Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng có mặt khi đại sứ Mỹ tại Liên Hợp quốc, bà Nikki Haley tuyên bố Mỹ rút khỏi Hội đồng nhân quyền. Lý do rút khỏi Hội đồng này vì "những kêu gọi của Mỹ về việc cải tổ Hội đồng không được xem trọng".
Chính quyền Tổng thống Donald Trump từ lâu đã tuyên bố rằng, nếu không cải tổ Hội đồng nhân quyền một cách triệt để, Mỹ sẽ rút khỏi Hội đồng.
Dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush, với lý do "Hội đồng toàn những kẻ thù của Israel", Mỹ từng tẩy chay cơ quan này trong 3 năm. Đến năm 2009 chính phủ cựu Tổng thống Barack Obama mới quyết định quay lại Hội đồng nhân quyền Liên Hợp quốc.
Phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres tuyên bố, Liên Hợp quốc thất vọng vì quyết định của Mỹ, “Tổng thư ký Liên Hợp quốc vẫn hy vọng Mỹ sẽ tiếp tục ở lại” và “Hội đồng nhân quyền có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới”.
Ngoài ra, nhiều tổ chức từ thiện cũng đã lên tiếng chỉ trích quyết định của chính phủ Mỹ, những tổ chức này viết thư cho ngoại trưởng Mỹ Pompeo nói rằng, Hội đồng nhân quyền Liên Hợp quốc là cơ quan nhân quyền cấp thế giới và “rất thất vọng trước quyết định của chính phủ”.
Hiện tại, Mỹ đang bị chỉ trích gay gắt về việc chia cắt di dân bất hợp pháp với con cái của họ tại biên giới Mỹ-Mexico. Hôm 18/6, Cao ủy về Nhân quyền Liên Hiệp Quốc al-Hussein kêu gọi Washington chấm dứt chính sách “không hợp lý” này.
Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc, có trụ sở tại Geneva, có 47 thành viên phụ trách bảo vệ quyền con người.
Theo Đỗ Trọng Phương (Tiền Phong)