Lộ diện hệ thống pháo phản lực mini 'ưu việt hơn' của Nga

03/09/2018 18:24:07

Việc sử dụng rocket không đối đất của máy bay để lắp trên xe bán tải nhằm biến nó thành hệ thống pháo phản lực phóng loạt có vẻ đang là xu hướng được ưa chuộng trên thế giới.

Lộ diện hệ thống pháo phản lực mini 'ưu việt hơn' của Nga

Mới đây trong khuôn khổ Diễn đàn quân sự Army 2018, Công ty Zaslon của Nga đã cho ra mắt một tổ hợp pháo phản lực phóng loạt mini rất độc đáo. Về cơ bản, vũ khí này sử dụng khung gầm xe bán tải việt dã dân sự, trên thùng xe phía sau lắp các cụm ống phóng rocket không đối đất S-8 vốn trang bị cho trực thăng vũ trang hay cường kích tấn công mặt đất.

Những ống phóng rocket S-8 cỡ 80 mm đã được tách rời khỏi cụm phóng cố định hình tròn để liên kết lại với nhau theo hàng và cột, kết cấu module của phương án trên giúp dễ dàng tăng hoặc giảm số lượng các ống phóng.

Phương tiện tác chiến đặc biệt này dễ dàng tích hợp lên bất cứ khung gầm xe bán tải việt dã, xe jeep dã chiến hay một loại xe thiết giáp chở quân nào đó, để cung cấp hỏa lực yểm trợ tầm gần (cự ly lên tới 4.000 m) rất lợi hại. Với 40 ống phóng tích hợp trên thùng phía sau, hệ thống vũ khí này được so sánh như phiên bản mini của BM-21 Grad.

Lộ diện hệ thống pháo phản lực mini 'ưu việt hơn' của Nga - 1
Tổ hợp pháo phản lực phóng loạt đặt trên xe tải việt dã mới được Nga giới thiệu tại Army 2018

Có vẻ như nhận thấy tiềm năng của phương án trên và không chịu thua kém Nga, Tập đoàn WB của Ba Lan vừa tiết lộ họ sẽ mang tới Triển lãm công nghiệp quốc phòng MSPO 2018 tổ chức tại Kielce một sản phẩm tương tự.

Hệ thống pháo phản lực phóng loạt này của Ba Lan có tên gọi ZRN-01 Daisy, nó cũng sử dụng rocket cỡ 80 mm do SJSHC "Artem" của Ukraine chế tạo, tuy nhiên bệ phóng của nó vẫn là dạng cụm tròn truyền thống chứ không phải module hóa như của Nga.

Theo giới thiệu của nhà sản xuất, ZRN-01 Daisy sử dụng khung gầm xe tải việt dã Star 266M2 6x6 với kíp chiến đấu 3 người. Cụm ống phóng có thể xoay tròn 360 độ với góc nâng hạ từ -10 cho tới 80 độ, tầm xa của đạn rocket đạt tới 7.000 m khi chống lại mục tiêu mặt đất, hoặc 4.000 m nếu dùng để bắn UAV hay trực thăng bay thấp.

Lộ diện hệ thống pháo phản lực mini 'ưu việt hơn' của Nga - 2
Hệ thống pháo phản lực phóng loạt ZRN-01 Daisy của Tập đoàn WB, Ba Lan

Như vậy có thể thấy rằng đối tượng tác chiến của ZRN-01 Daisy tỏ ra phong phú hơn nhiều so với tổ hợp pháo phản lực trên xe bán tải của Nga, điều này cũng dễ hiểu khi Daisy được trang bị các thiết bị điều khiển bắn cũng như nhắm mục tiêu phức tạp hơn nhiều, tuy vậy

nó cũng có nhược điểm là khá cồng kềnh.

Trong tương lai không xa, xu thế đưa đạn rocket đối đất lên thùng xe tải để làm nhiệm vụ của pháo phản lực phóng loạt được nhận xét là sẽ trở nên phổ biến không kém gì so với đưa tên lửa không đối không xuống mặt đất để làm đạn phòng không.

Giới thiệu tính năng kỹ chiến thuật của tổ hợp pháo phản lực phóng loạt ZRN-01 Daisy

Theo Nam Đồng (Soha/Trí Thức Trẻ)