Kỷ vật quý giá của cựu binh Jim Reishcl trong hành trình tìm kiếm bạn gái xa cách 45 năm chỉ là vài tấm ảnh cũ và cái tên không chính xác, nhưng họ đã được đoàn tụ đầy bất ngờ.
Bà ấy vào phòng tôi vì muốn tâm sự với tôi
|
“Cô ấy là mối tình đầu của tôi. Tôi sinh ra và lớn lên ở một thị trấn nhỏ tại bang Minnesota, chưa từng quen với cô gái nào, mãi cho đến khi nhận lệnh điều động sang chiến trường Việt Nam”, ông Jim kể trong cuộc gặp với phóng viên Zing.vn.
Jim là con trai thứ 10 trong gia đình có 12 người con. Ông gia nhập Không quân Mỹ sau khi tốt nghiệp một trường kỹ thuật vào năm 1966. Mùa hè năm 1969, trung sĩ Jim Reischl đến nhận nhiệm vụ tại căn cứ ở sân bay Tân Sơn Nhất. Lúc này ông 21 tuổi. Công việc của Jim khi đó là xử lý thông tin tại trung tâm, và ông không rời khỏi căn cứ trong 3 tháng đầu tiên.
Mối tình đầu
Sau một thời gian, Jim mới quyết định đi cùng bạn bè vào các quán bar ở trung tâm Sài Gòn mỗi tối. Tại đây, Jim đặc biệt chú ý đến một cô gái xinh đẹp, tóc dài chấm lưng tên Kim Hoa. “Cô ấy hoàn toàn khác biệt với những cô gái xung quanh. Phần lớn các cô tiếp viên ở quán đều vồn vã với khách, riêng Hoa thì khá ít nói và lặng lẽ. Điều này có lẽ cũng giống một phần tính cách của tôi, nên tôi nhanh chóng bị cuốn hút vào cô ấy”, ông Jim nói.
Sự e dè của Hoa là vì cô đang tập làm quen với môi trường mới. 17 tuổi, Hoa nghe theo người quen, rời quê ở đồng bằng sông Cửu Long lên Sài Gòn tìm việc. Tiếng Anh của cô rất hạn chế, trong khi ông Jim tự nhận rằng bản thân không phải là một người cuốn hút phụ nữ. Tuy nhiên, hai người nhanh chóng nảy sinh tình cảm và phát triển mối quan hệ. Được một thời gian, Jim quyết định thuê căn phòng ở gần quán bar để ở chung với Hoa. “Hoa là cô gái đầu tiên mà tôi chung sống. Cô ấy rất tử tế và đối đãi với tôi rất tốt”, ông Jim nhớ lại.
|
Kim Hoa, bạn gái của Jim Reischl trong những ngày ông tham gia chiến tranh ở Việt Nam. Ảnh: NVCC |
Đến tháng 4/1970, thời hạn nhiệm vụ của Jim tại Việt Nam sắp kết thúc. Lúc này, ông nói với Hoa rằng “tôi sắp rời đi”. Khoảng một tuần sau, Hoa thông báo với Jim một tin khiến ông vô cùng bất ngờ: Hoa đã có thai.
“Khi Hoa nói rằng cô ấy mang thai, cảm giác đầu tiên của tôi là sợ hãi. Tôi không biết phải làm gì. Có thể Hoa nói như vậy vì muốn buộc tôi phải đưa cô cùng về Mỹ. Chuyện này giống với điều mà quân đội luôn cảnh báo, rằng chúng tôi phải thận trọng khi tiếp xúc với những người phụ nữ trong thành phố. Lúc đó, tôi khá sợ hãi và không biết phải làm gì”, ông Jim kể.
Đối với Jim, suy nghĩ lớn nhất khi đó là được trở về nhà. Ông thà phục vụ 4 năm trong quân đội hơn là phải trải qua cuộc sống trong các khu rừng ở Việt Nam. “Đất nước này hoàn toàn xa lạ đối với tôi”.
Ngày Jim chia tay Kim Hoa, ông nói với cô rằng “Tôi sẽ trở về nhà”. Khi đó, Hoa dường như chưa hiểu hết ý nghĩa lời nói của người bạn trai. “Có lẽ cô ấy nghĩ rằng tôi sẽ đi vắng một thời gian dài, nhưng sự thật là tôi không bao giờ quay trở lại nữa. Khi đó tôi còn quá trẻ, tôi chỉ mới 22 tuổi và đã không thực hiện đúng trách nhiệm mà lẽ ra tôi phải hoàn thành”, ông Jim nói.
