Năm 1974, trên một cánh đồng vắng vẻ ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, những người nông dân tình cờ phát hiện một trong những khám phá khảo cổ quan trọng nhất mọi thời đại liên quan đến lăng mộ Tần Thủy Hoàng.
Ngôi mộ nằm ở huyện Lâm Đồng, cách Tây An ngày nay 30 km về phía đông bắc và được xây dựng trong 38 năm - từ năm 246 trước Công nguyên (khi ông mới 13 tuổi, khi đang là vua của một vùng nhỏ hơn) - cho đến năm 208 trước Công nguyên, 2 năm sau khi ông qua đời. Nguyên nhân có thể là do ngộ độc thủy ngân.
Ước tính có 700.000 người tham gia vào việc xây lăng mộ ở tỉnh Thiểm Tây, mất 38 năm mới hoàn tất.
Không dám khai quật lăng mộ
Tính đến thời điểm hiện tại, về cơ bản thì phần lớn quần thể lăng mộ Tần Thủy Hoàng đã được các chuyên gia khảo cổ khám phá. Cuộc khai quật quy mô lớn để lộ ra đội quân đất nung 2.000 người. Các nhà khảo cổ dự đoán có tới 8.000 tượng đất nung bên trong nơi an nghỉ vĩnh hằng của hoàng đế, vốn chưa từng được khai quật.
Nhưng đó chỉ là phần bên ngoài khu lăng mộ. Những gì bên trong lăng mộ 2.200 năm tuổi cho đến nay vẫn còn là điều bí ẩn. Giới khoa học không dám xâm nhập lăng mộ Tần Thủy Hoàng dù rằng lăng mộ hứa hẹn ẩn chứa những thông tin lịch sử vô cùng giá trị.
Bởi thứ nhất, các chuyên gia e ngại việc mở nó sẽ gặp phải những cái bẫy đáng sợ ở bên trong địa điểm khảo cổ học nổi tiếng nhất thế giới này. Những cái bẫy đó đến từ vũ khí và thủy ngân độc hại.
Theo nhà sử học Tư Mã Thiên, thợ thủ công được lệnh chế tạo nỏ và tên để bắn vào bất kỳ ai xâm nhập lăng mộ. Ngay cả khi vũ khí nỏ và tên 2.000 năm tuổi bị hỏng, thì dòng sông thủy ngân độc vẫn có thể cuốn trôi những kẻ dám đánh thức giấc ngủ của hoàng đế.
Tư Mã Thiên viết rằng: "Lăng mộ chứa một lượng thủy ngân lỏng đáng kể. Thủy ngân độc được sử dụng để mô phỏng như những dòng sông lớn (như sông Dương Tử, sông Hoàng Hà và biển lớn) bao quanh lăng mộ để bảo vệ giấc ngủ của hoàng đế. Chúng được thiết lập để chảy một cách cơ học".
Thứ hai, các nhà khảo cổ học lo ngại cuộc khai quật có thể làm hỏng ngôi mộ. Đồng thời làm mất đi thông tin lịch sử quan trọng.
Hiện tại, chỉ các kỹ thuật khảo cổ xâm lấn mới có thể được sử dụng để vào lăng mộ. Nhưng kỹ thuật này có nguy cơ cao gây ra thiệt hại không thể khắc phục.
Một trong những ví dụ rõ ràng nhất là cuộc khai quật thành Troy, Thổ Nhĩ Kỳ, vào những năm 1870 của nhà khảo cổ Đức Heinrich Schliemann.
Với sự vội vàng và "ngây thơ" của mình, công việc khảo cổ của ông đã phá hủy gần như mọi dấu vết của thành phố. Các nhà khảo cổ Trung Quốc chắc chắn không muốn mắc sai lầm tương tự một lần nữa.
Biên Thùy (SHTT)