Lưới trời chống tham nhũng Trung Quốc khó chạm Bắc Mỹ

24/12/2015 09:42:01

Các nước Bắc Mỹ tỏ ra lạnh nhạt với chiến dịch chống tham nhũng của Bắc Kinh khi để nhiều người bị Trung Quốc truy nã vẫn sống ung dung ở nước họ.

Các nước Bắc Mỹ tỏ ra lạnh nhạt với chiến dịch chống tham nhũng của Bắc Kinh khi để nhiều người bị Trung Quốc truy nã vẫn sống ung dung ở nước họ.

Nhiều cá nhân phạm tội trốn ra nước ngoài đã bị giới chức Trung Quốc đưa về nước. Ảnh: CCDI

Theo Reuters, đến nay mới chỉ có một quan tham trong danh sách tội phạm bị truy nã thuộc Chiến dịch Lưới trời của Trung Quốc bị đưa trở lại Bắc Kinh từ Bắc Mỹ. Danh sách này gồm 100 người sống lưu vong bị buộc tội tham nhũng và bị truy nã gắt gao nhất, trong đó có 46 người đang ở Mỹ và Canada.

Một phụ nữ trong danh sách trên quyết định tự rời Mỹ trở về Trung Quốc, và ít nhất một người nữa đang bị giam trong trung tâm giam giữ của cơ quan nhập cư Mỹ, chờ ngày bị trục xuất.

Đa phần các nghi phạm trong danh sách đang công khai cư ngụ tại Bắc Mỹ, ví dụ như doanh nhân Wei Chen tại Florida, Mỹ hay Wang Qingwei tại British Columbia, Canada đang sống tự do tự tại như những người di cư hợp pháp. Họ cũng không hề nhận được thông báo nào từ chính phủ Mỹ hay Canada sau khi danh sách Lưới trời được công bố hồi tháng 4.

"Danh sách đó đã khiến cuộc sống tôi khốn đốn, nhưng tôi không lẩn trốn", Chen, người đã nhập quốc tịch Mỹ từ năm 2005, khẳng định. "Tôi không biết 99 người còn lại ra sao, nhưng tôi không hề làm những gì họ nói".

Ông Liu Jianchao, thứ trưởng Trung Quốc phụ trách truy bắt và dẫn độ các nghi phạm tham nhũng về nước, khẳng định 17/100 cá nhân trong danh sách Lưới trời đã về nước, hầu hết từ các quốc gia gần Trung Quốc, như Singapore, Malaysia, Campuchia và Uganda.

Hiện cả Mỹ và Canada đều không có hiệp ước về dẫn độ với Trung Quốc, một phần do một số khác biệt trong hệ thống tư pháp. Những người trong danh sách truy nã của Trung Quốc bị trục xuất khỏi Bắc Mỹ là do bị phát hiện phạm tội hoặc vi phạm quy định về nhập cư.

Một trong số họ, bà Yang Xiuzhu, 69 tuổi, cho biết bà đến Mỹ với hộ chiếu giả và bị cơ quan nhập cư Mỹ bắt giữ sau đó một tháng trong căn hộ ở New York. Hiện bà đang bị giam giữ chờ thủ tục trục xuất, nhưng đã nộp đơn xin tị nạn. Em trai bà Yang đã phải trở về Trung Quốc sau khi bị Mỹ trục xuất hồi tháng 9 do vi phạm quy định về nhập cư.

Bà Yang Xiuzhu đọc báo trong một cuộc họp tại thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang năm 2001. Ảnh: Reuters

Mỹ đến nay vẫn cẩn trọng trong những thông cáo về biện pháp hỗ trợ tư pháp dành cho Trung Quốc. Một người phát ngôn Bộ Tư pháp khẳng định Mỹ sẽ "theo đuổi việc xét xử một cách mạnh mẽ", chống lại những người bị Trung Quốc truy nã "khi có nghi ngờ về hành động rửa tiền hoặc các hoạt động tội phạm khác tại đất nước này".

Dù vậy, giới chức Mỹ cũng khẳng định rõ ràng rằng, họ cần Trung Quốc phải cung cấp bằng chứng về hành vi phạm tội trước khi hợp tác đầy đủ. Một cựu quan chức an ninh Mỹ tiết lộ Trung Quốc hầu như không cung cấp bằng chứng nào chống lại những người bị truy nã.

