Lối thoát duy nhất là cái chết: Những nữ quân nhân Hàn Quốc bị phân biệt, xâm hại và dồn ép đến bước đường cùng

20/10/2021 07:11:48

Cái chết của một nữ quân nhân tại Hàn Quốc đã thổi bùng sự giận dữ của công chúng, về những vấn đề tồn tại quá lâu mà không được giải quyết liên quan đến nạn lạm dụng và phân biệt đối xử với phụ nữ trong quân đội.

Ngày 2/3, các binh sĩ lên xe trở về căn cứ không quân Hàn Quốc sau bữa tối. Ở hàng ghế sau, Trung sĩ Lee Ye-ram lặp đi lặp lại lời cầu khẩn, van xin Trung sĩ Chang Dong-hoon dừng việc quấy rối cô lại.

"Anh làm ơn dừng lại đi," - tiếng nói của cô vang lên trong đoạn camera ghi âm trên xe. Chuyện xảy ra sau đó là một sự việc rúng động, cho thấy "nỗi khổ" của Hàn Quốc về vấn nạn tội phạm tình dục trong quân đội, bất chấp việc đất nước này đang nỗ lực tuyển thêm nữ quân nhân khi lực lượng nam giới nhập ngũ đang dần hao hụt.

Khi Lee báo cáo về việc bị Chang cưỡng hôn và sờ soạng vào tối hôm đó, cấp trên của cô dường như lại muốn chôn vùi câu chuyện này - theo báo cáo điều tra của Bộ Quốc phòng. Quân đội đã không đưa ra cáo buộc chính thức nào với Chang, cho đến khi Lee - nữ trung sĩ mới 23 tuổi - quyết định chấm dứt cuộc đời mình vào ngày 21/5/2021. Chang sau đó đã thừa nhận tội tấn công tình dục, và đang chờ đợi bản án dành cho mình.

Lối thoát duy nhất là cái chết: Những nữ quân nhân Hàn Quốc bị phân biệt, xâm hại và dồn ép đến bước đường cùng
Trung sĩ Lee Ye-ram - nạn nhân của vụ xâm hại tình dục chấn động quân đội Hàn Quóc

Một số người bảo rằng sự việc này giống như một khuôn mẫu đang xảy ra tại Hàn Quốc: các nữ quân nhân lần lượt tự sát trong những năm gần đây sau khi báo cáo chuyện bị xâm hại tình dục trong quân đội. Mỗi năm, có hàng trăm báo cáo như thế xảy ra. Và trong vòng 8 năm qua, ít nhất có 4 nữ quân nhân đã tự sát, bao gồm trường hợp sĩ quan hải quân tử vong tại nhà hồi tháng 8. 

Sự ra đi đầy căm phẫn của họ đã buộc quân đội Hàn Quốc phải chấp nhận một sự cải tổ đã bị trì hoãn quá lâu. Tháng 8/2021, sự giận dữ từ công chúng vì cái chết của Lee đã khiến Quốc hội phải sửa đổi luật, trong đó yêu cầu mọi tội phạm tình dục phải được điều tra bởi cảnh sát và xét xử ở tòa án dân sự, thay vì tòa quân sự như trước đây. Động thái này nhằm làm tăng tính minh bạch và bảo vệ các nạn nhân, dù họ cho rằng bản thân quân đội mới là nơi cần có sự thay đổi.

Đoạn clip cắt ra từ hộp đen ô tô quay lại đoạn đường khi nạn nhân bị đồng nghiệp quấy rối

Lối thoát duy nhất

"Khi nạn nhân trình báo vụ việc, cả đơn vị đã tìm cách động viên, ép buộc cô phải chôn vùi câu chuyện," - Kim Jong-dae, một cựu luật sư đã nêu ra ý kiến của mình tại hội đồng quân - dân sự. 

"Nạn nhân chọn tự sát, như một lối thoát duy nhất."

Đến nay, ít nhất 15 người được xác định có liên quan đến vụ tự sát của Lee, nhưng không một ai trong số họ là sĩ quan cấp cao, hoặc bị cáo buộc tìm cách trì hoãn điều tra. Gia đình nạn nhân từ chối giảng hòa, sẽ tiếp tục đấu tranh cho đến khi bản án chính thức được đưa ra. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng nói rằng không có đủ chứng cứ. Tuần qua, vụ việc đang dần được đóng lại. 

Lối thoát duy nhất là cái chết: Những nữ quân nhân Hàn Quốc bị phân biệt, xâm hại và dồn ép đến bước đường cùng - 1
Lee không phải là trường hợp nữ quân nhân duy nhất phải tự sát sau khi bị lạm dụng

Trên thực tế, xã hội Hàn Quốc từ lâu đã có vấn đề về chuyện phân biệt giới tính, ưu tiên nam giới, nhưng phụ nữ trong lực lượng quân đội là những người được xem là chịu nhiều rủi ro nhất. Quân đội hơn 550.000 binh sĩ của Hàn Quốc được xem là nơi có thể chế trọng nam khinh nữ nặng nề nhất. Thậm chí có những cựu quân nhân còn tuyên bố họ coi phụ nữ là thứ để chơi đùa hơn là đồng đội.

