|
Ba nghi phạm bình thản đẩy xe chở khối thuốc nổ vào sảnh sân bay Brussels. Ảnh: Reuters |
"Bình tĩnh, vô cảm" là những từ mà các nhân chứng sống sót sau vụ thảm sát kinh hoàng ở Paris hồi năm ngoái mô tả về những tay súng đánh bom tự sát của IS. Bên trong nhà hát Bataclan, dù bị cảnh sát đặc nhiệm Pháp vây kín, những tên này vẫn không hề tỏ ra sợ hãi, sẵn sàng kích nổ bom gắn trên người khi lực lượng đột kích xông vào. Theo các nhân chứng, khi bấm nút kích nổ quả bom, gương mặt của những kẻ khủng bố không hề biến sắc.
Báo chí Pháp cho rằng những kẻ khủng bố sở dĩ trở nên vô hồn, trơ lỳ trước cái chết như vậy là bởi chúng đã sử dụng một loại ma túy gần như chỉ lưu hành ở Trung Đông và rất được phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ưa chuộng nhằm biến các tay súng của mình thành những kẻ sát nhân máu lạnh.
Đó là Captagon, hay còn gọi là "thuốc jihad", một loại ma túy amphetamine tổng hợp có thể giúp những kẻ sử dụng không còn cảm thấy đau đớn, sợ hãi hay đói khát, khiến chúng luôn tỉnh táo, điềm tĩnh và cảnh giác cao độ trong thời gian dài. Với những đặc điểm đó, Captagon được IS sử dụng ngày càng phổ biến trong những vụ đánh bom tự sát ở Syria, Iraq, và sau này là Pháp, Bỉ.
Khi cảnh sát Pháp đột kích một phòng khách sạn ở Alfortville, đông nam thủ đô Paris, sau vụ khủng bố kinh hoàng, họ phát hiện nhiều xy lanh, kim tiêm và dây truyền nhựa. Đây là một trong hai căn phòng mà Salah Abdeslam, nghi phạm chính của vụ khủng bố vừa bị cảnh sát Bỉ bắt giữ, đã thuê để cho cả nhóm trú ngụ trong vài ngày trước khi thực hiện vụ tấn công.
Nhiều tờ báo của Pháp cho rằng có nhiều bằng chứng cho thấy những kẻ tấn công Paris đã sử dụng Captagon để lên dây cót tinh thần cho mình vài giờ trước khi tỏa ra nhiều địa điểm ở thủ đô nước Pháp để thực hiện những vụ xả súng, đánh bom tự sát.
Các nhân chứng khẳng định những kẻ tấn công này có vẻ ngoài như "xác sống", một biểu hiện của tình trạng phê ma túy. "Tôi thấy một kẻ cầm súng có phong thái rất điềm tĩnh, bình thản, với khuôn mặt gần như vô cảm, tiến tới quầy bar. Hắn ta bắn vãi đạn vào trong đó, như thể người ta đang dùng máy để cắt cỏ", một nhân chứng kể với đài truyền hình M6 của Pháp.
Biến tướng
Theo các chuyên gia y tế, Captagon được sản xuất ở các nước phương Tây từ thập niên 1960 để điều trị các triệu chứng như trầm cảm hoặc tăng động. Tuy nhiên, sau một thời gian, hầu hết các nước đều cấm sử dụng loại thuốc này vì bản chất gây nghiện của nó. Thuốc này có chứa chất fenethylline, khi vào cơ thể được gan phân giải thành amphetamine và theophylline, theo các mạch máu lên não và đóng vai trò như chất kích thích.
Giờ đây, loại biệt dược nguy hiểm này tái xuất ở Trung Đông, đặc biệt là Syria, nơi việc sản xuất và sử dụng Captagon nở rộ kể từ khi đất nước này chìm vào cuộc nội chiến đẫm máu. Các chuyên gia về ma túy, thương nhân và nhà hoạt động địa phương cho hay lượng thuốc Captagon sản xuất ở Syria đã tăng đột biến từ năm 2013, vượt qua các nước khác trong khu vực như Lebanon, theo Reuters.
Captagon được sản xuất và sử dụng ngày càng rộng rãi trên chiến trường Syria. Ảnh: Reuters |
Các nguồn tin cho hay hoạt động sản xuất thuốc Captagon đã tạo ra nguồn lợi nhuận hàng trăm triệu USD ở Syria mỗi năm, và phần lớn số tiền này được dùng để mua vũ khí. Khabib Ammar, một nhà hoạt động ở Damascus, cho biết những tay súng Syria nổi dậy đã dùng số tiền kiếm được từ hoạt động buôn bán Captagon để mua những khẩu súng mới.
Phòng Ma túy và Tội phạm Liên Hợp Quốc (UNODC) cho hay từ lâu Syria đã trở thành một đầu mối quan trọng trong hoạt động sản xuất, buôn bán Captagon ở Trung Đông. "Vụ bắt giữ 4,2 triệu viên Captagon được tuồn từ Syria sang Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 4/2013 là minh chứng cho hoạt động này", báo cáo của UNODC cho hay.
Không còn đau đớn
Đại tá Ghassan Chamseddine, chỉ huy đơn vị phòng chống ma túy của Lebanon, cho biết thuốc Captagon thường được giấu trong xe tải từ Syria đi qua các cửa khẩu của nước này, sau đó được phân phối đến các nước khác ở Vùng Vịnh. Theo ông Chamseddine, phần lớn số Captagon này có nguồn gốc từ thung lũng Bekaa, nằm gần biên giới Syria.
Truyền hình Syria khi đưa tin về tình hình chiến sự thường cho biết quân đội chính phủ tịch thu được số lượng lớn thuốc Captagon sau khi tấn công căn cứ của quân nổi dậy.
Một cảnh sát phòng chống ma túy ở thành phố Homs cho biết anh đã tận mắt chứng kiến tác động của Captagon đối với những tay súng đối lập bị bắt. "Khi bị tra khảo, đánh đập, họ không biết đau đớn là gì. Nhiều người thậm chí còn cười lớn khi bị chúng tôi đấm mạnh. Thường chúng tôi phải chờ khoảng 48 tiếng để Captagon hết tác dụng rồi mới tra khảo, lúc đó mọi việc dễ dàng hơn".
Viện Chống Khủng bố Quốc tế Israel (IICT) cho biết việc sử dụng Captagon kết hợp với tư tưởng tôn giáo cực đoan có thể lý giải cho những hành động man rợ tột cùng của các phiến quân IS thực hiện những vụ tấn công khủng bố.
Captagon có thể giúp các chiến binh không còn cảm thấy đau đớn, giữ tỉnh táo và cảnh giác trong thời gian dài. Ảnh minh họa: AP |