Vài ngày sau khi Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, Barack Obama lên đường thực hiện chuyến công du cuối cùng trên cương vị là người đứng đầu Nhà Trắng.
Chuyến đi này đưa ông tới Hy Lạp, Đức và cuối cùng là Peru, nơi ông dự hội nghị thượng đỉnh APEC 2016. Trong suốt hành trình, nhiều lãnh đạo thế giới đã chào đón Obama và không ngừng hỏi về Trump, người sẽ sớm nhậm chức để kế nhiệm ông.
Cảnh tượng đó lặp lại ở Lima, thủ đô Peru, nơi "Obama bị hết lãnh đạo này đến lãnh đạo khác kéo qua một bên để hỏi xem họ nên kỳ vọng gì từ Donald Trump", cựu phó cố vấn an ninh quốc gia Ben Rhodes viết trong hồi ký có tựa đề "The world as it is" (tạm dịch: Thế giới như nó vẫn vậy) kể về thời kỳ làm việc trong Nhà Trắng của ông, theo Business Insider.
Obama không ngừng khuyên họ nên cho chính quyền Trump một cơ hội, nói với họ rằng hãy "chờ và xem", Rhodes kể lại.
Cũng trong hội nghị này, Obama có cơ hội ngồi lại thảo luận cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hai người từng gặp nhau hai năm trước ở Trung Quốc, khi Obama thuyết phục ông Tập hợp tác để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, giúp Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký kết thuận lợi.
Trong cuộc gặp bên lề APEC tại Lima, Tập Cận Bình bất ngờ tuyên bố với Obama rằng Trung Quốc cam kết thực thi Hiệp định Paris ngay cả khi chính quyền Trump từ bỏ thỏa thuận này.
Obama cho rằng đây là một quyết định khôn ngoan và khẳng định Trung Quốc có thể thấy "các bang, thành phố và lĩnh vực tư nhân" ở Mỹ sẽ tiếp tục đầu tư vào hiệp định này, dù chính quyền liên bang rút khỏi nó.
Đến cuối cuộc gặp, Tập Cận Bình hỏi Obama về người sắp nắm quyền ở Nhà Trắng. Obama lặp lại lời khuyên "chờ và xem", nhưng nói thêm rằng Trump đã lôi kéo được các cử tri Mỹ nhờ những mối lo ngại thật sự về quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
"Tập Cận Bình là người to lớn, di chuyển một cách chậm rãi và thong thả, như thể ông ấy muốn mọi người chú ý đến từng cử chỉ của mình", Rhodes viết. "Nhưng khi ngồi trò chuyện với Obama, ông ấy dẹp bỏ những ngôn từ thường dùng của một lãnh đạo Trung Quốc".
"Chúng tôi muốn có quan hệ tốt với Mỹ", Chủ tịch Trung Quốc tuyên bố, hai tay khoanh trước ngực, theo lời kể của Rhodes. "Đó là điều tốt đẹp cho thế giới. Nhưng bất cứ hành động nào cũng đều có phản ứng. Nếu một lãnh đạo non kinh nghiệm đẩy thế giới vào hỗn loạn, cả thế giới sẽ biết phải đổ lỗi cho ai".
Rhodes không giải thích ông Tập ám chỉ ai trong lời cảnh báo này, nhưng vài tháng sau khi Trump nhậm chức, nước Mỹ bắt đầu trải qua thời kỳ sóng gió trong quan hệ với thế giới, trong đó Trung Quốc không phải là ngoại lệ.
Nửa mừng nửa lo
Trong giai đoạn tranh cử, Trump đã nhiều lần chỉ trích Trung Quốc, cho rằng nước này "cưỡng bức nền kinh tế Mỹ" và đe dọa sẽ thực hiện chính sách cứng rắn hơn với Bắc Kinh. Tuy nhiên, sau khi lên nắm quyền, Trump lại nhiều lần ca ngợi Tập Cận Bình, gọi ông là "người rất đặc biệt" trong chuyến thăm tới Bắc Kinh vào tháng 11 năm ngoái.
Nhưng quan hệ Mỹ - Trung đột nhiên trở nên căng thẳng trong vài tháng qua, khi Trump lên án chính sách kinh tế của Bắc Kinh khiến thâm hụt thương mại song phương không ngừng gia tăng. Trump nổ phát súng mở đầu cho cuộc tranh chấp thương mại với Trung Quốc khi tuyên bố áp thuế nhiều mặt hàng trị giá hàng chục tỷ USD nhập khẩu từ nước này.
Trung Quốc nhanh chóng tung ra những đòn áp thuế trả đũa tương tự, khẳng định nước này sẽ "làm bất cứ điều gì cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp".
Bắc Kinh từng tin rằng các tổng thống Mỹ sẽ không dám mạnh tay với nước này trong vấn đề thương mại do lo ngại nguy cơ gây khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Những đòn giáng thương mại của Trump đã khiến giới lãnh đạo Trung Quốc phải thay đổi quan điểm, theo cựu thủ tướng Australia Kevin Rudd.
Phát biểu trong một hội nghị an ninh ở New York tháng trước, Rudd cho rằng cách hành xử khó lường của Trump khiến các lãnh đạo Bắc Kinh đứng ngồi không yên. "Trung Quốc thích những chiến lược dễ đoán, chứ không phải sự khó lường. Họ rất không yên tâm về Tổng thống Mỹ", Rudd nói.
Dù lo ngại về quan hệ thương mại với Mỹ dưới thời Trump, Trung Quốc dường như lại vui mừng khi chứng kiến Washington ngày càng giảm bớt ảnh hưởng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trump liên tiếp rút Mỹ khỏi các thỏa thuận quốc tế như Hiệp định Paris hay TPP, thực thi chính sách "Nước Mỹ trên hết", khiến các đồng minh, đối tác nghi ngờ Washington đang thực sự rút chân khỏi khu vực.
Theo Rudd, Trung Quốc coi việc Mỹ giảm bớt vai trò và ảnh hưởng truyền thống của mình với châu Á – Thái Bình Dương như một "cơ hội chiến lược lớn".
"Họ nhìn thấy những khoảng trống mở ra trên khắp thế giới, thông qua sự thiếu vắng chính sách đối ngoại hiệu quả của Mỹ. Họ nhìn ra những rạn nứt trong quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh truyền thống ở châu Á và châu Âu liên quan đến nhiều vấn đề", Rudd cho hay. "Thế nên Trung Quốc coi đây là cơ hội, không phải để khai thác điểm yếu của Mỹ, mà chỉ đơn giản là lấp chỗ trống".
Theo giới phân tích, lời cảnh báo Tập Cận Bình đưa ra trong cuộc trò chuyện với Obama ở Lima cho thấy Trung Quốc đã có nhiều dự liệu về quan hệ tương lai với Mỹ dưới thời Trump. "Về mặt chiến lược, họ mừng với chính sách của Trump, nhưng lại lo sợ về mặt chiến thuật", Rudd nhận định. "Họ sợ vì họ thực sự không biết Trump sẽ nhảy vào chỗ nào".
Theo Thành Nguyễn (VnExpress.net)