Vài giờ trước khi người dân thức dậy chuẩn bị cho Lễ Phục sinh, mưa lớn đã dẫn tới lũ cuốn tại Đảo Flores.
Bùn đất tràn vào các ngôi nhà, trong khi đường xá và các con cầu ở phía Đông hòn đảo bị phá hủy.
"44 người thiệt mạng, 9 người bị thương," chính quyền Đông Flores thông báo. "Nhiều người vẫn còn mất tích dưới bùn", phát ngôn viên Cơ quan Giảm trừ Thiên tai Quốc gia Indonesia Raditya Jati nói với hãng tin AFP.
Giới chức tìm kiếm cứu nạn cho rằng số người chết có thể tăng cao, do lực lượng cứu hộ vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do mưa to và sóng lớn.
Jati cho biết thời tiết khắc nghiệt sẽ tiếp tục kéo dài trong tuần tới.
Lũ lụt cũng khiến hai người thiệt mạng ở thành bố Bima, tỉnh Tây Nusa Tenggara lân cận, theo cơ quan kiểm soát thiên tai.
Cơ quan thời tiết Indonesia cho biết một xoáy thuận nhiệt đới gần Eo biển Savu, nằm giữa phần phía Nam tỉnh Nusa Tenggara và bờ biển phía Bắc của Timor Leste, có thể sẽ khiến mưa, sóng và gió lớn kéo dài.
Lũ quét và lở đất thường xảy ra tại Indonesia, gây nhiều thiệt hại về con người và tài sản.
Hồi tháng 01, lũ quét xảy ra tại thị trấn Sumedang tại Tây Java đã khiến 40 người thiệt mạng.
Tháng 09/2020, ít nhất 11 người thiệt mạng trong các vụ lở đất tại Borneo, trong khi thảm họa tương tự cũng xảy ra ở Sulawesi khiến hàng chục người thiệt mạng.
Các nhà hoạt động môi trường cho rằng việc phá rừng thường là nguyên nhân gây ra lở đất. Cơ quan xử lý thiên tai Indonesia ước tính khoảng 125 triệu người Indonesia, gần một nửa dân số cả nước, sống trong khu vực có nguy cơ lở đất.
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)