LWMMG đã hoàn thành xuất sắc vai trò của mình trên chiến trường, đây là một khẩu súng máy đảm bảo tính cơ động mà vẫn giữ được uy lực cực mạnh.
Súng máy phục vụ trong Quân đội Mỹ và các nước phương Tây sử dụng 3 cỡ đạn chính là 5,56 x 45 mm, 7,62 x 51 mm và 12,7 x 99 (thường được biết đến dưới tên gọi .50 BMG). General Dynamics (GD) là hãng đầu tiên suy nghĩ về khoảng trống giữa các loại đạn này sau khi xem xét các chiến dịch mà lực lượng đồng minh tiến hành tại Afghanistan.
Trong nhiều trường hợp, các binh sĩ bị tấn công bởi súng máy PKM từ trên cao, buộc họ phải bắn trả ngay lập tức thay vì tìm kiếm một vị trí tốt hơn.
Súng máy M2 Browning tỏ ra quá nặng nề, không phù hợp với các đơn vị có tính linh hoạt cao; M249 bắn đạn 5,56 mm dù gọn nhẹ nhưng bị mất động năng nhanh, khó tiêu diệt các mục tiêu xa; còn đầu đạn 7,62 mm của M240 tỏ ra kém chính xác từ khoảng cách 800 m trở đi, nhất là khi bắn lên cao.
Hợp đồng trong thời gian này cho thấy Quân đội Mỹ quan tâm sâu sắc những khẩu súng bắn tỉa có tầm bắn lên đến 1.500 m cùng độ chính xác cao. Để đạt được mục đích, họ chọn loại đạn 0,338 inch (chính là đạn .338 Lapua Magnum hay Norma Magnum), đầu đạn này có kích thước lớn hơn loại 7,62 mm nhưng lại bé hơn 12,7 mm.
Súng máy LWMMG nhìn từ bên trái |
Nhận thấy ưu điểm của loại đạn bắn tỉa trên, General Dynamics đã nhanh chóng thiết kế một khẩu súng máy mới tương thích với đạn .338 Norma Magnum.
Vũ khí này được xây dựng xung quanh các hệ thống con của những khẩu súng máy cũ nhằm giảm chi phí, nguyên mẫu đầu tiên được GD tài trợ hoàn toàn và thời gian hoàn thành là 12 tháng. Lightweight Medium Machine Gun (LWMMG) chính là định danh của khẩu súng mới.
LWMMG được giới thiệu rộng rãi lần đầu tiên vào ngày 15/05/2012 tại Hội nghị hợp tác vũ khí ở Seattle, tiểu bang Washington. Thực nghiệm đã chứng tỏ đây là một vũ khí tuyệt vời trên chiến trường hiện đại.
Thiết kế tin cậy trên chiến trường
Do thiết kế hướng tới sự linh hoạt, bên ngoài súng sử dụng nhiều vật liệu hiện đại (như polymer), các chi tiết bên trong làm bằng thép cực bền để cắt giảm khối lượng còn 10,870 kg, tương đương khẩu M240L bắn đạn 7,62 mm. Súng có chiều dài tổng thể 1.930 mm, nòng dài 940 mm. Về cơ bản, LWMMG có nhiều nét tương đồng với súng máy FN MAG của Bỉ.
Khung súng máy LWMMG có dạng chữ U và được ghép nối bằng đinh tán |
LWMMG áp dụng công nghệ thiết kế kiểu giật ngắn đặc biệt, đã từng thấy trên súng máy XM806 trước kia. Khung súng dạng chữ U, được gia cường chắc chắn, ghép nối với nhau bằng đinh tán.
Những ưu điểm của phương pháp ghép khung này gồm: rất ổn định, chắc chắn, chịu được áp lực lớn, dễ tháo lắp, đây là điều vô cùng cần thiết đối với một khẩu súng bắn nhiều và đầy sức mạnh như LWMMG.
