Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), "Lưỡng hội" - gồm Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp) và Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc (Nhân Đại) - theo truyền thống là dịp để nhìn nhận trước về chương trình nghị sự chính sách của chính phủ Trung Quốc trong năm 2024.
Vào thời điểm có nhiều khó khăn và bất ổn, trọng tâm trong năm nay dự kiến sẽ là cách Bắc Kinh diễn giải và lên kế hoạch giải quyết các vấn đề như dân số già đi nhanh chóng và rủi ro giảm phát.
Kỳ họp bắt đầu vào thứ Hai tới (ngày 4/3), khi hơn 2.000 thành viên của Chính Hiệp sẽ tập trung tại Bắc Kinh để nghe báo cáo công việc hàng năm của cơ quan cố vấn chính trị nước này.
Ngày đầu tiên của kỳ họp Nhân Đại vào thứ Ba sẽ được chú ý nhiều hơn khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường sẽ lần đầu đọc báo cáo công tác chính phủ trước gần 3.000 đại biểu quốc hội nước này.
Theo SCMP, ông Lý sẽ báo cáo nền kinh tế Trung Quốc đã hoạt động như thế nào trong năm qua, bao gồm tốc độ tăng trưởng GDP được theo dõi chặt chẽ và đặt ra mục tiêu tăng trưởng mới, chương trình chính sách và ngân sách cho năm tới.
Trong những ngày tiếp theo - vẫn chưa rõ các cuộc họp sẽ kéo dài bao lâu - các báo cáo công tác, ngân sách và dự luật khác sẽ được thảo luận trong kỳ họp Nhân Đại.
Các sự kiện khác cần theo dõi sẽ là cuộc họp báo của Ngoại trưởng Trung Quốc, bài phát biểu kết thúc sự kiện của Chủ tịch Tập Cận Bình và cuộc họp báo của Thủ tướng Lý Cường sau lễ bế mạc.
GDP và ngân sách của Trung Quốc
Theo SCMP, Thủ tướng Lý Cường đã tiết lộ sớm và bất ngờ tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới hồi tháng 1 khi tiết lộ tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc tăng 5,2% vào năm 2023, trong khi mục tiêu là 5%.
Ông Lý đang tìm cách củng cố niềm tin vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau một năm phục hồi đầy khó khăn sau đại dịch COVID-19 khiến các nhà phát triển bất động sản vỡ nợ, tiêu dùng trong nước trì trệ và nhu cầu ở nước ngoài yếu kém.
Trung Quốc cũng phải đối mặt với dân số già và lực lượng lao động bị thu hẹp do chính sách "một con" ngặt nghèo từ cuối những năm 1970, và tỷ lệ sinh thấp, ngay cả sau khi chính sách này được nới lỏng vào năm 2016.
Các nhà phân tích dự đoán Trung Quốc sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng tương tự là 5% trong năm nay. Nhưng những công cụ chính sách nào được chính phủ Trung Quốc sử dụng để đạt được điều này - chẳng hạn như kích thích tài chính hoặc cải cách cơ cấu - vẫn còn phải xem xét.
Neil Thomas - một nhà nghiên cứu chính trị Trung Quốc tại Trung tâm Phân tích Trung Quốc của Viện Chính sách Xã hội Châu Á có trụ sở tại Mỹ - cho biết, kỳ họp "Lưỡng hội" năm nay sẽ rất quan trọng.
Ông nói: "Người dân trong và ngoài nước [Trung Quốc] đang trông cậy vào giới lãnh đạo để được trấn an rằng họ hiểu các vấn đề kinh tế của Trung Quốc và biết cách giải quyết chúng."
Theo SCMP, báo cáo của Thủ tướng Trung Quốc có thể sẽ nói về việc thúc đẩy "lực lượng sản xuất mới" - một thuật ngữ được giới lãnh đạo nước này sử dụng để chỉ những đổi mới trong nước về công nghệ và dịch vụ mà họ tin rằng có thể thúc đẩy nền kinh tế và khả năng tự lực.
Ông Lý cũng sẽ nói về vấn đề ngân sách của Trung Quốc. Báo cáo tài chính hàng năm thường được cân nhắc vào ngày đầu tiên của kỳ họp Nhân Đại và sẽ công bố vào cuối kỳ họp.
Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc sẽ được theo dõi chặt chẽ vào thời điểm căng thẳng đang gia tăng về vấn đề Đài Loan và Biển Đông. Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động quân sự trong khu vực và mục tiêu đến năm 2027 đạt được các mục tiêu hiện đại hóa không còn xa nữa.
