Chỉ sau 34 ngày nhậm chức, bà Park xin từ chức trước sức ép của dư luận, sau khi kế hoạch đưa trẻ em tới trường từ 5 tuổi bị phản ứng dữ dội.
Không lắng nghe nguyện vọng của người dân
"Tôi xin nhận mọi trách nhiệm về kế hoạch đại tu giáo dục chưa được suy xét thấu đáo của mình. Tôi đã nghĩ rằng việc bắt đầu phổ cập kiến thức sớm hơn sẽ mang lại lợi ích cho cộng đồng, nhưng giờ tôi nhận ra mình đã không lắng nghe nguyện vọng của người dân. Tôi mong muốn một tương lai tốt đẹp nhất cho những đứa trẻ của chúng ta", bà Park phát biểu trước khi từ chức.
Trong nhiệm kỳ ngắn ngủi, bà Park Soon-ae đã biến Bộ Giáo dục trở thành tâm điểm của chỉ trích vì những kế hoạch cải cách không hợp lý. Vấn đề bị phản đối nhiều nhất là việc giảm độ tuổi nhập học tiểu học từ 6 xuống 5 tuổi, bắt đầu từ năm 2025. Ngay cả tại một môi trường mà phụ huynh đặt nặng vấn đề học tập của con cái, cũng không ai ủng hộ việc đi học sớm đến mức độ này.
Thời điểm công bố kế hoạch, Bộ Giáo dục đã kỳ vọng nhận được sự ủng hộ của dư luận, để có thể đại tu hệ thống trường học của Hàn Quốc lần đầu tiên sau 76 năm. Nhưng những gì mà bà Park và các trợ lý nhận được là một cuộc biểu tình phản đối trước Văn phòng Tổng thống.
Tầm nhìn của bà Park khi đưa ra kế hoạch này là việc bắt đầu đi học sớm 1 năm sẽ giảm bớt việc chi trả cho các cơ sở giáo dục tiền tiểu học, về lâu dài sẽ cho phép giới trẻ tham gia lực lượng lao động sớm hơn. Ngoài ra, Bộ Giáo dục cũng tin rằng việc đi làm sớm 1 năm sẽ góp phần giải quyết tình trạng già hóa dân số và tỷ lệ kết hôn thấp do quá tập trung vào công việc.
Sức ép cho trẻ em, gánh nặng với phụ huynh
Nhưng các chuyên gia giáo dục khẳng định, mục tiêu này không hề thực tế chút nào. Không có một nghiên cứu cụ thể nào về việc nhập học sớm mang lại lợi ích gì cho trẻ, các giáo viên cũng chưa sẵn sàng chăm sóc một lứa học sinh nhỏ hơn.
Không những vậy, việc đi học từ sớm không hề giảm bớt gánh nặng cho phụ huynh ở một đất nước như Hàn Quốc, nó chỉ khiến các gia đình phải trả thêm tiền cho các trung tâm dạy thêm sớm hơn 1 năm.
Bên cạnh đó, nếu chính sách này được thông qua, 83.000 trẻ em sinh từ tháng 1 đến tháng 3/2019 sẽ phải cạnh tranh với 326.000 trẻ sinh năm 2018. Đây là một yếu tố khiến các bậc phụ huynh phản đối khủng khiếp hơn nữa, bởi không ai muốn con em mình phải tham gia một cuộc đua bất lợi ngay từ đầu. Về cơ bản, không ai ủng hộ một chính sách có tầm nhìn nửa vời và thiếu tính thực tế như vậy.
Một chính sách khác của bà Park cũng vấp phải sự phản ứng mạnh là xóa bỏ các trường ngoại ngữ từ năm 2025. Tại Hàn Quốc, trường trung học ngoại ngữ là các trường tư thục hoặc công lập, chủ yếu giảng dạy bằng ngoại ngữ. Những trường này thường được tự do trong việc lựa chọn học sinh và tự quyết định mức học phí, thường là rất cao.
Sự tồn tại của các ngôi trường như vậy đã trở thành vấn đề gây tranh cãi kể từ thời cựu Tổng thống Moon Jae-in, người cho rằng chúng sẽ gây ra chênh lệch giai cấp. Khi ông Yoon Suk-yeol trở thành Tổng thống, loạt kế hoạch của ông Moon bị bãi bỏ với mục đích tạo ra hệ thống giáo dục đa dạng, nhiều hình thức.
Theo Việt Dũng (VietNamNet)