Tuần trước, những trận mưa lớn đã khiến mực nước tại đập Tam Hiệp, nằm ở thượng nguồn sông Trường Giang và cách thành phố Vũ Hán vài trăm km về phía thượng nguồn, tăng lên mức cao nhất kể từ khi công trình này hoàn thành vào năm 2009.
Mực nước tại hồ chứa của đập Tam Hiệp cao hơn 15 mét so với giới hạn lũ, trong khi lưu lượng nước đổ về hồ lên tới 61 triệu lít/giây tại thời điểm mưa lớn đạt đỉnh hôm 18/07, theo Xinhua. Đập Tam Hiệp được thiết kế để xử lý lưu lượng nước tối đa đổ về là 83,7 triệu lít/giây.
"Hồ chứa đã phải bỏ qua những quy định về không gian phù hợp khi bước vào tháng 08, do lũ lớn hơn có thể xảy ra ở thượng nguồn," Chen Guiya, kỹ sư Bộ Tài nguyên Nước Trung Quốc cho biết hôm 18/07, thời điểm đập Tam Hiệp mở ba cửa để xả lũ.
Cơ quan khí tượng Trung Quốc dự đoán mưa lớn sẽ tiếp tục kéo dài ở khu vực đồng bằng sông Trường Giang trong những ngày tới, khiến lũ lụt trở nên nghiêm trọng hơn.
Trung Quốc bắt đầu xây dựng đập Tam Hiệp năm 1994. Công trình đập thủy điện lớn nhất thế giới đã gây không ít tranh cãi, khi 1 triệu người dân phải di dời, trong khi môi trường tự nhiên cũng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó cũng có không ít ý kiến lo ngại về độ kiên cố của đập, khiến giới chức Trung Quốc phải lên tiếng bác bỏ nguy cơ vỡ đập.
Hôm 21/07, Global Times dẫn lời một quan chức thuộc công ty vận hành đập Tam Điệp nói rằng đập "an toàn và trong tình trạng tốt".
Đập Tam Hiệp được thiết kế để ngăn chặn lũ lụt tại các vùng hạ lưu sông Trường Giang, con sông dài nhất châu Á chảy từ cao nguyên Tây Tạng qua các thành phố lớn như Vũ Hán, Nam Kinh, Thượng Hải và đổ về biển Hoa Đông.
Dù đập đã được xây dựng nhưng năm nay hơn 40 triệu người tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc vẫn bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, thiệt hại kinh tế lên tới 80 tỷ nhân dân tệ, theo Bộ Quản lý Khẩn cấp Trung Quốc. Khoảng 28.000 ngôi nhà đã bị đổ sụp, hàng triệu người mất nhà cửa và ít nhất 141 người thiệt mạng hoặc mất tích do lũ lụt.
Mưa lớn thường xảy ra ở miền Trung và miền Nam Trung Quốc vào tháng 06 và 07 hàng năm, tuy vậy năm nay lượng mưa cao bất thường, gây ra lũ lụt ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế Trung Quốc đang trên đà phục hồi sau Covid-19.
Lũ lụt mới đây đã khiến tỉnh An Huy phải mở hai con đê và phá vỡ hai con đê khác để giải phóng nước lũ, gây ngập úng hàng chục nghìn hecta đất. Tỉnh An Huy hôm 18/07 đã nâng cảnh báo lũ lụt lên mức cao nhất.
Lũ lụt nghiêm trọng tại Trùng Khánh, thành phố đô thị hơn 30 triệu dân ở thượng nguồn đập Tam Hiệp, cũng như tại các thành phố ở tỉnh Hồ Bắc phía hạ nguồn, khiến hoạt động kinh doanh bị đóng cửa, giao thông đình trệ, gây khó khăn cho sinh kế của người dân.
"Năm nay kinh doanh bị ảnh hưởng hết lần này đến lần khác," Xu Changping, một nhà buôn xe hơi tại thành phố Ân Thi, tỉnh Hồ Bắc cho biết. "Hy vọng mới được nhen nhóm thì lại bị dập tắt ngay lập tức".
Xu cho biết đã phải đóng cử các chi nhánh, dùng túi cát chặn cửa ra vào để ngăn nước lũ tràn vào bên trong.
Tại tỉnh Giang Tây, gia đình Li Qian mắc kẹt trên tầng thượng tòa nhà hai tầng trong hơn một tuần, do nước dâng từ hồ Bà Dương, hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc, khiến ngôi làng nơi ông sinh sống bị ngập. Ông Li và các thanh niên trong khu vực phải di chuyển bằng thuyền để tìm kiếm lương thực và nhu yếu phẩm.
"Chúng tôi hơi hoảng sợ khi thấy nước dâng lên đến đầu gối chỉ trong nửa giờ," Li nói, bổ sung thêm rằng lũ lụt đã gây thiệt hại khoảng 100.000 nhân dân tệ cho công việc kinh doanh hải sản của gia đình ông.
Một số quan chức Trung Quốc cho rằng biến đổi khí hậu đã gây ra mưa lớn bất thường tại nước này trogn thời gian qua. Song Lianchun, giám đốc Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc tuần trước cho biết số ngày mưa lớn tại nước này đã tăng trung bình 4% mỗi thập kỷ trong 60 năm qua.
Hầu hết lo ngại tới nay tập trung vào đập Tam Hiệp, tuy vậy nguy cơ cũng được dự báo tại 94.000 đập nhỏ hơn ở các dòng sông tại Trung Quốc, hầu hết được xây dựng từ những năm 1950-1960.
"Các đập nhìn chung chất lượng và bảo trì yếu kém, do đó có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ," Wang Zhangli, quan chức Bộ Tài nguyên Nước Trung Quốc nói hồi tháng trước.
Cheng Xiaotao, cố vấn chính phủ Trung Quốc về ngăn ngừa thảm họa từng nhận định rằng công tác đối phó với lũ lụt năm nay gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19. Công tác bảo trì thường lệ, huấn luyện nhân sự vào mùa Đông và mùa Xuân, hay các kế hoạch đại tu đều bị đình trệ.
Bên cạnh đó, các đập nhỏ tại Trung Quốc cũng thiếu hụt nhân sự duy tu có tay nghề, do lao động ở các vùng nông thôn đã chuyển tới các thành phố lớn, theo ông Cheng.
Các quan chức Trung Quốc hiện lo ngại mưa lớn và lũ lụt có thể chuyển hướng về phía Bắc trong những ngày tới. Trong đợt lũ lụt đặc biệt nghiêm trọng năm 1998, mưa lớn kéo dài ở cả miền Nam lẫn miền Bắc Trung Quốc.
Hôm 20/07, các quan chức giám sát tại sông Hoàng Hà, sông dài thứ hai ở Trung Quốc, chảy qua các thành phố Bắc Kinh và Trịnh Châu, thông báo đợt lũ mới đã bắt đầu.
Tố Linh (Nguoiduatin.vn)