi xung đột bùng phát”.

Lý do Nga đột ngột dừng triển khai máy bay ném bom tập kích tầm xa vào Ukraine
Máy bay ném bom Su-34 của Nga. Ảnh: APA

Trước đó, Nga thường triển khai các máy bay ném bom Tupolev Tu-95MS, Tu-160 và thậm chí cả Tu-22 phóng tên lửa hành trình Kh-101, Kh-55 và MiG-31K, thậm chí cả tên lửa siêu thanh Kinzhal vào các mục tiêu Ukraine. Đôi khi chúng được bắn cùng với tên lửa hành trình Kalibr 3M54-1 phóng từ trên biển, tên lửa đạn đạo chiến thuật chiến trường 9K720 Iskander và thậm chí cả máy bay không người lái cảm tử Geran-2.

Ngoài việc gây áp lực cho cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, các cuộc tấn công còn phá hủy nhiều cơ sở sản xuất quốc phòng, kho dự trữ đạn dược và các địa điểm tập kết binh sỹ tạm thời của Ukraine.

Mặc dù Nga có thể tận dụng các khả năng tấn công khác như tàu ngầm và tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất nhằm vào các trung tâm đô thị của Ukraine, nhưng máy bay ném bom vẫn là phương tiện chính để thực hiện các cuộc tấn công chính xác tầm xa.

Thời gian gần đây, Nga cũng tăng cường sử dụng máy bay không người lái cảm tử nhắm vào các mục tiêu Ukraine. Moscow được cho là đã mua hàng nghìn UAV này, đặc biệt UAV Shahed-136 có nguồn gốc từ Iran. Ngoài ra, Nga cũng triển khai các máy bay không người lái tự sản xuất trong nước có giá thành rẻ hơn tấn công, Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Mỹ lưu ý.

“Nhiều khả năng Nga sẽ tiếp tục đẩy mạnh các cuộc tấn công một chiều bằng máy bay không người lái do Iran thiết kế”, cơ quan tình báo Anh nhận định.

Những máy bay không người lái cảm tử như Shahed-136 được cho là có độ chính xác cao hơn so với nhiều loại tên lửa hành trình cũ mà quân đội Nga đang sử dụng. Do thiếu đạn dược, quân đội Nga có thể sử dụng những tên lửa này để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như chống hạm hoặc phá hủy các mục tiêu trên mặt đất.

Theo các chuyên gia, UAV là một trong những phương tiện tấn công hiệu quả nhất trong thời gian Nga chờ đợi ngành công nghiệp quốc phòng trong nước nỗ lực sản xuất tên lửa để bắt kịp nhu cầu chiến trường.

Nga thiếu hụt tên lửa hành trình?

Bản báo cáo của Bộ Quốc phòng Anh cho rằng, sở dĩ Nga phải tạm dừng sử dụng máy bay ném bom trong thời gian dài như vậy là do nước này đang chờ đợi ngành công nghiệp quốc phòng tăng cường sản xuất tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và các loại đạn dược khác để bổ sung cho chiến dịch quân sự đặc biệt.

Cuộc xung đột kéo dài hơn 20 tháng và các lệnh trừng phạt mạnh chưa từng có mà phương Tây áp đặt đã gây ra nhiều khó khăn cho ngành công nghiệp quốc phòng và ngành công nghiệp hàng không vũ trụ của Nga.

Dù các quan chức trong Điện Kremlin nhiều lần khẳng định, họ có thể vượt qua những thách thức này, nhưng có một điều không thể phủ nhận là nhiều hệ thống vũ khí, đạn dược của Nga vẫn dựa vào công nghệ phương Tây, đặc biệt là các vi mạch điện tử. Trong một số trường hợp, Nga có thể lách qua khe hở của các biện pháp trừng phạt này để tiếp cận công nghệ phương Tây nhưng điều đó vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của một quốc gia đang có xung đột.

Kết quả là ngành công nghiệp quốc phòng và quân sự của Nga phải tìm kiếm các nguồn thay thế trong nước, thậm chí sử dụng linh kiện của những vật dụng thông thường như máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh hoặc lò vi sóng để lắp đặt cho tên lửa hành trình.

Khi mùa đông đến gần, Nga có thể sẽ lợi dụng thời tiết giá lạnh để nối lại việc dùng máy bay ném bom phóng tên lửa hành trình vào các căn cứ quân sự và mạng lưới cơ sở hạ tầng của Ukraine. Nhưng việc thiếu hụt linh kiện có thể làm giảm tính chính xác của các loại tên lửa này.

Ukraine nhận được cảnh báo trước

Ngoài ra, không loại trừ khả năng Nga thấy rằng, nước này có thể đạt được rất ít lợi thế khi tiến hành thường xuyên các cuộc tấn công bằng máy bay ném bom. Nguyên nhân là bởi thời gian gần đây, Ukraine đã nhận được thông báo trước về các cuộc tấn công như vậy từ máy bay cảnh báo sớm và máy bay trinh sát của Mỹ và NATO đang bay bên ngoài biên giới Ukraine hoặc từ vệ tinh trên cao.

Phương Tây được cho là đã triển khai máy bay trinh sát RC-135 Rivet hoặc máy bay E-3 Sentry tuần tra bên ngoài biên giới phía Tây Ukraine đến Biển Baltic, hoặc gần khu vực biên giới giữa Belarus và Nga, đồng thời theo dõi chặt chẽ các máy bay quân sự của Moscow.

Các máy bay trinh sát của Mỹ và NATO cũng thường xuyên phối hợp với hệ thống hồng ngoại không gian (SBIRS) để theo dõi tín hiệu nhiệt của máy bay ném bom cũng như tên lửa Nga và đồng bộ hóa thông tin. Sau đó chúng có thể gửi thông báo trước từ 2 đến 3 tiếng cho Ukraine về các cuộc tấn công sắp xảy ra giúp Kiev có nhiều thời gian đối phó. Các radar phòng không của Ukraine sau khi đã nhận được cảnh báo có thể giúp điều chỉnh hỏa lực để bắn hạ các tên lửa này.

Theo các chuyên gia, xét về năng lực công nghiệp quốc phòng, Nga vẫn có ưu thế vượt trội. Nước này có thể mất tên lửa trước khi chúng bắn trúng mục tiêu nhưng hoàn toàn có khả năng duy trì việc sản xuất để lấp đầy kho dự trữ.

Trong khi đó, Ukraine cũng đang cạn kiệt kho tên lửa đất đối không (SAM) đánh chặn do phương Tây cung cấp và Kiev không thể sản xuất được những tên lửa này. Chưa kể số lượng tên lửa còn lại trong kho dự trữ của quân đội Mỹ hoặc châu Âu cũng có giới hạn. Các ngành công nghiệp quốc phòng phương Tây đã phải chịu đựng tình trạng thiếu kinh phí trong nhiều thập kỷ qua. Vì vậy sẽ phải mất nhiều năm để họ có thể đáp ứng nhu cầu đạn dược của Ukraine cũng như lấp đầy kho dự trữ của chính mình. 

Theo Hồng Anh (Vov.vn)

Nổi bật