Vấn nạn thu hút sự quan tâm của dư luận vào năm 2013, thời điểm một sĩ quan tự sát sau khi bị cấp trên lạm dụng. Trong số những lời trăng trối của cô có câu "Con không muốn chết", theo Kang Suk-min, luật sư cho gia đình nạn nhân. Sau cái chết của con gái, cha cô cho biết mình chỉ mong rằng Hàn Quốc sẽ "không bao giờ phải chứng kiến nữ quân nhân nào phải chết" như con gái mình. 

Thế rồi 8 năm sau, cha của Lee phải rơi vào cảnh tương tự, với một sự phẫn nộ tột cùng.

"Thứ văn hóa trọng nam trong quân đội không xem phụ nữ là đồng đội đã giết chết con gái tôi," - ông tức giận khi trả lời phỏng vấn. "Cái thứ văn hóa tẩy chay nạn nhân bị lạm dụng chứ không đả động đến thủ phạm, đã giết con tôi rồi."

Lối thoát duy nhất là cái chết: Những nữ quân nhân Hàn Quốc bị phân biệt, xâm hại và dồn ép đến bước đường cùng - 2
Cánh cổng phiên tòa xét xử Chang

Một ngày sau vụ tấn công, 2 cấp trên của Lee - một trung sĩ cấp cao và một sĩ quan - đã ngăn cô không báo cáo vụ việc cho cảnh sát quân đội. Một người thậm chí còn gợi ý cô nên "hành động như chưa có chuyện gì xảy ra" - theo báo cáo điều tra. Lee sau đó được điều chuyển đến một đơn vị khác, nơi cô bị đối xử như một kẻ hay gây rắc rối.

"Con không biết mình có chịu đựng được nữa không," - cô nói với cha, nghẹn ngào và tuyệt vọng trong thư thoại ghi lại hôm 7/5.

Quân đội đã tiến hành bắt giữ 2 cấp trên của Lee, vì đã buộc cô phải giữ im lặng. Viên trung sĩ cấp cao đã tự sát hồi tháng 7 trong lúc chịu sự quản chế của quân dội. Trong khi đó, sĩ quan còn lại thì phủ nhận mọi cáo buộc. Tướng Lee Seong-yong, tham mưu trưởng không quân đã từ chức.

Dồn ép đến cùng đường

Giai đoạn 2017 - 2020, trung bình mỗi năm có hơn 400 trường hợp lạm dụng tình dục trong quân đội được báo cáo tại Hàn Quốc, theo dữ liệu của nữ lập pháp Kwon In-sook. Chỉ 40% phải đối mặt với các cáo buộc, và có tới gần 43% được trả tự do với một án tù treo.

Nỗi lo bị lạm dụng không chỉ dừng lại ở phụ nữ. Trên thực tế, các nạn nhân bị lạm dụng mới thường là người sợ bị trừng phạt. Các nam binh sĩ đồng tính sẽ bị truy tố vì "quan hệ qua hậu môn" - một trong những tội danh trong luật quân đội. Một nữ chuyển giới từng bị cho ra quân vì đã phẫu thuật để sống đúng với bản dạng giới của mình, đã tự sát hồi tháng 3 năm nay. Việc trục xuất cô sau đó được xác định là sai luật.

Nhưng bất chấp nỗ lực của quân đội, các vụ tấn công tình dục vẫn cứ tiếp diễn.

Lối thoát duy nhất là cái chết: Những nữ quân nhân Hàn Quốc bị phân biệt, xâm hại và dồn ép đến bước đường cùng - 3
Huy hiệu không quân của Lee tại lễ tang

"Đa số các vụ bạo lực tình dục trong quân ngũ thường không được trình báo," - Lim Tae-hoon, giám đốc Trung tâm Nhân quyền Quân đội cho biết. "Hoặc bạn lên tiếng rồi từ bỏ mọi cơ hội thăng tiến trong quân ngũ, hoặc rời khỏi quân đội."

Trong một khảo sát do Bộ Quốc phòng thực hiện vào năm 2019, chỉ ít hơn 1/3 số người từng bị tấn công tình dục đứng ra trình báo. Lý do chủ yếu là vì họ có cảm giác "báo cáo cũng chẳng được gì". Dù Bộ Quốc phòng khẳng định đang tìm cách thay đổi văn hóa trong quân đội và áp dụng thêm các chính sách chống lại tội phạm tình dục, nhưng một số cựu binh sĩ chia sẻ các cấp trên là nam thường chỉ lo kiểm soát thiệt hại, thay vì cảm thấy có trách nhiệm báo cáo lại cho cấp cao hơn.

