Nhưng ngày nay, những hành động như vậy ngày càng trở nên hiếm. Dĩ nhiên, vẫn có những thiếu gia sẵn sàng mở 1 chai sâm banh trị giá 500 USD hay những cậu ấm cô chiêu lái thẳng xe sang Mercedes vào Tử Cấm Thành.
Nhưng hội con nhà giàu Trung Quốc ngày nay hiểu rằng tốt nhất là nên tránh thu hút sự chú ý, tránh rơi vào tầm ngắm của chính phủ.
“Chúng tôi học được cách cư xử khi chứng kiến lần lượt các gia đình bạn bè bị phanh phui hoạt động làm ăn mờ ám”, Tu Haoran, 32 tuổi, người sáng lập Fantasy Entertainment, một trong những công ty DJ lớn nhất Trung Quốc, nói. “Tôi đã chứng kiến quá nhiều trường hợp như vậy kể từ năm 2016. Mọi người đều ẩn mình bây giờ. Không cần phải cho cả thế giới biết là mình có rất nhiều tiền”.
Tình hình đang trở nên bấp bênh hơn đối với tầng lớp siêu giàu ở Trung Quốc, tính từ tỉ phú Jack Ma trở xuống, theo Bloomberg. Trung Quốc có thể là nền kinh tế lớn nhất thế giới trong một thập kỷ tới, nhưng cũng là nền kinh tế bất bình đẳng nhất.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang đẩy mạnh các nỗ lực làm giảm khoảng cách giàu nghèo ở quốc gia có 1,4 tỉ dân trước thời điểm năm 2022, có thể là năm đánh dấu ông Tập tiếp tục nắm quyền nhiệm kỳ 3.
Tại phiên họp của Đảng Cộng sản diễn ra vào tháng 10, ông Tập nói sự phát triển của Trung Quốc là “thiếu cân bằng và không đủ”. Sự thịnh vượng chung phải là mục tiêu cuối cùng khi hướng tới dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 2049, ông Tập nói.
Tuyên bố của ông Tập đánh dấu sự khác biệt so với thời Đặng Tiểu Bình, khi đề ra những cải cách về kinh tế thị trường giai đoạn những năm 1980 và khuyến khích một số người Trung Quốc “làm giàu trước”.
Dưới thời ông Tập, những người đã giàu càng giàu hơn và người nghèo càng nghèo khó hơn là điều không thể chấp nhận được. Đó cũng là vấn đề đối với thế hệ phú nhĩ đại hay còn gọi là "thế hệ siêu giàu thứ hai". Cụm từ này dùng để chỉ tầng lớp các cậu ấm cô chiêu được sống cuộc sống xa hoa từ trong trứng nước.
Cha mẹ của các cậu ấm cô chiêu này làm giàu trong thời kỳ bùng nổ ở Trung Quốc, sớm tiếp cận thị trường nước ngoài, độc quyền các ngành công nghiệp hoàn toàn mới hoặc thao túng thị trường. Đó là thời kỳ mà mọi người đều có thể trở nên giàu có, có những người đã nhanh chân hơn những người khác.
Một số thiếu gia phú nhĩ đại lớn lên hoàn toàn tách biệt với phần còn lại của xã hội. Huang, 25 tuổi, chưa bao giờ nghĩ rằng gia đình mình khá giả cho đến khi theo học về ngành tài chính tại Đại học New York.
Cha của Huang kiếm được hàng trăm triệu nhân dân tệ khi đầu tư vào các công ty chăm sóc sức khỏe vào những năm 1990. Huang lớn lên trong sự bao bọc của cha mẹ và chỉ chơi với những đứa trẻ khác có cùng hoàn cảnh như mình.
“Đến một ngày tôi nhận ra rằng, không ngờ gia đình mình giàu như vậy”, Huang nói. “Tôi thậm chí không cần phải nghĩ đến chuyện đi làm kiếm tiền”.
Sau khi tốt nghiệp, Huang thành lập một quỹ đầu tư cùng với một số người bạn, được cha mẹ ủng hộ và được hỗ trợ bởi một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất Trung Quốc.
Quỹ này cũng có cổ phần của các cậu ấm cô chiêu khác. Ở môi trường mà ai cũng giàu có, Huang nói ưu tiên hàng đầu là phải chứng minh mình là người giỏi nhất.