Bức hình cuối cùng mà Jim chụp Hoa là khi ông ngồi trên taxi để rời căn hộ ra sân bay. Hoa đứng tựa ngoài ban công, ánh mắt nhìn về hướng chiếc xe chở bạn trai đi xa dần.
|
Kim Hoa (mặc đồ xanh) đứng nhìn xe chở ông Jim ra căn cứ. Đây là tấm hình cuối cùng mà Jim chụp bạn gái trước khi trở về Mỹ. Ảnh: NVCC |
Hối hận
Sau khi xuất ngũ và trở về nhà, Jim viết thư cho Hoa, gửi đến địa chỉ mà cô đã ghi cho ông. Tuy nhiên, nhiều bức thư gửi đi mà không một lời hồi đáp. Một thời gian sau, Jim cho rằng địa chỉ này sai hoặc không tồn tại.
Vài năm sau, ông lập gia đình và làm việc trong một cơ quan nhà nước, với chuyên môn là kỹ thuật viên bản đồ. Tuy nhiên, cuộc sống hôn nhân của ông không suôn sẻ. Sau ly hôn, Jim nghĩ đến việc tìm lại Kim Hoa từ năm 2005.
Khi đã tìm hiểu nhiều nguồn thông tin, thu xếp được tài chính, Jim quyết định bắt đầu hành trình tìm kiếm người bạn gái năm xưa. Đầu năm 2012, ông đáp máy bay đến Sài Gòn, cũng là lần trở lại Việt Nam đầu tiên sau hơn 40 năm.
Tuy nhiên, trong tay ông khi đó chỉ là những thông tin rất mơ hồ và một số tấm ảnh cũ. Các đầu mối mà ông có thể nhớ đều bế tắc. Ông đăng tin tìm người trên một số tờ báo địa phương nhưng mãi không có kết quả.
Sau này, mỗi năm Jim đều đặn đến Việt Nam để tìm kiếm Kim Hoa, có khi 10 ngày, có khi cả tháng. Jim nói với phóng viên Zing.vn rằng, ông cũng không rõ động lực nào khiến bản thân kiên trì đeo đuổi cuộc tìm kiếm người bạn gái cũ dù trong tay không có nhiều điều để hy vọng. “Tôi thực sự không kỳ vọng mà chỉ cố gắng hết sức, thử mọi biện pháp khác nhau. Thỉnh thoảng tôi buồn bã khi không đạt kết quả. Nhưng trong thâm tâm, tôi cần sự xác nhận của Hoa rằng lời nói năm xưa có đúng không, hay chỉ nhằm lợi dụng tôi như quân đội từng cảnh báo”.
Khoảnh khắc mà Jim mong mỏi diễn ra vào mùa thu năm 2015, khi ông lần đầu được gặp lại Kim Hoa, cũng như biết rằng hai người thực sự có chung đứa con gái.
Đoàn tụ
Tháng 9/2015, bà Nguyễn Thị Hạnh (tên thật của Kim Hoa), 64 tuổi, ngồi chăm sóc chồng bệnh nặng trong ngôi nhà ở một huyện tại tỉnh An Giang. Trong lúc tình cờ xem một bài báo về những đứa trẻ bị bỏ rơi trong chiến tranh, bà ngạc nhiên khi nhìn thấy ảnh hồi trẻ bên cạnh một lính Mỹ. Đó chính là ông Reishcl.
Bà Hạnh đã gửi thư cho phóng viên của tờ báo. Họ giúp bà liên lạc với ông Jim. Nhận được email, Jim vui mừng nhưng cũng thận trọng nhờ một người bạn ở Việt Nam đến gặp người phụ nữ để xác minh. Hai ông bà đã trao đổi với nhau qua Skype. Đó cũng là lần đầu tiên gặp mặt của họ sau 45 năm.
“Chúng tôi nói chuyện với nhau thông qua sự phiên dịch của người bạn. Câu đầu tiên của bà ấy là ‘Ông có khỏe không?’. Cuối cùng tôi đã được nhìn thấy và trò chuyện lại với Hạnh”, ông Jim kể.
Ông Jim mở cho Hạnh xem những tấm hình cũ mà ông chụp khi còn ở Việt Nam. Khi xem đến một tấm hình chụp Hạnh và người bạn đang nằm trên giường và đọc sách, bà nhận ra mình nằm ngoài cùng, còn người bạn nằm bên trong. “Đây là tấm hình rất riêng tư mà tôi chưa từng chia sẻ với ai, nhưng bà ấy nhận ra ngay lập tức. Không còn nghi ngờ gì nữa, đây chính là phụ nữ năm xưa của tôi”, Jim nói.
|
Tấm hình bằng chứng quan trọng giúp ông Jim khẳng định, người phụ nữ đang trò chuyện qua Skype chính là bạn gái năm xưa. Ảnh: NVCC |
Cuộc đoàn tụ thực sự diễn ra vào những ngày đầu năm 2016 tại quê nhà của bà Hạnh. “Khi mở cửa phòng khách sạn để đón Hạnh, câu nói đầu tiên của tôi với Hoa là ‘Tôi hạnh phúc được gặp lại em sau ngần ấy năm’. Khi đó, tôi luôn cố gắng nhớ cần phải nói những gì, nhưng những từ này tự động nảy ra trong đầu”.
