Bức ảnh nhanh chóng lan truyền trên mạng, làm dấy lên nghi ngờ gian lận bầu cử. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng chia sẻ một thông điệp kèm theo bức ảnh, viết thêm rằng "Điều này là sao?"
Trên thực tế, theo New York Times, ông Biden không nhận được số phiếu bầu kể trên. Số liệu từ một khu vực nhỏ ở Michigan được nhập vào dữ liệu của bang đã có nhầm lần do lỗi đánh máy và được sửa sau 30 phút.
"Một số 0 thừa đã được gõ vào, mọi chuyện chỉ có vậy," Abigail Bowen, quan chúc bầu cử tại khu vực Shiawassee ở Michigan nói.
"Chúng tôi đã phát hiện ra sai sót rất nhanh. Đó là lý do chúng tôi có hệ thống kiểm tra," bà cho biết thêm.
Khi gửi kết quả kiếm phiếu không chính thức của hạt lên cho các quan chức Michigan sáng sớm 04/11, nhóm kiểm phiếu đã nhầm lẫn số phiếu bầu cho ông Biden là 153.710, trong khi thực tế chỉ là 15.371. Khoảng 20 phút sau, quan chức của bang đã gọi điện cho bà Bowen để hỏi xem liệu có sai sót không, do hạt Shiawassee có dân số chỉ khoảng 70.000 người. Bà Bowen đã sửa lại số liệu và sau đó dữ liệu cũng được cập nhật.
"Những con số kể trên là không chính thức, do đó kể cả trong trường hợp không được phát hiện trong đêm qua, sai sót cũng sẽ được phát hiện trước khi chúng tôi gửi kết quả chính thức," bà Bowen cho hay.
"Tại khu vực Shiawassee, tôi thấy cuộc bầu cử diễn ra rất tốt đẹp," bà nói thêm.
Tuy vậy trên mạng xã hội, hình ảnh chụp dữ liệu sai sót được lan truyền như một dấu hiệu gian lận bầu cử. Các bài đăng liên quan tới việc ông Biden bất ngờ nhận số phiếu lớn tại Michigan được chia sẻ hơn 100.000 lần và xuất hiện trên một số trang tin.
Matt Mackowiak, một cố vấn của đảng Cộng Hòa tại Texas, đăng ảnh chụp màn hình nói trên trên Twitter và sau đó được ông Trump chia sẻ. Twitter sau đó đã dán nhãn bài đăng của ông Mackowiak là gây tranh cãi hoặc gây hiểu nhầm, đồng thời giới hạn người dùng đăng lại.
Trong một cuộc phỏng vấn, Mackowiak thừa nhận sau khi đăng ảnh, ông thấy một số bài đăng trên Twitter cho rằng đó có thể là lỗi đánh máy.
Ông đã xóa thông điệp ban đầu, đăng cải chính: "Tôi rõ ràng không có ý coi lỗi đánh máy là gian lận. Ban đầu tôi không nghĩ tới việc đó có thể là lỗi đánh máy, nhưng tất nhiên chúng ta đều đã rất thiếu ngủ".
Tuy vậy, bài đăng đính chính của ông không được chia sẻ nhiều như thông điệp gây hiểu nhầm ban đầu. Mackowiak nói ông muốn Twitter giúp tất cả mọi người đọc bài đăng cải chính của ông, tuy vậy mạng xã hội này không thể làm vậy.
Bản thân ông cũng thừa nhận không có dấu hiệu gian lận bầu cử.
"Tôi chưa thấy nhiều lý do để nghi ngờ tính toàn vẹn của cuộc bầu cử năm nay," ông cho biết.
Đan Anh (Nguoiduatin.vn)