Hầu hết các vụ quấy rối thường xảy ra trong những buổi ăn uống, tiệc tùng. Năm 2014, một chỉ huy đơn vị đã phải từ chức sau khi lộ ra việc y ép nữ binh sĩ phải tham dự các buổi tiệc như vậy.

"Họ muốn các nữ binh sĩ ở đó để 'phục vụ,'" - Bang Hye-rin, cựu sĩ quan hải quân và hiện đang trong hội đồng tư vấn cho các nạn nhân bị xâm hại tại Trung tâm Nhân quyền Quân đội. "Dù có không muốn làm, bạn cũng phải nén lòng tự tôn mà tham gia, vì họ có đủ quyền lực để khiến bạn không bao giờ thăng tiến được nữa."

Lối thoát duy nhất là cái chết: Những nữ quân nhân Hàn Quốc bị phân biệt, xâm hại và dồn ép đến bước đường cùng - 4
Phụ nữ trong quân đội thường bị đối xử như "những quân nhân hạng 2"

Bang nhận định, phụ nữ trong quân đội Hàn Quốc thường bị đối xử như "những quân nhân hạng 2" bởi đồng đội và cấp trên là nam giới. "Họ không xem quấy rối tình dục là một tội danh nghiêm trọng, cho rằng đó là chuyện bình thường sẽ xảy ra khi đàn ông và phụ nữ uống rượu cùng nhau."

Trong bản kiến nghị gửi lên Quốc hội năm 2020, một đại úy không quân viết lên những dòng đầy cay đắng khi bị một đại tá thúc ép dự tiệc trước đó 1 năm, và bị tấn công tình dục bởi một người bạn của y. 

"Họ hứa rằng Hàn Quốc là nơi phụ nữ được tôn trọng và có cơ hội một cách công bằng, chứ không phải nơi chúng tôi phải tự sát vì thất vọng và kiệt quệ," - trích trong lá đơn của cô. "Việc bị bắt dự tiệc rượu và bị đối xử như một món đồ chơi tình dịch không phải là nghĩa vụ của một quân nhân, đúng không?"

Sự thay đổi muộn màng

Trong mắt của cha, Lee là cô con gái đầy nhiệt huyết và tận tâm. Cô đã muốn nhập ngũ từ sớm, cùng với bao cô gái khác chấp nhận vào một trường trung học do lực lượng không quân tài trợ. Cô bắt đầu phụng sự quân đội từ năm 2017, phát triển đầy thăng hoa cho đến khi bị lạm dụng và phải sống phụ thuộc vào thuốc ngủ.

"Con gái tôi thà tự tử, thay vì cam chịu sự ép buộc của chúng," - ông nói, trong lúc nhìn vào tấm ảnh thờ của con. "Con bé chọn bảo vệ kỷ cương thông qua cái chết."

Lối thoát duy nhất là cái chết: Những nữ quân nhân Hàn Quốc bị phân biệt, xâm hại và dồn ép đến bước đường cùng - 5
Cha của Lee bên di ảnh của con gái

Báo cáo điều tra ban đầu về cái chết của Lee xác định rằng cô là nạn nhân bị xâm hại, đồng thời dẫn lời cha mẹ về việc cô bị ép buộc không tố cáo hung thủ. Nhưng bản báo cáo sau đó đã bị sửa đổi trước khi gửi lên Bộ Quốc phòng, chỉ 2 ngày sau cái chết của cô. 2 sĩ quan không quân cũng đã bị buộc tội làm giả báo cáo để khiến vụ việc của Lee lắng xuống.

Lối thoát duy nhất là cái chết: Những nữ quân nhân Hàn Quốc bị phân biệt, xâm hại và dồn ép đến bước đường cùng - 6

Phải đến ngày 31/5 - thời điểm truyền thông rầm rộ về câu chuyện của Lee, quân đội mới tiến hành thẩm vấn Chang lần đầu tiên. Cuộc điều tra còn phát hiện được Lee thực chất còn bị lạm dụng bởi 2 cấp trên khác trong thời gian phục vụ quân ngũ.

Trong phiên tòa hồi tháng 8, Chang đã nói lời xin lỗi gia đình nạn nhân. Bên nguyên đơn đề nghị tòa án mức phạt 15 năm tù giam. Trong phiên tòa mới đây, cha của Lee đã lao về phía Chang với một thái độ phẫn nộ tột cùng. Ông chửi rủa, ném chai nước vào y, cho đến khi y được cảnh sát quân đội đưa đi.

Bởi mọi chuyện đã muộn. Con gái ông đã mất thật rồi.

Theo J.D (Pháp Luật & Bạn Đọc)

Nổi bật