Hệ thống máy quét vân tay ở Đức Ảnh: Getty |
Người châu Âu những ngày qua bị sốc trước bi kịch của dòng người nhập cư trên Địa Trung Hải và nỗi đau mà người tị nạn đang đối mặt.
Theo BBC, các quốc gia thành viên EU cần đạt các quy định chung, gồm việc chia sẻ dữ liệu về người di cư, ví dụ dấu vân tay và giấy tờ tùy thân. Nhờ đó, giới chức dễ dàng theo dõi hoạt động của họ.
Ngoài ra, các nước châu Âu cần hoàn tất việc chỉnh sửa quy chế tị nạn Dublin. Theo đó, quốc gia đầu tiên tiếp nhận người di cư sẽ có trách nhiệm xử lý yêu cầu của họ. Ủy ban châu Âu cho hay, quy chế này đã không được áp dụng trong bối cảnh cuộc khủng hoảng diễn ra trầm trọng như hiện nay.
Năm 2014, chỉ 5 quốc gia EU xử lý 72% đơn tị nạn. Hungary đang tranh cãi với các nước láng giềng gồm Áo và Đức về việc quốc gia nào tiếp nhận đơn của hàng nghìn người tị nạn. Các quốc gia điểm nóng và một số nước Đông Âu cho rằng hầu hết người di cư muốn tiếp cận các nước giàu như Đức, Thụy Điển và Anh. Vậy tại sao họ phải tiếp nhận đơn tị nạn của những người muốn rời nước họ bằng mọi cách?
Tuy nhiên, nhiều ý kiến phản đối rằng chính phủ các nước này không nên trốn tránh trách nhiệm nhân đạo. Theo luật pháp quốc tế, những người tị nạn thực sự - đối tượng chạy trốn chiến tranh hoặc bị ngược đãi - có quyền xin giấy phép tị nạn. Các quốc gia từ chối giúp những người này chỉ làm kéo dài thêm nỗi khổ của họ.
Số liệu thống kê về thực trạng làn sóng di cư sang châu Âu từ đầu năm tới nay. Đồ họa: Reuters |
Vương quốc Anh không chấp nhận mọi chỉ tiêu về người tị nạn mà áp dụng quyền thương lượng. Ireland có thể không đồng ý về chỉ tiêu tiếp nhận 40.000 người.
Phần lớn chính phủ các quốc gia Đông Âu phản đối quy định này khi cho rằng những người di cư không muốn sinh sống tại nước họ.
Trong khi đó, Pháp, Đức và Italy đang thúc đẩy chỉ tiêu tị nạn quốc gia. Ủy ban châu Âu sẽ ban hành một cơ chế thường trực của EU về việc phân bố số người tị nạn trên 28 quốc gia thành viên.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Donald Tusk, muốn một mục tiêu lớn hơn khi kêu gọi "sự phân bổ công bằng khi mỗi nước cần tiếp nhận ít nhất 100.000 người tị nạn".
Chính phủ Anh là một trong những quốc gia nhấn mạnh sự cần thiết của việc ngăn chặn dòng chảy người di cư ngay tại nơi khởi nguồn để giảm các cuộc hành trình nguy hiểm của họ sang châu Âu. Tuy nhiên, tình trạng di cư hiện nay rất phức tạp và đòi hỏi nỗ lực hỗ trợ dài hạn từ phía EU.
Trong khi đó, cuộc chiến tại Syria kết thúc sẽ tạo sự khác biệt rất lớn nhưng đó là một chặng đường dài. Syria là quốc gia có số lượng người di cư nhiều nhất tới châu Âu. Hơn 4 triệu người tị nạn Syria đổ xô tới Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon và các quốc gia láng giềng khác. Trong khi đó, các nước Arab ở vùng Vịnh giàu có tiếp nhận ít người tị nạn Syria. Giới chỉ trích đang thúc giục họ hành động nhiều hơn nữa để giúp những con người khốn khổ.
Ngoài ra, tình trạng di cư ồ ạt cũng tới từ Eritrea – nơi tình trạng vi phạm nhân quyền đang diễn ra tràn lan. Cuộc xung đột giữa Eritrea và Ethiopia chấm dứt cũng sẽ làm giảm số lượng người di cư. Tuy nhiên, các nước EU một lần nữa lại không đạt đồng thuận về vấn đề này.
Đối với các quốc gia châu Phi cận sa mạc Sahara, việc viện trợ có mục tiêu từ EU sẽ tạo ra việc làm cho người dân địa phương và giảm dòng chảy dân nhập cư tới châu Âu vì lý do kinh tế.
Tuy nhiên, nhiều người tị nạn chạy trốn khỏi các quốc gia có sự xung đột sâu sắc như Nigeria, Sudan, Somalia và Cộng hòa Dân chủ Congo đòi hỏi EU phải phối hợp để có các chính sách đối ngoại về chính trị và kinh tế phù hợp.
Cảnh đoàn người di cư chen chúc nhau lên chuyến tàu tới châu Âu từ nhà ga quốc tế ở Budapest của Hy Lạp. Ảnh: Getty |
Trong nỗ lực hạn chế nạn buôn người từ Tây Phi, EU sẽ thành lập một trung tâm thí điểm tại Niger nhằm tuyên truyền thông tin về các quy định nhập cư của châu Âu và nêu lựa chọn cho những người có ý định di cư.
EU có chương trình Thẻ Xanh dành cho các chuyên gia nước ngoài có tay nghề cao làm việc tại châu Âu. Tuy nhiên, hệ thống này chưa được áp dụng rộng rãi và các quốc gia thành viên như Anh, Ireland và Đan Mạch không sử dụng nó.
Jan Semmelroggen, học giả tại Đại học Nottingham Trent (Anh), lập luận rằng, chương trình Thẻ Xanh có thể giảm gánh nặng cho hệ thống tị nạn ở EU. Phần lớn quốc gia châu Âu có tỷ lệ thất nghiệp cao, nhưng có nhu cầu mạnh đối với các kỹ năng nhất định trong thị trường lao động. Trước thực trạng dân số già, các quốc gia châu Âu ngày càng có nhu cầu tuyển những người di cư có tay nghề cao.
Trong năm 2014, chỉ 45% đơn tị nạn được chấp thuận. Tại một số quốc gia, giới chức từ chối gần như mọi yêu cầu xin tị nạn.
EU hiện đối mặt với áp lực khi tán thành với danh sách “các quốc gia an toàn”, vốn cung cấp cơ sở pháp lý cho các nước thành viên gửi người thêm nhiều người di cư về nước.