Sau thân là một ống polymer, đây là vị trí để cài báng súng vào. Báng của LWMMG trông khá lạ mắt với khối lượng cực nhẹ, được làm từ polymer và sợi thủy tinh, có thể thay đổi chiều dài, độ cao, tựa vai để phù hợp nhất với thể trạng xạ thủ.
Phía trên súng là đường ray Picatinny MIL-STD-1913 để gắn ống ngắm. Một khẩu súng hiện đại như LWMMG thì cơ cấu thước ngắm - điểm ruồi là không đủ, cho nên GD đã giới thiệu loại ống ngắm tiêu chuẩn 6x.
Ngoài ra, phần ốp lót tay trước còn có 3 đường ray nhỏ hơn để trang bị các loại phụ kiện hỗ trợ chiến đấu. Nhà sản xuất đã bổ sung cho súng chân chống gập 3 chân nhằm tăng độ ổn định khi tác xạ trong tư thế nằm.
LWMMG gắn trên giá bên hông xe quân sự |
Nòng súng được rèn theo phương pháp đặc biệt để có tuổi thọ cao nhất. Đầu nòng lắp bộ phận che chớp sáng với các vết cắt xuyên tâm quen thuộc. LWMMG cũng hỗ trợ thay nòng nhanh thông qua việc xoay tay nắm rất đơn giản.
Súng sử dụng cơ chế nạp đạn bằng khí nén, khóa nòng được khóa bởi đầu xoay, ống dẫn khí đặt ngay bên dưới nòng, lộ ra một ít bên ngoài ốp lót tay.
Cò súng có hành trình dài và tương đối nặng. Khóa an toàn của LWMMG nằm trên tay nắm ở cả hai phía và chỉ có chế độ tự động. Trong tương lai, GD có thể sẽ bổ sung nút chọn chế độ bắn cho khẩu súng này.
LWMMG nạp đạn bằng cách mở nắp trên như nhiều khẩu súng máy khác. Đạn được liên kết bằng đai (tương tự đai tự hủy M13 của Mỹ nhưng lớn hơn). Đạn được đưa vào từ phía trái, vỏ đạn cũng như mối nối của đai sẽ văng về bên phải.
Đạn .338 Norma Magnum trên LWMMG |
Vua tầm xa với tầm bắn hiệu quả lên đến 1.800 m
Khái niệm cỡ đạn .338 được nghĩ đến đầu tiên bởi Jimmy Sloan, một tay súng của Mỹ. Đạn .338 Norma Magnum do Norma và Ruag phát triển theo chương trình tìm kiếm loại đạn mới dành cho súng bắn tỉa của Quân đội Mỹ vào tháng 6/2008 nhằm thay thế đạn 7,62 mm NATO, .300 Winchester Magnum và. 338 Lapua Magnum.
Đạn .338 Norma Magnum lớn hơn đạn Lapua Magnum cùng cỡ nhưng được làm ngắn đi, chiều dài chỉ còn hơn 63 mm.
LWMMG đạt tốc độ bắn 500 viên/phút, sơ tốc đầu nòng 800 m/s, tầm bắn hiệu quả lên đến 1.800 m - cự ly mà các đầu đạn cỡ nhỏ khác đều trở nên vô dụng. Theo nhà phát triển, viên đạn bắn đi từ LWMMG có động năng ban đầu khoảng 6.300 J, giữ được động năng gấp 4 lần đầu đạn 7,62 mm ở khoảng cách 1.000 m.
Xạ thủ đang thay đạn cho LWMMG trong cuộc bắn thử nghiệm tại hội nghị NDIA 2012 |
Qua thử nghiệm, LWMMG đã thể hiện là một khẩu súng máy có độ tin cậy cao và hoàn thành xuất sắc vai trò của mình trên chiến trường.
Ưu điểm lớn nhất chính là đảm bảo tính cơ động mà vẫn giữ uy lực cực mạnh, điều mà các khẩu súng bắn đạn 5,56 mm, 7,62 mm hay .50 BMG không thể làm được, LWMMG có thể xem là mẫu súng máy của chiến trường tương lai.
Theo A.Vĩ (Trí Thức Trẻ)