Trung Quốc đang phát triển mẫu tiêm kích hạm mới cho tàu sân bay nhằm thay thế J-15 sau một loạt sự cố kỹ thuật và tai nạn, cũng như phục vụ tham vọng xây dựng hải quân biển xanh hoạt động toàn cầu, SCMP ngày 4/7 đưa tin.
Tiêm kích J-15 được chế tạo dựa trên mẫu Su-33 ra đời từ cách đây 30 năm của Nga. Với trọng tải cất cánh tối đa 33 tấn, đây là tiêm kích hạm nặng nhất của tàu sân bay trên thế giới, được vận hành trên tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc.
Chuyên gia quân sự Li Jie cho rằng nhu cầu phát triển tiêm kích mới diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc dự kiến chế tạo ít nhất 4 tàu sân bay để thực hiện tham vọng hải quân toàn cầu và bảo vệ các lợi ích ngày càng tăng ở nước ngoài.
"Để tăng cường sức chiến đấu cho các nhóm tác chiến tàu sân bay, Trung Quốc cần phát triển một mẫu tiêm kích hạm mới. Tiêm kích tàng hình FC-31 có thể là một lựa chọn thay thế J-15", Li khẳng định.
Trung tướng Zhang Honghe, phó tư lệnh không quân Trung Quốc, cũng thừa nhận mẫu tiêm kích hạm thay thế J-15 đang được phát triển.
Theo giới quan sát, việc Trung Quốc phát triển tiêm kích mới còn bắt nguồn từ ít nhất 4 vụ tai nạn liên quan đến tiêm kích J-15 trong thời gian qua, khiến một phi công thiệt mạng và nhiều người bị thương, nhưng chỉ có hai vụ được công bố trên truyền thông.
"J-15 bộc lộ nhiều vấn đề, trong đó hệ thống kiểm soát bay không ổn định là yếu tố chính dẫn đến hai vụ tai nạn nghiêm trọng cách đây hai năm", một nguồn tin tiết lộ.
Tháng 4/2016, phi công Zhang Chao, 29 tuổi, tử vong sau khi cố gắng cứu một chiếc J-15 bị hỏng cần điều khiến trong buổi tập hạ cánh trên tàu sân bay nhưng bất thành. Ba tuần sau, phi công Cao Xianjian bị thương nghiêm trọng khi gặp phải vấn đề tương tự với chiến đấu cơ J-15 khác.
Những vụ tai nạn trên khiến hải quân và không quân Trung Quốc lo ngại đến mức cấm bay mọi phi đội J-15 trong ba tháng, đồng thời kêu gọi tiến hành điều tra.
"Các chuyên gia hàng không ban đầu không thừa nhận lỗi thiết kế trên J-15 cho đến khi phi công thứ hai gặp vấn đề tương tự", nguồn tin tiết lộ.
Nhiều tiêm kích do Trung Quốc tự phát triển gặp vấn đề ở động cơ, lỗi thiết kế và sự cố ở quá trình cải tiến. Thay vì bay thử nghiệm thêm, các phi công bị buộc phải lái chiến đấu cơ còn nhiều lỗi.
Dù có thể phóng ghế thoát hiểm khi gặp lỗi kỹ thuật, nhiều phi công được yêu cầu cứu máy bay bằng mọi giá, dẫn đến thiệt hại lớn về người, một cựu binh không quân Trung Quốc cho biết. "Máy bay có thể sửa chữa được sau tai nạn, nhưng phi công thì không thể thay thế", người này nói.
Theo Duy Sơn (VnExpress.net)