Lõi Trái Đất có dấu hiệu bị xì ra ở Hawaii

21/05/2022 08:10:36

Bí ẩn về "vùng vận tốc cực thấp" - khối vật chất bí ẩn nằm trong lớp phủ sâu của Trái Đất mà sóng địa chấn như bị "trói chân" khi truyền ngang - dần được hé lộ.

Nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà địa vật lý Zhi Li từ Đại học Cambridge - Anh đã tìm hiểu một khu vực lạ lùng bên dưới Hawaii, nơi một khối vật chất cao 20 km, đường kính 900 km ngự trị ở đáy của lớp phủ sâu, như mọc ra từ lõi sắt của Trái Đất.

"Trong tất cả các đặc điểm sâu bên trong Trái Đất, đây là điểm phức tạp và hấp dẫn nhất. Giờ đây chúng tôi có bằng chứng vững chắc đầu tiên cho thấy cấu trúc bên trong chúng, đó là một cột mốc thực sự trong nghiên cứu địa chấn sâu" - tiến sĩ Zhi Li khẳng định.

Lõi Trái Đất có dấu hiệu bị xì ra ở Hawaii
Trái Đất gồm lớp vỏ, lớp phủ nông, lớp phủ sâu, lõi ngoài và lõi trong - Ảnh: LIVE SCIENCE

Theo Science Alert, kỹ thuật mô hình tính toán mới nhất đã giúp tái hiện lại vùng vận tốc bí ẩn bên dưới Hawaii, cũng như tiết lộ việc rất có thể nó liên quan đến việc Hawaii là một điểm nóng núi lửa của hành tinh. Rất có thể chính vật chất từ vùng này đã góp phần vào dòng đá nóng chảy xuyên thủng bề mặt.

Nhà địa chấn học Sanne Cottaar từ Đại học Cambridge, đồng tác giả, cho rằng vật liệu làm nên vùng vận tốc cực thấp có thể là tàn tích của những tảng đá cổ từ thuở sơ khai của Trái Đất, một loại đá khác với đá hiện đại, và cũng có thể là sắt bị rò rỉ từ lõi theo cách nào đó không xác định.

Lõi Trái Đất có dấu hiệu bị xì ra ở Hawaii - 1
Mô tả vùng vận tốc cực thấp bên dưới Hawaii

Một số nhóm nghiên cứu khác cũng cho rằng đó có thể là tàn tích Theia - một hành tinh giả thuyết to cỡ Sao Hỏa, đâm vào Trái Đất hàng tỉ năm trước rồi hợp nhất. Hoặc cũng có thể là thứ gì đó hòa trộn giữa Theia và sắt từ lõi rò rỉ.

Giả thuyết lõi sắt - niken của Trái Đất bị xì ra và len lỏi lên các lớp trên vẫn được quan tâm hơn cả. Các nhà nghiên cứu cho biết họ đang khảo sát đá bazan trên bề mặt Hawaii để tìm kiếm bằng chứng về vật chất lõi.

Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature Communications.

Theo Anh Thư (Nld.com.vn)