Chân dung nữ luật sư gốc Việt trong đường dây kết hôn giả ở Mỹ
“Họ chắc chắn sẽ bị tước thẻ xanh, và bị trục xuất”, luật sư Alyssa Nguyen, người thành lập văn phòng luật Nguyen Firm ở thành phố St. Paul, bang Minnesota, và đã có hơn 15 năm trong nghề, nói với Zing.vnqua điện thoại. “Họ có thể không chịu án tù, vì có thể chính phủ Mỹ không muốn phí tiền thuế vào việc giam giữ họ”.
Họ sẽ chịu lệnh “trục xuất nhanh”, tức bị trục xuất trong 1-2 tuần tới một tháng, khác với quy trình trục xuất bình thường, vốn kèm theo quyền biện minh trước thẩm phán di trú, theo bà Nguyen.
Luật sư Lawrence Borten, người thành lập văn phòng luật cùng tên ở New York, có ý kiến tương tự. “Những người chỉ đơn thuần lấy được thẻ xanh có thể sẽ không chịu án tù”, ông Borten trả lời Zing.vn qua email. “Những người cấu kết trong nhiều vụ cưới giả, như tuyển mộ người Mỹ tham gia kết hôn giả, làm giả tài liệu, sẽ bị truy tố nặng hơn".
“Tất nhiên những ai đã nhận thẻ xanh sẽ bị trục xuất”, ông Borten nói.
Văn phòng công tố tại Nam Texas cho biết 96 đối tượng bị truy tố với 206 tội danh liên quan đến đường dây dàn xếp kết hôn giả. Tính đến ngày 13/5, đã có ít nhất 50 người bị bắt giữ. Khoảng một nửa số nghi phạm được liệt kê trong cáo trạng là người gốc Việt.
Theo cáo trạng, những người kết hôn giả chỉ gặp nhau một vài lần, đôi khi là không hề gặp trước khi cưới, không sống chung sau đó mà chỉ trả tiền nhau theo thỏa thuận trước.
Các bị cáo sẽ chịu án khác nhau
“Sẽ không có bản án giống nhau cho các bị cáo người Việt”, bà Alyssa Nguyen nói về hình phạt cho 96 bị cáo, những người sẽ thuê luật sư bào chữa riêng.
“Tùy vào dữ kiện của từng bị cáo... các luật sư có thể dựng nên câu chuyện để xin hưởng khoan hồng”, vị luật sư thuộc Hội Luật sư Di trú Mỹ (AILA) cho biết.
“Với người Mỹ, câu chuyện có thể là vì họ bần cùng... Ví dụ anh quá nghèo mà được trả 50.000 USD, điều đó làm anh lung lay”, bà Nguyen phân tích. “Còn đối với người Việt, có thể là họ nghèo, hay bị gia đình lạm dụng, và muốn cuộc sống tốt hơn”.
Nữ luật sư cho rằng sắp tới, các luật sư biện hộ sẽ khuyên các bị cáo không nhận tội, để bên công tố phải chứng minh tội danh vượt trên sự nghi ngờ hợp lý (reasonable doubt).
“Các luật sư biện hộ sẽ thực hiện việc xác lập các chứng cứ mà chính phủ đang có trong tay như băng ghi âm, người tố giác, hình ảnh... họ sẽ kiểm tra toàn bộ chứng cứ”, luật sư Alyssa Nguyen nói.
Phía công tố có thể đã và đang thương lượng để các bị cáo làm chứng chống lại nhau để đổi lấy án phạt giảm nhẹ, theo bà.
Luật sư gốc Việt đóng vai trò tổ chức trong đường dây kết hôn giả, Trang Le Nguyen, 45 tuổi ở Houston, bang Texas, đã không nhận tội sau cáo trạng.
"Cô ấy không nhận tội. Chúng tôi đang trong quá trình làm sáng tỏ vụ án", Texas Lawyer ngày 14/5 dẫn lời Jed Silverman, luật sư biện hộ cho Trang Le Nguyen, người được bảo lãnh tại ngoại với số tiền 100.000 USD.
“Người báo tin có thể đã đeo máy ghi âm”
Tuy vậy, luật sư Alyssa Nguyen cho rằng phía công tố có thể đã có nhiều bằng chứng chống lại các bị cáo, bao gồm một người báo tin.
“Đây là vụ án được nhiều cơ quan cùng điều tra trong nhiều năm”, luật sư Nguyen, từng nhiều năm làm công tố viên cấp tiểu bang ở bang Minnesota, cho biết. “Giới điều tra liên bang không bao giờ đưa ra nhiều tội danh như vậy nếu không có đủ bằng chứng”.
