Quan chức chính phủ Papua New Guinea đã tới thăm khu vực xảy ra thảm họa. Số liệu tử vong chính thức được cập nhật tăng từ vài chục lên 670, nhưng nhà chức trách cảnh báo vẫn còn nhiều nạn nhân mắc kẹt dưới các đống đổ nát.
"Lở đất chôn sống hơn 2.000 người và gây hủy hoại nghiêm trọng cho các tòa nhà, vườn cây, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế quốc gia," Lusete Laso Mana, một quan chức tại trung tâm đối phó thảm họa quốc gia Papua New Guinea, viết trong thư gửi Liên Hợp Quốc.
Nội dung thư nhấn mạnh các nỗ lực cứu hộ sẽ gặp nhiều khó khăn. Đường cao tốc tới khu vực lở đất đã bị chặn, nền đất tại đó vẫn không ổn định do các dòng chảy phía dưới "gây nguy hiểm cho các đội cứu hộ cũng như nạn nhân sống sót".
Khu vực xảy ra thảm họa nằm tại tỉnh Enga, có dân số đông người và nằm gần mỏ vàng Porgea, được vận hành bởi Công ty Barick. Khu vực được mô tả là hẻo lánh, địa hình rừng khó khăn. Papua New Guinea có nguồn tài nguyên lớn nhưng chưa phát triển, khiến nước này gặp nhiều thách thức khi thảm họa xảy ra, theo New York Times.
Quan chức Liên Hợp Quốc đang theo dõi chặt chẽ tình hình. Với những thông tin mới nhất, Liên Hợp Quốc nhấn mạnh nhu cầu trợ giúp sẽ kéo dài và phức tạp.
Cuối tuần trước, Liên Hợp Quốc ước tính ngoài số người chết và mất tích, hơn 250 ngôi nhà đã bị bỏ hoang do người dân lo sợ sập nhà, với khoảng 1.250 người mất nhà cửa.
Việc tiếp cận người sống sót gặp rất nhiều khó khăn. Phái đoàn cứu trợ tới khu vực bị ảnh hưởng hôm 25/05 để hỗ trợ nước sạch, nhưng không có thực phẩm. Một ngày sau, chính quyền địa phương cho biết đã đảm bảo nước và thực phẩm cho khoản 600 người, nhưng các thiết bị cứu hộ nặng vẫn chưa được đưa vào, khiến người dân phải tự tìm kiếm người chết bằng xẻng nhỏ.
Trước khi thảm họa xảy ra, khu vực chứng kiến xung đột giữa các bộ tộc khiến người dân phải bỏ trốn tới các khu làng, nơi họ bị chôn vùi trong trận lở đất. Tháng 09/2023, đa phần Enga bị phong tỏa, không có chuyến bay nào cất cánh hoặc hạ cánh, theo New York Times.
Sáng 25/05, xung đột xảy ra giữa hai bộ tộc ở địa phương, khiến một số người thiệt mạng và nhiều ngôi nhà bị đốt, theo Seran Aktoprak, một quan chức của văn phòng Tổ chức Di cư Quốc tế tại Papua New Guinea. Đe dọa bạo lực khiến cứu trợ khó tiếp cận hơn, ông này bổ sung. Giới chức Papua New Guinea kêu gọi các bên kiềm chế.
Lở đất xảy ra vào 3 giờ sáng 24/05 (giờ địa phương), khi nhiều người vẫn còn ngủ. Một số tảng đá lớn đè nát các ngôi nhà, cắt đứt đường cao tốc được miêu tả lớn hơn các container hàng hóa.
Đan Anh (SHTT)