Theo Daily Star, phát hiện gần đây nhất là mộ cổ 4.400 năm, có một không hai, chứa xác ướp một mục sư ở khu phức hợp kim tự tháp Saqqara, gần Cairo, Ai Cập.
Trước đây, có nhiều cái chết liên quan đến việc phát hiện hầm mộ Pharaoh Tutankhamun năm 1922. George Carnarvon, một trong những người có mặt trong khi đó, là người đầu tiên chết vì nhiễm trùng máu do bị muỗi cắn vào năm 1923
Vài tháng sau, người anh em của Carnavon, Aubrey Herbert cũng qua đời vì lý do tương tự. Cả những người không hề đặt chân vào khu mộ, nhưng sở hữu các hiện vật cũng gặp tai họa.
Một người tên Bruce Ingham sở hữu vòng tay lấy từ trong kim tự tháp, với dòng chữ: “Nguyền rủa những người can thiệp vào cơ thể ta và lấy đồ vật để làm trang sức”.
Nhà của Ingham bị sập hoàn toàn vài tháng sau đó vì động đất. Sau khi được xây lại, nó lại bị lũ lụt phá hủy.
Năm 1924, một người tham gia giám định xác ướp chết bí ẩn không rõ nguyên nhân. Hoàng tử Ai Cập Ali Kamel Fahmy Bey, bị vợ bắn chết ở London, sau khi chụp bức ảnh hầm mộ.
Và còn rất nhiều người khác được cho là bị “xác ướp Ai Cập nguyền rủa”.
Tiến sĩ Penny Wilson, một nhà khảo cổ và chuyên gia nghiên cứu ở Đại học Durham, cho rằng người Ai Cập cổ xưa đã tính đến chuyện ngăn những người sau này vào trộm mộ.
Wilson nói: “Người Ai Cập cổ dĩ nhiên không muốn có ai xâm phạm vào hầm mộ xác ướp, nên họ đã dùng nhiều cách từ phức tạp đến cơ bản để giăng bẫy, khóa chặt hầm mộ”.
Vi khuẩn được cho là được đưa vào xác ướp vào đóng kín, dẫn đến việc nhiều người tham gia khai quật chết vì nhiễm trùng máu. Nhưng Wilson cho rằng, điều này cũng có thể phản ánh môi trường tồi tệ của các nô lệ Ai Cập khi xây kim tự tháp.
Giáo sư Aidan Dodson đến từ Đại học Bristol từ cho rằng những “lời nguyền” viết bên trong hầm mộ giống như một nghi thức, chứ không hẳn là nhằm cảnh báo những kẻ trộm mộ hoặc người lạ đặt chân vào khu mộ.
Những chất hóa học, vi khuẩn nếu có trong hầm mộ cũng chỉ là tình cờ, chứ không phải là được sắp đặt có chủ đích, ông Dodson nói.
Theo Đăng Nguyễn (Dân Việt)