Lầu Năm Góc công bố hình ảnh đầu tiên của máy bay ném bom thế hệ mới, được kỳ vọng sẽ kế thừa xứng đáng cho B-52 và B-1.
Hình ảnh ý tưởng thiết kế B-21 - Ảnh: Reuters |
Tại hội nghị về không chiến của Hiệp hội Không quân Mỹ hôm 27.2, Bộ trưởng Không quân Deborah Lee James giới thiệu hình ảnh do máy tính phác họa về loại oanh tạc cơ tầm xa mới, được gọi là B-21.
Đài Fox News dẫn lời bà James cho hay máy bay này từng được gọi là máy bay ném bom tấn công tầm xa và nay sẽ mang tên B-21 cho đến khi có tên gọi mới. Cái tên B-21 có ý nghĩa đây là oanh tạc cơ đầu tiên của quân đội Mỹ được phát triển trong thế kỷ 21.
Bà James cũng đã mời gọi mọi thành viên trong không quân Mỹ tham gia đặt tên cho máy bay. “Đây là hiện thân cho tương lai của các phi công chúng ta và do đó, tiếng nói của họ rất quan trọng đối với quá trình phát triển máy bay”, bà phát biểu tại cuộc hội thảo diễn ra tại thành phố Orlando, bang Florida.
Hậu thân của B-2?
Hình ảnh ý tưởng thiết kế cho thấy pháo đài bay thế hệ mới được sơn đen hoàn toàn, có hình dạng độc đáo với phần thân mang kiểu dáng ngoằn ngoèo nhằm gây nhiễu sóng phản hồi và từ đó qua mắt được mọi hệ thống radar tân tiến. Nhìn tổng thể, B-21 được đánh giá hơi giống oanh tạc cơ B-2, sản phẩm của Tập đoàn Northrop Grumman. B-2 ghi tên vào kho vũ khí Mỹ từ năm 1997, song chỉ có 21 chiếc được sản xuất do giá thành cao (khoảng 737 triệu USD/chiếc). Có lẽ đó là nguyên do khiến chương trình B-2 bị hủy vào năm 2000, theo Đài RT. Ngay cả Bộ trưởng James cũng khẳng định sự giống nhau khi thừa nhận tại hội nghị: “B-21 ngay từ đầu được thiết kế dựa trên những yêu cầu cho phép sử dụng những công nghệ đã và đang có”.
Do đây là chương trình tuyệt mật nên chi tiết về tính năng của B-21 chưa được tiết lộ nhiều nhằm tránh đối thủ của Mỹ có thể chế tạo vũ khí đối trọng. Tuy vậy, giới chuyên gia quốc phòng vẫn nắm được một số đặc tính nổi trội. Báo mạng Want China Times dẫn các nguồn thạo tin cho biết oanh tạc cơ mới có tầm hoạt động từ 3.220 - 4.023 km mà không cần tiếp nhiên liệu. B-21 được cho là sở hữu công nghệ tàng hình tối tân, hệ thống thông tin liên lạc công nghệ cao và những thiết bị điện tử khác cho phép thực hiện hàng loạt nhiệm vụ khác nhau. Ngoài ra, oanh tạc cơ đa nhiệm này có thể mang vũ khí quy ước lẫn hạt nhân và có thể có phi công hoặc không.
“Máy bay mới của chúng ta có khả năng tấn công chính xác toàn cầu, uy hiếp mục tiêu theo cách mà các đối thủ chưa bao giờ chứng kiến”, tờ The Washington Post dẫn lời Bộ trưởng James ca ngợi.
Hơn 100 tỉ USD
Phát triển và sản xuất máy bay ném bom B-21 hiện là ưu tiên của không quân Mỹ vì “xương sống” của lực lượng này là phi đội B-52 cho đến nay đã phục vụ hơn nửa thế kỷ, vượt xa dự kiến ban đầu. Thậm chí oanh tạc cơ tàng hình thế hệ mới B-2 cũng đã hoạt động gần 20 năm.
Máy bay ném bom B-1 thì thường được triển khai dày đặc cho các cuộc không kích quy ước nhưng chưa được kiểm chứng cho các sứ mệnh hạt nhân. Theo AFP, không quân Mỹ muốn đặt hàng 100 chiếc B-21 và có kế hoạch bắt đầu thử nghiệm thực chiến vào năm 2025.
Hồi tháng 10.2015, Lầu Năm Góc công bố Northrop Grumman thắng gói thầu phát triển B-21 trong chương trình kéo dài nhiều thập niên với chi phí có thể vượt quá 100 tỉ USD, theo Reuters.
Dự án hiện đang ở giai đoạn thiết kế và phát triển sản xuất nhưng đã “đốt” 21,4 tỉ USD. Giới chức không quân cũng tiết lộ cố gắng duy trì giá mỗi chiếc B-21 tầm 550 triệu USD. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng con số này có thể bị đội lên 790 triệu USD/chiếc, theo tờ The Daily Beast.
Tuy vẫn còn tranh cãi về chi phí, song đây thật sự là niềm tự hào của giới chức Lầu Năm Góc. Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter từng khẳng định rằng B-21 sẽ giúp Mỹ “phô diễn sức mạnh trên toàn cầu không chỉ hiện tại mà còn cả trong tương lai”, đồng thời gọi đây là “sự đầu tư chiến lược trong 50 năm tới”.
Theo Danh Toại (Thanh Niên Online)