Quân đội Armenia và Azerbaijan cuối tuần trước bất ngờ nổ ra đụng độ dữ dội, khi hai bên cáo buộc nhau tấn công trước vào các mục tiêu ở vùng Nagorno-Karabakh. Các cuộc không kích, pháo kích của hai bên sau đó gây nhiều thiệt hại cho đối phương, với hàng loạt xe tăng, thiết giáp, tổ hợp phòng không bị phá hủy, nhiều dân thường thương vong.
Vùng Nagorno-Karabakh là nguồn cơn căng thẳng hàng chục năm qua giữa hai nước cộng hòa từng thuộc Liên bang Xô Viết. Nagorno-Karabakh nằm trong khu vực lãnh thổ phía tây nam Azerbaijan, song phần lớn dân tỉnh này là người Armenia, vốn chiếm thiểu số và luôn tìm cách ly khai khỏi Azerbaijan để sáp nhập vào Armenia.
Tranh chấp chủ quyền âm ỉ nhiều năm và lên tới đỉnh điểm khi Azerbaijan và Armenia xung đột vũ trang vào tháng 2/1988, thời điểm cả hai nước vẫn thuộc Liên Xô, và kéo dài tới tháng 5/1994, sau khi Liên Xô tan rã. Sau 6 năm, cuộc chiến chỉ kết thúc khi lãnh đạo của Armenia, Azerbaijan, Nagorno-Karabakh và Nga cùng ký hiệp định ngừng bắn tại Moskva ngày 15/5/1994.
Sau khi hiệp định ngừng bắn được ký, vùng Nagorno-Karabakh được công nhận là lãnh thổ thuộc Azerbaijan, nhưng nước này gần như không thể thực thi quyền quản lý thực tế với vùng lãnh thổ đó. Cộng đồng người Armenia thiểu số tại đây đã tổ chức trưng cầu dân ý và thành lập "Cộng hòa Artsak", hay còn gọi là "Cộng hòa Nagorno-Karabakh", có xu hướng ly khai khỏi Azerbaijan để sáp nhập vào Armenia.
"Cộng hòa Nagorno-Karabakh" tổ chức lực lượng quân đội riêng và nhận được sự hậu thuẫn đáng kể của Armenia, nhưng Azerbaijan không công nhận nhà nước này và luôn muốn thu hồi lãnh thổ.
Azerbaijan từng đề nghị Armenia rút binh sĩ hậu thuẫn "Cộng hòa Nagorno-Karabakh" khỏi 7 khu vực xung quanh Karabakh, đổi lại Azerbaijan sẽ chia sẻ nguồn lợi kinh tế, bao gồm cả lợi nhuận từ đường ống dẫn dầu từ Baku, trung chuyển qua Armenia để đến Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Armenia không chấp thuận đề nghị đó, khiến đàm phán lâm vào bế tắc.
"Đây không chỉ là một vụ tranh chấp lãnh thổ nhỏ, mà đã trở thành một cuộc xung đột lớn về lịch sử và bản sắc giữa hai quốc gia, khiến 20.000 người chết và hơn một triệu người phải sơ tán. Ngày nay, mối thù vẫn chưa nguôi ngoai giữa hai quốc gia từng chung quá khứ Xô Viết nhưng vẫn luôn hằn học với nhau", Thomas de Waal, chuyên gia về khu vực Kavkaz, cho biết.
Tuy nhiên, hiệp định ngừng bắn không chấm dứt được các cuộc giao tranh lẻ tẻ vẫn nổ ra giữa binh sĩ hai nước. Tháng 4/2016, quân đội hai bên đấu súng trong nhiều ngày, khiến hơn 200 binh sĩ và dân thường thiệt mạng, suýt dẫn tới chiến tranh tổng lực. Căng thẳng chỉ được giải tỏa với sự hòa giải của Nga.
Đến tháng 7 năm nay, đụng độ lại bùng phát, khi hai bên nã pháo vào lãnh thổ của nhau, khiến tổng cộng 11 quân nhân Azerbaijan và 4 binhh sĩ Armenia thiệt mạng, trong đó có một tướng chỉ huy của Azerbaija.
Vụ đụng độ cuối tuần trước cho thấy hai bên dường như đã leo thang lên một cấp độ căng thẳng mới, khi binh sĩ hai nước huy động cả xe tăng, pháo binh và không quân tham chiến, dù chưa rõ bên nào nổ súng trước.
Quân đội hai nước hiện đều sở hữu máy bay và các hệ thống pháo phản lực tầm xa có thể tấn công thủ đô của nhau, năng lực mà họ chưa đạt được trong cuộc xung đột năm 2016.
"Trong vụ đụng độ hồi tháng 7, Armenia và Azerbaijan không sử dụng các tổ hợp tầm xa này, nhưng điều đó dường như đã thay đổi", chuyên gia Rob Lee thuộc Đại học Hoàng gia London cho biết.