Các nhà phân tích dự đoán, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc sẽ tăng trưởng ổn định phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế và mức tăng 7,2% trong năm ngoái.
Năm đầu tiên của Thủ tướng Lý Cường
Ông Lý Cường sẽ kết thúc năm đầu tiên làm Thủ tướng Trung Quốc bằng bài phát biểu về chính sách và cuộc họp báo giúp hiểu rõ hơn về vai trò và phong cách lãnh đạo của ông.
Theo SCMP, thống kê các chuyến thị sát và cuộc họp của Thủ tướng Lý cho thấy ông tập trung vào các vấn đề đối nội hơn là đối ngoại so với người tiền nhiệm.
Và những phát biểu của ông Lý về các vấn đề kinh tế trong hệ thống đảng - nhà nước Trung Quốc dường như đã giảm bớt so với các thủ tướng trước đó, theo Alfred Wu - phó giáo sư tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu của Đại học Quốc gia Singapore.
Điều đó đặc biệt xảy ra sau khi nội các Trung Quốc sửa đổi các quy định làm việc để tập trung vào việc "thực thi" các quyết định của đảng, Wu nói.
Công tác đối ngoại của Trung Quốc
Trọng tâm của kỳ họp "Lưỡng hội" chủ yếu là vấn đề trong nước, nhưng cuộc họp báo của Ngoại trưởng Trung Quốc sẽ tạo ra âm hưởng cho công tác ngoại giao.
Nhà nghiên cứu Thomas từ Viện Chính sách Xã hội Châu Á cho biết, Bắc Kinh có thể sẽ "tránh đối đầu" trước các cuộc bầu cử quan trọng ở phương Tây.
Ông Thomas cho biết, Ngoại trưởng Trung Quốc cũng có thể sẽ "nhấn mạnh vào sự ổn định" khi Bắc Kinh muốn cải thiện niềm tin kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài.
Cuộc họp báo cũng có thể đề cập đến mối quan hệ với Mỹ, vốn đã được cải thiện kể từ các cuộc gặp năm ngoái diễn ra ngay sau khi Mỹ bắn hạ một khinh khí cầu được cho là thiết bị do thám của Trung Quốc.
Ngoài ra, theo SCMP, vấn đề ai sẽ là ngoại trưởng tiếp theo của Trung Quốc cũng nhận được sự quan tâm đáng kể. Ông Vương Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc, nhà ngoại giao hàng đầu của nước này - đã quay trở lại vai trò Ngoại trưởng vào tháng 7/2023 sau khi Ngoại trưởng Tần Cương đột ngột bị thông báo cách chức.
SCMP cho hay, ông Lưu Kiến Siêu - Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc - được coi là ứng viên hàng đầu để thay thế ông Vương và điều này có thể được đưa ra trong kỳ họp "Lưỡng hội".
Vấn đề xử lý các quan chức
Theo SCMP, có những điều không chắc chắn khác và thông báo có thể được đưa ra trong kỳ họp Nhân Đại sắp tới.
Phiên họp toàn thể lần thứ ba của Ban chấp hành Trung ương - cơ quan ra quyết định lớn nhất của đảng Cộng sản Trung Quốc - thường diễn ra vào mùa thu, làm sáng tỏ đường hướng kinh tế và những bổ nhiệm chủ chốt trước kỳ họp "Lưỡng hội" của nước này.
Nhưng vào năm ngoái, phiên họp này đã không được tổ chức và các nhà quan sát cho rằng điều đó có thể là do có những quyết định đang chờ về quy trình xử lý các quan chức quân sự hay cách chức Ngoại trưởng Tần Cương.
Tướng Lý Thượng Phúc bị bãi miễn chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc vào tháng 10/2023 mà không có lý do chi tiết được công bố. 9 tướng lĩnh khác cũng bị loại khỏi cơ quan lập pháp của nước này vào tháng 12 cùng năm; họ bị cáo buộc "vi phạm kỷ luật và pháp luật".
Tướng Đổng Quân đã được bổ nhiệm làm tân Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc nhưng vẫn chưa được bổ nhiệm làm Ủy viên Quốc vụ.
Theo SCMP, dự luật "sa thải và bổ nhiệm" đã được thông qua trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Nhân Đại trong tuần này, nhưng không có thêm thông tin chi tiết nào được đưa ra, mặc dù có xác nhận rằng ông Tần Cương đã từ chức thành viên của cơ quan lập pháp này.
Hiện tại, cả hai ông Tần Cương và Lý Thượng Phúc vẫn là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc.
Theo Hữu Hiển (Đời Sống & Pháp Luật)