Chuyên gia Mỹ cho rằng Nga đang hồi sinh lực lượng hạt nhân nguy hiểm những năm Chiến tranh Lạnh bằng cách phát triển nhiều loại tên lửa mới.
Tên lửa hành trình mới có khả năng là một phần trong gia đình các loại tên lửa Kalibr-NK. “Tôi nghĩ rằng Kalibr và 9M729 có nhiều điểm tương đồng”, Jeffrey Lewis, giám đốc chương trình không phổ biến vũ khí, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Martin James, cho biết.
Ông Lewis cho rằng tên lửa hành trình Klub là phiên bản rút gọn từ Kalibr, tương tự như Iskander là phiên bản rút gọn từ 9M729. Điểm đáng chú ý là sự phát triển của tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới RS-26 Rubezh. Về mặt kỹ thuật, RS-26 là một ICBM nhưng tầm bắn của nó chỉ vừa đủ theo tiêu chuẩn của tên lửa liên lục địa.
Xe mang phóng được cho là của tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-26 Rubezh. Ảnh: Military Today |
Theo quy định quốc tế, một tên lửa được phân loại là ICBM khi nó đạt tầm bắn từ 5.500 km trở lên, có khả năng mang theo một hoặc nhiều đầu đạn hạt nhân.
Lewis giải thích rằng RS-26 là một sự thay thế cho tên lửa đạn đạo tầm trung RSD-10 Pioneer (SS-20 Saber) bị cấm theo Hiệp ước INF. Chính xác hơn, RS-26 là một bản sao của SS-20, ông Lewis nhận định.
Vị giám đốc chương trình không phổ biến vũ khí cho rằng quân đội Nga luôn không mặn mà với Hiệp ước INF. Họ chỉ miễn cưỡng chấp nhận nó vào cuối những năm Chiến tranh Lạnh. Mặt khác, Moscow cho rằng Washington đã bí mật vi phạm Hiệp ước INF khi triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis trên đất liền.
Hệ thống Aegis trên bờ sử dụng hệ thống phóng thẳng đứng Mk41 có khả năng khởi động tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk. Mk41 là hệ thống phóng đa năng, có thể khởi động nhiều loại tên lửa khác nhau.
Phiên bản tên lửa hành trình tấn công mặt đất Iskander-M. Ảnh: Russian Force |
Trong khi đó, Hiệp ước INF cấm phát triển, triển khai các loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất (GLCM). Phiên bản Tomahawk phóng từ đất liền đã bị hủy bỏ theo Hiệp ước INF nhưng phiên bản Tomahawk phóng từ tàu chiến, tàu ngầm vẫn còn được sử dụng.
Moscow cho rằng việc di chuyển Mk41 lên đất liền nhằm mục đích phóng Tomahawk về sau. “Họ (Nga) tin rằng chúng tôi đang bí mật vi phạm Hiệp ước INF và họ cần phải hành động trước để đối phó với chúng tôi”, ông Lewis nói.
Washington nhiều lần trấn an Moscow rằng Aegis lên bờ chỉ phóng tên lửa đánh chặn nhằm đối phó với tên lửa đạn đạo. Bên cạnh đó, Mỹ đã cho phép Nga kiểm tra các địa điểm triển khai Mk41 trên đất liền để chứng minh rằng nó không chứa tên lửa Tomahawk. Tuy nhiên, Moscow đã từ chối.
Hiệp ước lực lượng Hạt nhân tầm trung, còn gọi là Hiệp ước INF là thỏa thuận giữa chính phủ Mỹ và Liên Xô nhằm loại bỏ việc phát triển, triển khai hoạt động các loại tên lửa đạn đạo tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Hiệp ước được ký kết bởi Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan vào ngày 8/12/1987, có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo điều khoản trong Hiệp ước INF, Liên Xô và Mỹ thống nhất loại bỏ các tên lửa hạt nhân và thông thường, bệ phóng trên mặt đất có tầm bắn từ 500-1.000 km (tầm ngắn), 1.000-5.500 km (tầm trung). Hiệp ước không bao gồm các loại tên lửa đạn đạo, hành trình phóng từ biển. Tính đến tháng 6/1991, 2.692 tên lửa đã được loại bỏ, gồm 846 tên lửa của Mỹ và 1.846 tên lửa của Liên Xô. Mỗi bên được phép giữ lại 15 tên lửa nguyên vẹn để trưng bày. |
Theo Quốc Việt (Zing.vn)