Giới chuyên gia nhận định vụ đụng độ đang diễn ra giữa Armenia và Azerbaijan nghiêm trọng hơn nhiều so với xung đột hồi tháng 7, khi hai bên dường như không ai chịu nhượng bộ trước do cả hai nước đều muốn giữ thể diện và muốn phô trương sức mạnh quốc gia trước đối phương.
Bộ Quốc phòng Azerbaijan trong những ngày qua công bố nhiều video về vụ đụng độ, với mục đích thể hiện rằng họ đang giành chiến thắng trước nước láng giềng phía tây. Bộ Quốc phòng Armenia cũng đăng trên mạng xã hội loạt hình ảnh cho thấy pháo binh của họ tiêu diệt nhiều xe tăng, thiết giáp đối phương.
Theo bình luận viên Tom Rogan của Washington Examiner, một lý do nữa khiến xung đột vũ trang giữa hai nước lần này phức tạp hơn là vai trò mang tính lịch sử của Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia ở biên giới phía tây Armenia.
Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã bày tỏ tức giận khi Armenia tuyên bố Đế chế Ottoman đã tiến hành cuộc diệt chủng nhằm vào dân tộc này giai đoạn 1914-1923, khiến khoảng 1,5 triệu dân Armenia chết. Những cáo buộc như vậy gây khó chịu cho Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, người có tham vọng xây dựng hình ảnh Thổ Nhĩ Kỳ là "lực lượng bảo vệ đạo đức trong khu vực".
Azerbaijan từ lâu là đồng minh thân thiết của Thổ Nhĩ Kỳ. Biên giới tương đối dài với Armenia cho phép Thổ Nhĩ Kỳ gây áp lực lên nước này để hỗ trợ đồng minh Azerbaijan trong xung đột.
Một số nguồn tin cho biết quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai máy bay không người lái (UAV) vũ trang tấn công nhằm vào các hệ thống phòng không và kho đạn của Armenia để hậu thuẫn cho Azerbaijan. Tổng thống Erdogan ngày 27/9 cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ "sẽ tiếp tục đứng về phía những người anh em ở Azerbaijan như từng làm trước đây".
Giới chuyên gia nhận định với quan điểm cứng rắn của mình trong các vấn đề đối ngoại ở khu vực, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ có thể tìm cách hỗ trợ tối đa cho Azerbaijan để đạt được kết quả có lợi trong cuộc xung đột với Armenia.
Tuy nhiên, các nhà quan sát cũng nhận định rằng cuộc xung đột giữa hai nước hiện nay vẫn sẽ chỉ duy trì ở mức độ nhỏ trong thời gian ngắn, bởi vai trò tác động rất lớn của Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về leo thang xung đột tại Nagorno-Karabakh, đề nghị Armenia và Azerbaijan "làm mọi điều có thể để ngăn xung đột tiếp tục leo thang và chấm dứt thái độ thù địch".
Nga có quan hệ chặt chẽ với Azerbaijan và Armenia, song Moskva chỉ duy trì quan hệ an ninh quốc phòng với Armenia. Putin không muốn xung đột giữa Azerbaijan và Armenia leo thang, bởi nguy cơ gây mất ổn định khu vực phía nam nước Nga.
Viktor Murakhovsky, tổng biên tập tạp chí Arsenal Otechestva của Nga, nhận định xung đột giữa Azerbaijan và Armenia hồi tuần trước khó có nguy cơ bùng phát thành chiến tranh tổng lực. "Cuộc chiến sẽ đòi hỏi quá nhiều nguồn lực mà cả Azerbaijan lẫn Armenia đều khó có thể huy động trong lúc này", Murakhovsky nói.
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev gần đây nói chỉ vài chục dân nước này tình nguyện ra tiền tuyến, trong khi phía Armenia chưa thể sẵn sàng cho chiến tranh khi chỉ mới phát lệnh tổng động viên sau vụ đụng độ.
Chuyên gia Murakhovsky cho rằng lý do nổ ra đụng độ giữa hai quốc gia có thể do Azerbaijan muốn chứng tỏ sức mạnh quân sự trước Armenia, sau khi Armenia tham gia tập trận Kavkaz-2020 và khẳng định liên minh quân sự với Nga.
UAV Azerbaijan phá hủy loạt hệ thống phòng không Armenia. Video: BQP Azerbaijan. |
Tuy nhiên, vẫn tồn tại nguy cơ Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ có thể đẩy xung đột lên ngưỡng mới với các hoạt động trên thực địa. Giới chuyên gia nhận định rằng áp lực quốc tế rất quan trọng để tái lập hòa bình giữa Azerbaijan và Armenia.
"Cộng hòa Armenia đã đệ đơn yêu cầu Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECHR) áp dụng biện pháp tình thế theo Quy tắc 39 về chấm dứt các cuộc tấn công vào khu định cư dân sự ở Nagorno-Karabakh, chấm dứt các cuộc tấn công bừa bãi nhằm vào dân thường", thông cáo trên trang Facebook của phái viên Armenia tại ECHR cho biết.
Theo Nguyễn Tiến (VnExpress.net)