LRASM, tên lửa diệt hạm tầm xa của Hải quân Mỹ

26/06/2016 10:49:00

Nếu tên lửa diệt hạm Harpoon được Mỹ chế tạo để đối phó hải quân Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh thì nay tên lửa diệt hạm tầm xa LRASM (gần 400 km) là vũ khí Hải quân Mỹ dùng đối phó với hải quân Trung Quốc.

Nếu tên lửa diệt hạm Harpoon được Mỹ chế tạo để đối phó hải quân Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh thì nay tên lửa diệt hạm tầm xa LRASM (gần 400 km) là vũ khí Hải quân Mỹ dùng đối phó với hải quân Trung Quốc.

LRASM được phát triển nhằm đối phó hải quân Trung Quốc - Đồ hoạ: LM

Theo wearethemighty ngày 22.6, hàng thập niên qua Hải quân Mỹ lệ thuộc vũ khí diệt hạm là loại tên lửa Harpoon do Boeing sản xuất từ những năm 1970. Nay điều này đang thay đổi khi Lockheed Martin (LM) trình làng tên lửa diệt hạm có tầm bắn xa hơn và thông minh hơn, gọi là LRASM.

LRASM được phát triển để đáp ứng tình hình mới mà Hải quân Mỹ đang đối mặt. Loại tên lửa diệt hạm Harpoon ra đời nhằm đối phó hải quân Liên Xô thời Chiến tranh lạnh; còn LRASM là nhằm khắc chế sức mạnh đang gia tăng của hải quân Trung Quốc.

Cả hai loại tên lửa diệt hạm Harpoon và LRASM đều có các thiết bị điện tử dẫn đường cho đầu đạn nhắm đến mục tiêu ở xa đường chân trời; tuy nhiên sự khác biệt nằm ở tầm bắn xa hơn và khả năng tự tác chiến của LRASM so với Harpoon.

LRASM, tên lửa diệt hạm tầm xa của Hải quân Mỹ - ảnh 2
LRASM chuẩn bị gắn lên tiêm kích hải quân F/A-18 - Ảnh: LM
 
LRASM, tên lửa diệt hạm tầm xa của Hải quân Mỹ - ảnh 3
Mỗi chiếc F/A-18 có thể mang 2 quả LRASM - Ảnh: LM
 
LRASM, tên lửa diệt hạm tầm xa của Hải quân Mỹ - ảnh 4
LRASM hoạt động độc lập, có trí tuệ nhân tạo và tầm bay xa, như một UAV cảm tử

Theo nhà sản xuất LM, LRASM là loại tên lửa diệt hạm thông minh, có tính năng tàng hình, hoạt động như một máy bay không người lái cảm tử bay đến mục tiêu mà nó lựa chọn xa đến 370 km. Hệ thống điều khiển điện tử của loại tên lửa này tự tìm mục tiêu mà không cần công nghệ hỗ trợ dẫn đường như GPS, có trang bị phần mềm trí tuệ nhân tạo, khả năng gây nhiễu radar…

Còn Harpoon (tầm bắn tối đa 130 km) có tốc độ cận âm, khả năng tàng hình thấp, lệ thuộc việc hướng dẫn định vị mục tiêu để tấn công từ tàu mẹ, và khó chống đỡ trước các vũ khí phòng thủ tàu chiến hiện đại.

Hải quân Mỹ dự định trang bị tên lửa LRASM bắt đầu từ năm 2018. Loại LRASM này thực ra dựa trên cơ sở tên lửa không đối đất JASSM có biệt danh "kẻ tiêu diệt khủng bố" vì có khả năng phá huỷ hầm ngầm của quân khủng bố.

Xem clip Lockheed Martin mô tả hoạt động của tên lửa diệt hạm tầm xa LRASM

Theo Anh Sơn (Thanh Niên Online)