96 người bị cáo buộc 206 tội danh, bao gồm âm mưu tham gia lừa đảo bằng hôn nhân, lừa đảo bằng hôn nhân, làm giả tài liệu - giả chữ ký, khai man, tạo địa chỉ giả, xác nhận công việc giả, lừa đảo cơ quan di trú, gây khó và cản trở quá trình thực thi pháp luật, tác động đến nhân chứng, nạn nhân hoặc người mật báo.
"Những vụ bắt giữ đánh dấu đỉnh điểm của một cuộc điều tra liên ngành, kéo dài trong cả năm, nhằm vào một trong những vụ giả mạo hôn nhân lớn nhất từng được ghi nhận tại Houston", Texas Lawyer dẫn lời Mark Dawson, công tố viên đặc biệt của cơ quan điều tra di trú và hải quan, thuộc Bộ An ninh Nội địa Mỹ.
“Có thể một ai đó bị phát hiện làm giấy tờ kết hôn giả... sau đó cơ quan điều tra liên bang cử đặc vụ tham gia đường dây”, bà Nguyen đưa ra giả thuyết của mình về quá trình điều tra.
“Có thể họ yêu cầu một người sắp bị buộc tội hợp tác để được giảm án. Họ có thể cài một người Mỹ giả vờ muốn cưới giả để kiếm tiền, thậm chí dùng đồng thời một vài biện pháp trên”.
Vị luật sư gốc Việt nói thêm người báo tin có thể đã đeo máy ghi âm. “Nếu không, làm sao họ biết được Trang Le Nguyen bảo một nhân chứng hãy trốn đi. Nếu không ghi âm, có thể bên công tố chưa cáo buộc bà ta tội danh tác động tới nhân chứng”, bà Alyssa Nguyen nói.
Theo cáo trạng vụ án, bà Trang Le Nguyen bị cáo buộc cản trở thực thi công lý. Theo cáo trạng, bà đã thông báo cho K.M.N.N., một đối tượng kết hôn giả và là người cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng, rằng K.M.N.N. nên đi trốn, không đi bằng máy bay để tránh phát hiện, và ngừng hợp tác với cơ quan chức năng.
Bà còn bị truy tố tội mua chuộc nhân chứng. Cáo trạng nói bà đã ngăn cản K.M.N.N liên lạc với Bộ An ninh Nội địa (DHS) và Sở Nhập tịch và Di trú Hoa Kỳ (USCIS), đồng thời dụ dỗ K.M.N.N rút lại lời khai, không ra làm chứng tại tòa.
Kết hôn giả diễn ra nhiều
Nữ luật sư ở bang Minnesota cho rằng có thể có hàng trăm người khác kết hôn giả qua đường dây này mà chưa bị phát hiện.
“Các đường dây tội phạm thường như vậy: họ hoạt động trót lọt trong nhiều năm, rồi họ trở nên tham lam hơn trước khi bị phát hiện”.
Những người muốn vào Mỹ định cư đã trả cho đường dây này từ 50.000-70.000 USD cho một suất nhập cư hợp pháp. Đứng đầu đường dây là Ashley Yen Nguyen (còn gọi là Duyen) cùng Khanh Phuong Nguyen, bản thân đã nhập cư Mỹ qua kết hôn giả.
Họ tìm cách "chiêu mộ" vào đường dây những người Mỹ khác làm “chồng giả”, “vợ giả”, những người sau đó lại trở thành người tuyển dụng. Bị truy tố có những người cầm đầu, tuyển dụng phụ trách tài chính, chi trả, làm hồ sơ giả, làm hướng dẫn viên cho các vợ chồng giả qua Việt Nam để giả vờ “về quê vợ, quê chồng”.
“Tôi thường xuyên nghe qua bạn bè, họ nói về việc này. Nó diễn ra nhiều hơn bạn nghĩ”, luật sư Alyssa Nguyen nói về việc kết hôn giả để có thẻ xanh vào Mỹ nói chung, phổ biến trong các cộng đồng nhập cư khác như châu Phi, Ấn Độ, Trung Quốc, không chỉ người Việt.
Bà từng thấy cặp đôi kết hôn rồi ly dị sau khi có thẻ xanh, nhưng bà cho biết các luật sư di trú chỉ có thể giúp xử lý hồ sơ và khó có thể biết đôi vợ chồng là giả hay không. “Tôi không hỏi khách hàng vì sẽ xúc phạm họ. Nhưng nếu họ đến văn phòng và nói chúng tôi đang kết hôn giả, tôi sẽ từ chối”.
“Tôi tin rằng kết hôn giả phổ biến hơn trong những người đến từ châu Phi. Tôi thường đại diện cho các thân chủ bị lệnh trục xuất do cưới giả, và đó là điều tôi chứng kiến”.
Người phát ngôn của Sở Di trú và Hải quan Hoa Kỳ và Viện công tố liên bang Nam Texas từ chối yêu cầu bình luận của Zing.vn với lý do “điều tra đang được tiến hành”.
Theo Trọng Thuấn (Tri Thức Trực Tuyến)