Theo Reuters, trong ngày 28/3 (giờ địa phương), phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết, Washington sẽ dừng chia sẻ dữ liệu hạt nhân chiến lược với Moscow. Quyết định của Mỹ được đưa ra sau khi Nga tạm đình chỉ và không tuân thủ các quy định của hiệp ước New START.
"Theo luật pháp quốc tế, Mỹ có quyền đáp trả việc Nga vi phạm hiệp ước New START bằng các biện pháp tương xứng. Do Nga đã không tuân thủ đầy đủ và từ chối chia sẻ dữ liệu 6 tháng một lần như đã đồng ý trong hiệp ước, chúng tôi được phép tạm ngừng chia sẻ dữ liệu", ông Kirby nói.
Theo ông Kirby, Nhà Trắng chưa nhận thấy dấu hiệu nào cho thấy Nga đang vận chuyển vũ khí hạt nhân chiến thuật sang Belarus. Ngoài ra, Mỹ không có kế hoạch thay đổi trạng thái hạt nhân chiến lược của mình trước động thái của Nga.
Cũng liên quan tới vấn đề này, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, ngoại trừ các dữ liệu chia sẻ định kỳ trên, Washington vẫn sẽ cung cấp toàn bộ thông tin cần thiết cho Moscow theo hiệp ước.
Vào tháng 2/2023, Nga đã thông báo tạm ngừng tham gia hiệp ước New START. Hiệp ước này là thỏa thuận kiểm soát vũ khí còn hoạt động duy nhất giữa Nga và Mỹ kể từ khi Washington rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm xa (INF).
Hiệp ước New START được ký kết vào năm 2010 bởi Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev. Hiệp ước chính thức có hiệu lực từ năm 2011, tập trung vào việc giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà Mỹ và Nga có thể triển khai.
Cụ thể, kho vũ khí chiến lược của Mỹ và Nga bị giới hạn ở mức 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa; 1.550 đầu đạn hạt nhân phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom; và 800 bệ phóng "đã triển khai và chưa triển khai".
Bên cạnh đó, New START cũng bao gồm 18 cuộc thanh sát mỗi năm với các địa điểm hạt nhân của 2 quốc gia. Các cuộc thanh sát này nhằm đảm bảo cả 2 bên đang thực hiện đúng thỏa thuận.
Trên thực tế, cả Mỹ và Nga đều đã đáp ứng được các giới hạn vũ khí từ tháng 2/2018 và vẫn duy trì kể từ đó. Tuy vậy, các cuộc đàm phán gia hạn New START đã bị đình trệ dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Tới năm 2021, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đạt được thỏa thuận gia hạn New START đến tháng 2/2026. Mặc dù vậy, trong suốt thời gian đại dịch Covid-19 nổ ra, các cuộc thanh sát đã không được thực hiện. Tới khi Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt, quan hệ ngoại giao giữa Washington và Moscow càng trở nên căng thẳng.
Theo Việt Dũng (VietNamNet)
https://vietnamnet.vn/my-ngung-chia-se-du-lieu-ve-luc-luong-hat-nhan-chien-luoc-voi-nga-2126033.html