Lý do khiến Tập Cận Bình "có uy" với quân đội hơn Giang Trạch Dân

16/08/2015 07:54:22

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang "mạnh tay" với hoạt động chống tham nhũng trong quân đội, điều mà 2 người tiền nhiệm của ông chưa làm được.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang "mạnh tay" với hoạt động chống tham nhũng trong quân đội, điều mà 2 người tiền nhiệm của ông chưa làm được.

Hôm 10/8 vừa qua, nhà chức trách Trung Quốc thông báo cựu Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần quân đội Trung Quốc Cốc Tuấn Sơn đã bị tuyên án tử hình, tạm hoãn thi hành án 2 năm.

Cựu Trung tướng này bị xét xử với các tội danh tham ô, nhận hối lộ, lạm dụng công quỹ, đưa hối lộ, lạm dụng chức vụ và quyền hạn...

Tờ New York Times của Mỹ bình luận, Cốc Tuấn Sơn không phải là "con hổ" lớn nhất của quân đội Trung Quốc (PLA) bị Bắc Kinh xử lý, nhưng lại là quan chức cấp cao đầu tiên của lực lượng này bị chính phủ "sờ gáy".

Đáng chú ý hơn, sau khi các cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc (CMC) Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng "ngã ngựa" trong vào giữa các năm 2014, 2015, Cốc đã bị chỉ ra là "có quan hệ phức tạp" với giới lãnh đạo PLA.
 

Cốc Tuấn Sơn là "con hổ" quân đội đầu tiên bị Bắc Kinh xử lý.


Vụ "ngã ngựa" của Cốc Tuấn Sơn năm 2012 được xem là "dấu mốc" đầu tiên chứng minh quyết tâm chống tham nhũng trong quân đội của ông Tập Cận Bình.

Kết quả điều tra phát hiện, Cốc đã lộng hành mua quan bán chức trong quân đội, xây dựng mạng lưới làm ăn chính thu lợi hàng triệu USD, đồng thời gây dựng một "vương quốc bất động sản" giúp người thân trục lợi.

Do vụ xử tướng Cốc được tổ chức bí mật nên nhiều tình tiết "thâm cung bí sử" không được tiết lộ. Tuy nhiên, website của PLA đã khẳng định "vụ án Cốc Tuấn Sơn vô cùng phức tạp", nhiều lần bị trì hoãn và cho biết Cốc "thường xuyên trao đổi với 2 luật sư".

Tờ Washington Post (Mỹ) hôm 10/8 cũng đánh giá, việc điều tra Cốc Tuấn Sơn chính là mở màn cho một chiến dịch điều tra nhằm vào PLA.

Trên thực tế, hoạt động chống tham nhũng của Trung Quốc đã được khởi động từ hàng chục năm trước.

Tờ Wall Street Journal (Mỹ) chỉ ra, trong thập niên 1980, hiện tượng tham nhũng trong PLA diễn ra khá phổ biến và chỉ "giảm bớt đôi chút" khi cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân yêu cầu quân đội rút khỏi hoạt động kinh tế vào năm 1998.

Bất chấp điều đó, sự kém minh bạch và tệ đưa-nhận hối lộ đã dẫn đến tình trạng lạm quyền và khiến tham nhũng trong PLA trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt dưới trong hơn 10 năm Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng làm Phó chủ tịch CMC.

Nhận thức được điều này, ông Tập Cận Bình đã đặt vấn đề chống tham nhũng trong quân đội "làm nội dung cốt lõi của cả chiến dịch chống tham nhũng 'đả hổ đập ruồi'".
 
Ông Tập Cận Bình được cho là đang tạo ra sức ảnh hưởng và kiểm soát tốt đối với quân đội Trung Quốc.

Nhân tố giúp ông Tập có quyền lực đối với quân đội Trung Quốc


Theo Washington Post, hiện tượng tham nhũng trong quân đội Trung Quốc được đánh giá là trở nên nghiêm trọng kể từ thời kỳ lãnh đạo của cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân cho đến Hồ Cẩm Đào.

Nguyên nhân của điều này được tờ báo Mỹ nhận định là do "xuất thân bình dân" của các ông Giang, Hồ không cho phép họ có cơ hội áp đặt quá nhiều ảnh hưởng lên quân đội.

Đối với Giang Trạch Dân, truyền thông quốc tế cho rằng ông chỉ thực sự trở nên "có quyền lực" đối với PLA sau khi các tướng Từ, Quách được nhà lãnh đạo này đề bạt vào các vị trí cấp cao của quân đội.

Tuy nhiên, Washington Post chỉ ra, điều khiến ông Tập Cận Bình khác với 2 người tiền nhiệm và có thể "mạnh tay" chống tham nhũng trong quân đội, đó là cha ông - cựu Phó Thủ tướng Tập Trọng Huân - từng là "chiến hữu" với Mao Trạch Đông.

Ông Tập Cận Bình chính là một đại diện của thế hệ "Hồng nhị đại" - tức hậu duệ của những người từng trực tiếp tham gia vào cuộc cách mạng thống nhất quốc gia của đảng Cộng sản Trung Quốc trong quá khứ.

Chính vì vậy, dù có muốn hay không thì Tập Cận Bình vẫn trở thành một cái tên "có sức nặng" đối với Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc.
 

Bức ảnh ngày 23/3/1954 chụp Ủy ban khởi thảo Hiến pháp Trung Quốc có mặt Mao Trạch Đông (giữa, hàng trước) và Tập Trọng Huân (ngoài cùng bên phải, hàng sau). Ảnh: Nhân dân Nhật báo.

 
Theo WSJ, trong vài năm gần đây, vấn nạn tham nhũng trong PLA "nhức nhối" trở lại bởi "cơn sốt giá" bất động sản và đất đai của lực lượng này, khiến các quan chức quân đội "đua nhau vơ vét".
 
BBC nhận xét, dù không mang quân hàm cao nhất, vụ Cốc Tuấn Sơn có khả năng trở thành "vụ án tham nhũng lớn nhất trong lịch sử đảng Cộng sản Trung Quốc".

Tính đến nay, Bắc Kinh đã khiến hơn 30 quan chức cấp cao của PLA "ngã ngựa", trong đó có ít nhất 15 quan chức cấp tướng và giới quan sát tin rằng ông Tập sẽ chưa dừng "cơn địa chấn" chống tham nhũng này lại.

Ngoài ra, quyết định thăng hàm cho 10 tướng quân đội Trung Quốc của ông Tập Cận Bình hồi cuối tháng 7, ngay sau khi tướng Quách Bá Hùng "ngã ngựa" cũng là một động thái khác chứng minh sự kiểm soát của Tập Cận Bình với lực lượng vũ trang nước này.
 
>> Vụ Quách Bá Hùng là "chấm hết" cho "thời đại Giang Trạch Dân"?
>> Quách Bá Hùng 3 lần tự sát hòng trốn tội
>> Con trai ông Giang Trạch Dân bị "trảm"
>> Chu Vĩnh Khang bị giam ở đâu?
>> Sau Chu Vĩnh Khang, Tập Cận Bình sẽ triệt hạ "Đại nội tổng quản"?
>> Diễn biến mới vụ Chu Vĩnh Khang: Chiến dịch "săn rồng" đã mở ở Thượng Hải
>> Biệt thự phong thủy của Chu Vĩnh Khang

Theo Hải Võ (Đại Lộ)

Nổi bật