Tàu chống ngầm cỡ nhỏ Dự án 201 (NATO gọi bằng cái tên SO-1) do Liên Xô sản xuất trong giai đoạn thập niên 1950 - 1960 cùng với nhiều tàu phóng lôi và tàu tên lửa tấn công nhanh khác tạo thành "hạm đội muỗi" cực kỳ đáng gờm.
Thông số kỹ thuật cơ bản của tàu chống ngầm SO-1 bao gồm: lượng giãn nước tiêu chuẩn 170 tấn và lên tới 215 tấn khi mang đầy tải; chiều dài 42 m; chiều rộng 6 m; mớn nước 1,8 m; thủy thủ đoàn 30 người.
Lớp tàu chống ngầm được trang bị 3 động cơ diesel với công suất máy lớn nhất 7.500 mã lực, cho tốc độ tối đa 28 hải lý/h, tầm hoạt động 1.100 hải lý khi chạy ở vận tốc tối ưu kinh tế 13 hải lý/h.
Vũ khí của các tàu chống ngầm cỡ nhỏ Dự án 201 bao gồm 2 ụ pháo nòng đôi 2M-3 cỡ 25 mm bố trí trước - sau, 4 bệ phóng rocket chống ngầm RBU-1200, ngoài ra còn có giá để thả thủy lôi và bom chìm.
Hệ thống điện tử của tàu gồm có radar trinh sát bề mặt Pot Head, radar dẫn đường hàng hải Don 2 cùng với thiết bị định vị thủy âm gắn liền thân (Sonar) chủ động loại Pot Head.
Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, Liên Xô đã viện trợ cho Hải quân Việt Nam tổng cộng 8 tàu chống ngầm Dự án 201, tại Việt Nam các tàu này được gọi đơn giản là tàu chống ngầm 200 tấn, chúng phục vụ trong giai đoạn giữa thập niên 1960 đến khoảng thập niên 1980 thì được nhận sổ hưu.
Hoạt động của lớp tàu chống ngầm Dự án 201 trong biên chế Hải quân Việt Nam cũng không có nhiều, trong đó 2 sự kiện nổi tiếng nhất đó là vào ngày 5/81964, biên đội tàu SO-1 đã dàn đội hình trên biển để dùng pháo 2M-3 đánh trả cuộc tập kích bằng không quân của Mỹ.
Tiếp đó vào khoảng giữa thập niên 1980 đã ghi nhận một cuộc tập trận hiếm hoi giữa các tàu chống ngầm SO-1 này với tàu ngầm Kilo của Hải quân Liên Xô tại vùng biển ngoài khơi cảng Cam Ranh.
Những bức ảnh về lớp tàu chống ngầm cỡ nhỏ này của Hải quân Việt Nam cực kỳ ít ỏi, sau khi chúng ta tiếp nhận 5 tàu hộ vệ chống ngầm Petya có lượng giãn nước lớn cùng tính năng ưu việt hơn thì toàn bộ 8 chiếc SO-1 đã được cho nghỉ hưu.
Theo Tùng Dương (Báo Đất Việt)