Lời trăng trối của Từ Hy Thái hậu khiến hậu thế giật mình

09/10/2015 10:07:22

Trong mắt người Trung Quốc, Từ Hy Thái hậu là một tội đồ bán nước. Tuy nhiên, theo đánh giá của người nước ngoài, đây lại là một phụ nữ tài năng.

Trong mắt người Trung Quốc, Từ Hy Thái hậu là một tội đồ bán nước. Tuy nhiên, theo đánh giá của người nước ngoài, đây lại là một phụ nữ tài năng.

Thanh triều mục ruỗng vì “công cuộc” tắm rửa của Từ Hy Thái hậu

Trong suy nghĩ của nhiều người Trung Quốc, Từ Hy chỉ là một phụ nữ nhu nhược, chỉ biết cầu hòa.

Vì ký kết nhiều hòa ước bất bình đẳng, chấp nhận phần thua thiệt, lại là người ưa hưởng thụ quyển lực nên bà bị dân chúng coi là kẻ thống trị đáng ghê tởm nhất lịch sử Thanh triều.

Tuy nhiên trên thực tế, trong mắt người nước ngoài, Từ Hy Thái hậu được đánh giá là một phụ nữ vĩ đại. Nhận xét này khiến đa số người dân Trung Quốc “ngã ngửa” vì bất ngờ, bởi có nghĩ tích cực thế nào, họ cũng không thấy sự vĩ đại của Từ Hy.

Những lời khen của người nước ngoài

Một văn nhân người Nhật Bản trong cuốn “Từ Hy trong mắt người Nhật Bản” đã viết rằng: “Nhắc đến Tây Thái hậu, không nên ‘vẽ rắn thêm chân”, (ý là không cần thêm thắt những điều không phù hợp).

Bà là Hoàng thái hậu buông rèm nhiếp chính của Thanh triều, từ cổ chí kim, là một chính trị gia không người phụ nữ nào có thể so sánh. Điều này có lẽ không ai là không biết.”

Tờ “Đức văn tân báo” của Thượng Hải từng đăng tải một bài viết dài có tựa đề “Tây Thái hậu của Trung Quốc”, tán dương Từ Hy là một nữ anh hùng hào kiệt phi thường.
 

Cùng với những lời khen ngợi của người nước ngoài, Từ Hy Thái hậu trong mắt người đời tiếng thơm cũng có mà tiếng xấu cũng nhiều.


Từ năm Quang Tự thứ 9 đến năm thứ 11, Trung Quốc nổ ra cuộc chiến tranh Trung - Pháp.

Trong khi Lý Hồng Chương liên tục đề xuất phương án hiệp hòa, Từ Hy kiên quyết phản đối, quyết cùng Hồng Tử Tài và Lý Bỉnh Hằng khai chiến với người Pháp. Thông qua hành động này, có thể thấy rằng Thái hậu của Đại Thanh không hẳn là người chỉ biết cầu hòa.

Đại đa số các học giả đều cho rằng, Từ Hy đã cứu Đại Thanh không dưới 10 lần. Học giả Authur Smith trong cuốn “Trung Quốc biến động” đã bình luận về người phụ nữ quyền lực nhất Thanh triều như sau:

“Cánh cổng của Trung Quốc đối diện với thế lực đối đầu nhưng từ trước tới nay, nó chưa bao giờ bị phá (cổng). Trong lịch sử Trung Quốc cổ đại, điều này có thể gọi là độc nhất vô nhị.

Nếu tìm một nguyên nhân, tôi cho rằng chỉ có thể khẳng định, nhân vật trị vì đất nước có một tài năng và phẩm hạnh khác người.”

Công sứ người Mỹ Charles cũng từng nói rằng: “Tây Thái hậu là một trong những đại quân chủ của thế giới, nhờ có người phụ nữ tài ba này mà một đế quốc sắp rơi vào trạng thái diệt vong có thể ‘kết bạn’ với những nước lớn”.

Một trong những hành động cho thấy Từ Hy có suy nghĩ khá “thoáng”, đó là cho phép người Mãn và người Hán kết hôn, cấm phụ nữ bó chân, mặc dù những quy định này “bất thành văn”.

Bà từng ra ý chỉ: “Tất cả quan dân Mãn Hán được phép kết hôn, đối với phụ nữ người Hán, hầu hết đều có thói quen bó chân, tục này duy trì đến nay đã quá lâu, làm tổn thương sự hài hòa của tạo vật, vì thế cần từ bỏ”.

Từ những phương diện nói trên, có thể thấy, trong mắt người nước ngoài, Từ Hy Thái hậu được đánh giá khá cao.
 

Người phụ nữ quyền lực nhất Đại Thanh thậm chí còn được đánh giá là tài giỏi hơn cả Võ Tắc Thiên ở đời Đường.


Di ngôn trước khi chết của Từ Hy

Lúc còn sống và kể cả sau khi đã qua đời, Từ Hy Thái hậu từng nhận được vô số lời chỉ trích.

Điều này có thể thấy ngay trong cách bà được xưng hô, ví von như “yêu quái già”, “Thái hậu khác người”, “tội đồ bán nước” hay “người có công lớn trong việc khiến Đại Thanh sống lay lắt trong 30 năm”…

Tuy nhiên, người xưa có câu: “Chim muông lúc gần chết, tiếng kêu thê lương, người trước khi chết, những lời nói ra đều là điều thiện”. Ngẫm nghĩ lại di ngôn của Từ Hy Thái hậu trước lúc lâm chung, thực sự có những điều hậu thế cần nghĩ lại về người phụ nữ quyền lực này.