Bà Hạnh không cầm được nước mắt trong buổi gặp lại mặt người xưa sau hơn 45 năm. Jim lại ngồi gần và an ủi người phụ nữ. Ông Jim thừa nhận, cuộc gặp bất ngờ này khó khăn hơn ông tưởng, với những cảm xúc lẫn lộn trong lòng. “Tôi không chắc rằng mình nên nói điều gì. Đó thực sự là khoảnh khắc đáng sợ, vì tôi không biết phải phản ứng như thế nào. Hơn 45 năm đã trôi qua”.
“Hạnh nói đã từng rất căm giận khi tôi không quay lại. Tôi giải thích rằng đó đúng là lỗi của tôi. Năm xưa tôi quá ngốc nghếch và không biết hành xử như thế nào. Tôi vô cùng hối hận”, ông kể.
|
Ông Jim và bà Hạnh gặp lại nhau vào những ngày đầu tháng 1/2016 sau hơn 45 năm xa cách. Ảnh: NVCC |
Hiện tại, ông Jim và bà Hạnh vẫn nói chuyện với nhau mỗi ngày, qua tin nhắn Zalo hoặc trò chuyện video qua Skype. Bà Hạnh có con gái đang sống ở TP HCM, bà ở với con trai và chăm sóc chồng. “Cậu con trai tỏ ra chấp nhận tôi. Đó cũng là điều an ủi phần nào đối với tôi”, Jim tâm sự.
Hành trình tìm kiếm mới
Trong lần gặp mặt, ông Jim được xác nhận rằng, ông với bà Hạnh đã có chung một người con gái đang thất lạc. Bà kể với Jim rằng, sau khi ông không còn quay lại, bà buộc phải về quê một người bạn ở Vĩnh Long vì không dám để gia đình biết chuyện mang thai. Con gái của họ chào đời vào giữa tháng 12/1970. Người mẹ đặt tên con là Nguyên Thủy, hay “giọt nước mắt đầu tiên”, vì bà sinh con trong hoàn cảnh cô đơn xung quanh không người thân thích.
Tuy nhiên, vài ngày sau, người bạn gợi ý với Hạnh nên gửi bé gái đến một cô nhi viện. Cô ta dọa rằng, đứa bé là con lai với lính Mỹ, Hạnh có thể gặp rắc rối nếu giữ con lại bên mình. Do vậy, gửi con vào trại mồ côi là cách tốt nhất, các nữ nhân viên cũng sẽ chăm sóc tốt cho cô bé.
Tin lời người bạn, Hạnh đã để cô ta bồng con đi. Nhưng cô cũng không bao giờ trở về. Khi Hạnh tìm đến trại mồ côi, nhân viên nói rằng họ không gặp ai như cô mô tả. “Lúc ấy Hạnh chỉ khoảng 19 tuổi nên không thể lường trước những chuyện có thể xảy ra”, ông Jim kể.
Khi đã hoàn thành hành trình 10 năm tìm kiếm người bạn gái cũ, ông Jim quyết định tìm lại người con gái thất lạc. Ông và bà Hạnh đã cùng xuống Vĩnh Long, lần theo các đầu mối nhưng không hiệu quả.
Do con đầu lòng là con lai, ông Jim phỏng đoán có thể con đã được đưa tới Mỹ, Canada, hoặc Australia. Vì vậy, Jim đã mua một bộ xét nghiệm ADN, lấy mẫu của cả hai người và gửi đến một trung tâm dữ liệu ADN chuyên khớp nối thông tin của những trẻ lai Mỹ - Á với bố ruột.
Jim thừa nhận, cuộc đoàn tụ sau nhiều thập kỷ xa cách sẽ không thể trọn vẹn nếu họ chưa tìm thấy con gái. “Hạnh nói với tôi rằng bà ấy vẫn chưa thể tha thứ hoàn toàn cho tôi. Nhưng điều bà ấy mong nhất hiện nay là tìm được con. Đó cũng là quyết tâm của tôi”.
>> Cuộc hội ngộ của cựu binh Mỹ và người yêu Việt sau 45 năm
Theo Minh Anh - Trương Khởi (Zing.vn)