“Trong quá khứ, tôi mua một chiếc áo Dior vì tôi nghĩ nó sẽ khiến tôi trông tuyệt hơn, nhưng giờ đây tôi chỉ muốn mua một chiếc áo trông sẽ có giá trị hơn khi tôi mặc nó”, Huang nói. “Chúng tôi bây giờ rất khác so với thế hệ lớn lên vào những năm 1980. Mọi người đều biết phải làm gì, chứ không chỉ phung phí tiền bạc của cha mẹ”.
Đối với đại đa số người Trung Quốc không sinh ra trong tầng lớp tinh hoa, rất khó thể có thể trở nên giàu có. Điều này cũng phổ biến ở các nước phát triển. Người giàu cho con cái cơ hội học hành và quyền sở hữu tài sản. Hai yếu tố khiến những đứa trẻ đã giàu lại càng giàu hơn.
Hồi tháng 5 năm nay, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói rằng, có 600 triệu người Trung Quốc, gần một nửa dân số quốc gia, sống với mức thu nhập hàng tháng chỉ 1.000 Nhân dân tệ (khoảng 3,5 triệu đồng). Tuyên bố của ông Lý đã khiến nhiều người Trung Quốc bị sốc, vì số lượng tỉ phú ngày càng nhiều lên tính theo tuần.
Đối mặt với những thách thức từ Mỹ, ông Tập đang tập trung hơn vào phát triển kinh tế trong nước. Để làm được điều đó, cần tác động đến giới siêu giàu, đặc biệt là hàng loạt những cá nhân nắm giữ khối tài sản khổng lồ trong lĩnh vực công nghệ.
Khi Jack Ma trở thành tỉ phú vào năm 2014, ông được ca ngợi trên mạng xã hội Trung Quốc vì đã tạo ra của cải và tạo việc làm. Cư dân mạng Trung Quốc hồi tháng trước tỏ ra vui mừng khi biết tin đích thân ông Tập chặn đứng tham vọng làm giàu mới của Jack Ma.
“Quan điểm của tôi là hãy đi theo con đường mà chính phủ mong muốn”, Wang, con trai của một tỉ phú truyền thông, nói. “Ở Trung Quốc, văn hóa ‘ghét người giàu’ đã tồn tại trong một thời gian dài, kể từ cuộc Cách mạng Văn hóa. Thế hệ chúng tôi muốn tự làm giàu, thay vì lo sợ một ngày nào đó của cải của cha mẹ sẽ tan biến”.
Cha của Wang hết sức thận trọng. Ông không cho con trai tham gia vào hoạt động kinh doanh của mình, rất hiếm khi tên của cả hai cha con xuất hiện trên internet. Wang còn bị cấm không được dùng thẻ tín dụng để tránh tiêu xài hoang phí, khiến dư luận để mắt tới gia đình.
Các đề xuất đánh thuế đối với tài sản thừa kế, bất động sản và tài sản xa xỉ được thảo luận trong nhiều năm, nhưng chưa bao giờ được thực hiện đầy đủ, do lo ngại sẽ làm tổn thương tầng lớp trung lưu mới nổi ở Trung Quốc.
Xie Fuzhan, Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói đánh thuế là chưa đủ để giải quyết được vấn đề bất bình đẳng trong xã hội Trung Quốc.
“Theo quan điểm của tôi, thách thức lớn nhất là làm thế nào tạo ra miếng bánh lớn hơn và phân phối miếng bánh đó tốt hơn”, ông nói.
Có thể nói, chính phủ Trung Quốc đang để mắt đến giới siêu giàu nhiều hơn trước. Thiết lập hệ thống ràng buộc phức tạp hơn để hạn chế việc tầng lớp siêu giàu chuyển tiền ra nước ngoài.
Đối với nhiều phú nhĩ đại như Tu, “mở công ty, đóng thuế đầy đủ” là cách an toàn nhất. Điều Tu mong muốn nhất là xây dựng được một công ty phát triển.
Cha của Tu từng cho anh 2 triệu Nhân dân tệ để bắt đầu kinh doanh. Đến nay, công ty của Tu thu lời 12 triệu Nhân dân tệ mỗi tháng. Nhờ đó, Tu không còn phụ thuộc vào tài sản kếch xù của gia đình.
“Cây càng cao thì phải càng hứng nhiều gió”, Tu nói, ám chỉ câu thành ngữ ở Trung Quốc, rằng càng giàu có sẽ càng bị chú ý. “Có tài sản, nhưng không phải siêu giàu mới là an toàn nhất”.
Theo PV (Vietnamnet)