Hãng tin Reuters dẫn lời các nhân chứng nói, 5 chiếc xe buýt chở binh lính từ nhà máy Azovstal đã tới thành phố Novoazovsk do Nga kiểm soát vào tối qua (16/5), cách Mariupol 32km về phía đông.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Anna Malyar cho biết, hơn 260 binh sĩ đã được sơ tán khỏi nhà máy Azovstal, gồm cả 53 người bị thương nặng được cáng tới xe buýt. Khoảng 600 binh lính được cho là cố thủ trong nhà máy thép này.
Tiểu đoàn Azov cố thủ ở nhà máy thép cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội như sau: "Để cứu mạng sống, toàn bộ đơn vị đồn trú ở Mariupol đang thực hiện quyết định đã được phê duyệt của Bộ chỉ huy quân sự tối cao và hy vọng nhận được sự ủng hộ của người dân Ukraine". Đội quân này cho biết, họ đã cầm cự trong 82 ngày.
Cuộc sơ tán khỏi nhà máy Azovstal đánh dấu sự kết thúc của một trận chiến dài nhất, đổ máu nhiều nhất trong cuộc chiến Ukraine, một thất bại lớn của Ukraine. Nhà máy Azovstal đã trở thành một biểu tượng của sự kháng cự, với việc hàng trăm binh sĩ Ukraine vẫn tiếp tục chiến đấu ngay cả khi phần còn lại của thành phố Mariupol đã chịu sự kiểm soát của quân Nga.
Mariupol hiện trong tình trạng đổ nát sau nhiều tháng bị Nga bao vây. Cuộc sơ tán diễn ra vài giờ sau khi Nga tuyên bố đã đi tới một thỏa thuận ngừng bắn với các binh sĩ bên trong nhà máy Azovstal, để đưa những người bị thương ở đây tới một cơ sở y tế tại Novoazovsk.
EU không thống nhất về lệnh cấm dầu mỏ Nga
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã không đạt được nhất trí về lệnh cấm đối với dầu mỏ của Nga trong cuộc họp các ngoại trưởng của khối, Josep Borrell - đại diện cấp cao của EU về các vấn đề ngoại giao và chính sách an ninh cho biết hôm qua (16/5).
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ, ông Borrell cho biết, ông không vui vì không thể đi tới nhất trí đối với gói trừng phạt thứ 6 nhằm chống lại Nga.
EU đã đề xuất cấm hoàn toàn việc nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm nay và loại ngân hàng lớn nhất của nước này là Sberbank khỏi mạng lưới thanh toán quốc tế SWIFT.
Trước đó, Ngoại trưởng Hungary Péter Szijjártó nói, nước này chỉ bỏ phiếu ủng hộ lệnh trừng phạt của EU với dầu mỏ Nga, nếu EU đưa ra giải pháp cho các vấn đề mà họ sẽ tạo ra. Thủ tướng Hungary Orban cũng khẳng định, đất nước của ông sẽ không ủng hộ bất kỳ lệnh trừng phạt nào ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh năng lượng của Hungary.
Các diễn biến đáng chú ý bên lề chiến sự:
- Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể ở Moscow, Tổng thống Vladimir Putin cho biết, Nga không có vấn đề gì với Thụy Điển hoặc Phần Lan khi hai quốc gia này xin gia nhập NATO, và điều đó không tạo ra mối đe dọa trực tiếp nào với Nga. Tuy nhiên, Moscow sẽ có phản ứng nếu NATO mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự ở hai quốc gia này. Tổng thống Putin nói, bản chất phản ứng của Nga sẽ phụ thuộc vào mối đe dọa cụ thể mà NATO đặt ra. Ông nói: "Chúng tôi sẽ đáp trả tương ứng".
- Na Uy, Đan Mạch, Iceland đã ra một tuyên bố chung về việc sẽ hỗ trợ Phần Lan và Thụy Điển trong trường hợp hai nước này bị tấn công khi xin gia nhập NATO. Cùng thời điểm, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ là Mitch McConnell cho biết, Mỹ sẽ nhanh chóng phê chuẩn đơn xin trở thành thành viên NATO của Thụy Điển.
- Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố sẽ không ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, và bất cứ nỗ lực nào nhằm thuyết phục nước này thay đổi quan điểm sẽ chỉ vô ích.
- Thống đốc vùng Luhansk Serhiy Gaidai cho biết, ít nhất 10 dân thường đã thiệt mạng sau khi Nga nã pháo vào thành phố Sievierodonetsk ở phía đông Ukraine.
Theo Hoài Linh (VietNamNet)