Canada thì khẳng định sẽ hợp tác với Trung Quốc để dẫn độ nghi phạm tham nhũng về nước, với điều kiện nước này được giữ một phần tài sản bị tịch thu, vốn bị coi là tài sản có được từ hành vi tội phạm.

Dù Canada không có hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc, nếu một cá nhân bị phát hiện đã khai man khi xin thị thực – ví dụ như khai báo sai về nguồn gốc số tiền được đưa tới Canada – quyền cư trú của người đó có thể bị thu hồi.

Đến nay, ít nhất một nghi phạm tham nhũng tại Canada và một nghi phạm tại Mỹ đã được trao quyền công dân, còn nhiều người khác được cho cư trú dài hạn. Những người được Reuters phỏng vấn thì tỏ ra ngạc nhiên khi họ có tên trong danh sách của Chiến dịch Lưới trời.

Doanh nhân Wei Chen tại Miami bị Trung Quốc cáo buộc lạm dụng công quỹ khi còn làm việc tập đoàn nhà nước Haomen. Chen bác bỏ cáo buộc và cho rằng các quan chức đổ lỗi cho mình do hoạt động kinh doanh của Haomen đi xuống, sau khi tham gia một liên doanh yểu mệnh với tập đoàn Danone của Pháp.

Ông cho biết mình chờ đợi thông tin từ chính quyền Mỹ sau khi có tên trong danh sách truy nã của Trung Quốc, nhưng vẫn chưa thấy gì. Tháng trước ông nhận được một cuộc điện thoại từ một quan chức chống tham nhũng Trung Quốc, nhưng người này không giải thích vì sao Chen có tên trong danh sách.

Huang Hong, vợ cũ của ông Chen cũng có tên trong danh sách Lưới trời. Chen xác nhận rằng bà Hong hiện đang ở Mỹ, và vẫn chưa được giới chức Trung Quốc hay Mỹ liên lạc. Chen khẳng định Hong chưa từng làm việc tại Haomen nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Một nghi phạm tham nhũng khác là ông Wang, bị Trung Quốc cáo buộc gian lận về kế toán, hiện đang điều hành một nông trại trồng nấm nhỏ tại Chilliwack, Canada. Người này đang đi giao hàng khi phóng viên tới, nhưng một người nhà của ông cho biết Wang có tên trong danh sách Lưới trời. Dù vậy, người này nói không hay biết việc giới chức Trung Quốc liên lạc với ông Wang.

Một người khác trên danh sách, bị nghi ngờ tham nhũng và hối lộ, sống trong một ngôi nhà phố nhỏ ở ngoại ô Seattle. Vợ ông này cho biết chưa nhận được liên lạc nào từ giới chức Trung Quốc, và không bình luận gì về các cáo buộc.

Cũng có một số cá nhân khác trong danh sách này bị truy lùng gắt gao hơn. Giới chức Canada nhiều năm qua vẫn từ chối trao quốc tịch cho nhà thầu bất động sản Michael Ching Mo Yeung. Ông này cho rằng nguyên nhân là do cáo buộc tham nhũng từ phía Trung Quốc, và sau đó đã xin quy chế tị nạn.

Bà Yang Xiuzhu đang chờ ngày bị trục xuất về Trung Quốc, nơi bà bị cáo buộc biển thủ 39 triệu USD khi còn là phó thị trưởng thành phố Ôn Châu, phía đông Trung Quốc. Bà bác bỏ cáo buộc này và cho rằng danh sách các cá nhân bị truy nã là một tài liệu chính trị, nhắm vào các đối thủ của chính quyền hiện tại hơn là thực sự truy nã tội phạm.

"Tôi ngờ rằng mình chỉ là một con tốt giữa các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc", bà Yang nói.
 
>> Trung Quốc "đả hổ" tham nhũng tới mức nào?
>> Chống tham nhũng ở Trung Quốc: “Trị ngọn” chưa “trị gốc"

Theo Hoàng Nguyên (VnExpress.net)

Nổi bật