Sáng sớm ngày 15/11/1908, Từ Hy dậy sớm như thường lệ.

Trước đó một ngày, Hoàng đế Quang Tự băng hà. Cả ngày hôm đó, bà bận bịu với việc lo hậu sự cho đế vương, hầu như không có thời gian ngơi nghỉ, đến tận đêm khuya mới về phòng ngủ.

Tuy nhiên không biết vì lý do gì, khí sắc người phụ nữ này không những không bị ảnh hưởng, mà thậm chí còn trở nên mặn mà hơn.

Hằng ngày, mỗi sáng ngủ dậy, việc đầu tiên của Từ Hy là chải tóc.

Ở bên ngoài cửa cung, thái giam chuyên chải tóc cho Thái hậu đã đợi sẵn từ lâu. Do Từ Hy Thái hậu vô cùng chú ý đến việc chăm sóc tóc, nỗi mỗi ngày, thời gian chải tóc của bà kéo dài rất lâu.

Sau khi công đoạn làm đẹp cho mái tóc Thái hậu kết thúc, một thái giám hô lớn: “Vén rèm”. Thái giám chuyên trách công việc này liền thoăn thoắt làm ngay. Cùng lúc đó, tất cả các thái giám đồng thanh “Lão tổ tông cát tường”.

Màn “chào buổi sáng” kết thúc cũng là lúc Từ Hy bắt đầu vào bữa sáng.

6h sáng, bà bắt đầu triệu kiến Quân cơ đại thần cùng Hoàng hậu (vợ vua Quang Tự - Diệp Hách Na La thị), Nhiếp chính vương Tải Phong và nhiều nhân vật cốt cán trong triều.

Sau một hồi bàn bạc khá lâu, cuối cùng, dưới danh nghĩa tân quốc quân, Từ Hy Thái Hậu được tôn lên làm Thái hoàng thái hậu, Hoàng hậu được tôn làm Thái hậu.

Chính ngọ – thời điểm bắt đầu ăn cơm trưa, Thái hoàng thái hậu vẫn ăn uống bình thường. Tuy nhiên khá bất ngờ, vẫn trong bữa cơm, bà bắt đầu cảm thấy hoa mày chóng mặt. Trạng thái này kéo dài khá lâu.

Với những người sắp qua đời, bản thân họ hiểu hơn ai hết trạng thái của mình. Từ Hy ngay lập tức triệu tập một hội nghị khẩn, giao phó trọng trách quản lý việc trọng yếu cho Thái hậu và Nhiếp chính vương Tải Phong.

Thượng dụ vừa được ban, bệnh tình của Từ Hy trở nên nguy kịch. Bà liền lệnh cho Quân cơ đại thần khởi thảo viết di chiếu.

Sau khi di chiếu được viết xong, Thái hoàng thái hậu xem lướt qua, đã yêu cầu sửa vài chỗ như “không thể không tái thực hiện việc buông rèm nhiếp chính”, “hồi niệm 50 năm qua”…

“Ta buông rèm nhiếp chính nhiều lần, những người không hiểu cho rằng ta là người tham quyền lực. Thế nhưng trên thực tế, tất cả là vì thời thế ép buộc, không thể không làm vậy”, Từ Hy nói với những người thân tín, minh mẫn hệt như không có chuyện gì xảy ra.

Không lâu sau, “lão phật gia” bắt đầu hôn mê sâu. Nhưng rất nhanh sau đó, bà mở mắt trở lại, để lại trăng trối cuối cùng trước lúc ra đi.

"Từ nay về sau, phụ nữ không được phép can dự vào triều chính. Như vậy là trái với gia pháp của bản triều, cần nghiêm khắc ngăn chặn. Đặc biệt là cần đề phòng nghiêm ngặt, không để được các thái giám lạm quyền. Thời nhà Minh mạt vận là một bài học".
 

Phải chăng, vì Từ Hy đã hiểu quá rõ lòng dạ và vai trò của người phụ nữ trong việc triều chính, nên mới trăng trối hậu thế tuyệt đối không để phụ nữ điều hành đất nước.


5h chiều ngày hôm đó, Từ Hy thái hậu qua đời.

Lời nói cuối cùng trước khi chết của bà khiến người đời kinh ngạc và để lại những câu hỏi khiến hậu thế phải suy nghĩ về người phụ nữ này một cách “đa diện”.

Giải thích cho di ngôn này, đã từng có rất nhiều giả thiết được đưa ra. Trong số đó, có ý kiến cho rằng, Từ Hy thực sự không đánh giá cao năng lực của phụ nữ, nhất là sau khi bà đã ở trên đỉnh cao quyền lực trong suốt 50 năm.

Trong lịch sử cũng không ít người phụ nữ tranh quyền đoạt vị nhưng cuối cùng cũng đều bị thất bại. Từ Hy Thái hậu vốn hiểu rõ những điều đó.

Một người phụ nữ thông minh, sắc sảo và quyết đoán như bà, ắt hẳn phải lường hết những yếu điểm của nữ giới khi đứng ra nắm quyền triều chính, cai quản thiên hạ trong xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ.
 
>> Thanh triều mục ruỗng vì “công cuộc” tắm rửa của Từ Hy Thái hậu
>> Ly kỳ xác chết không phân hủy của Từ Hy Thái hậu
>> Ly kỳ chuyện phòng the từ trẻ tới già của Từ Hy Thái hậu
 
Theo Nguyễn Nhung (Soha.vn/Trí thức trẻ)

Nổi bật