Hệ thống kéo dài chi lắp trên đôi chân một cô gái Ấn Độ. Ảnh: AP |
Theo Guardian, Komal năm nay 24 tuổi, sống ở Kota, một thành phố miền tây Ấn Độ. Cô tới Delhi năm ngoái để gặp bác sĩ Amar Sarin, một chuyên gia phẫu thuật chỉnh hình đã làm gãy và kéo dài xương chân cho Komal. Cô phải chịu đau đớn hơn nửa năm mới đi lại được.
Cha mẹ Komal phải bán đi phần đất đai tổ tiên để lại cho con gái làm phẫu thuật. Đối với Komal, sự hy sinh này xứng đáng với 8 cm chiều cao.
"Bây giờ tôi tự tin hơn rất nhiều", Komal nói. "Trước đây tôi chỉ cao 137 cm. Người ta thường trêu chọc tôi, còn tôi không tìm được việc làm. Bây giờ em gái tôi cũng đang đi kéo chân".
Người cao lớn được coi là hấp dẫn ở Ấn Độ. Komal là một trong số ngày càng nhiều thanh niên Ấn Độ đi phẫu thuật chỉnh hình để cải thiện hôn nhân và sự nghiệp, khiến ngành công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ nước này bùng nổ.
Tuy nhiên, Ấn Độ chưa có quy định giám sát loại hình phẫu thuật này, trong khi nhiều nhà phẫu thuật thiếu kinh nghiệm thực tiễn. Loại hình này vẫn còn bị kỳ thị, và Komal phải giấu kín bạn bè.
"Đây là một trong những loại phẫu thuật thẩm mỹ khó làm nhất. Những người làm phẫu thuật chỉ mới kinh qua một hay hai tháng đi học rồi trở thành bác sĩ muốn thử sức mình mà không qua bất kỳ trường lớp, đào tạo nào", bác sĩ Sarin nói.
Tuy nhiên, những khách hàng tương lai dường như không hề nản chí, thậm chí người nước ngoài cũng đổ xô tới Ấn Độ làm phẫu thuật, nơi nổi danh vì có nền bác sĩ được đào tạo tốt với chi phí điều trị rẻ. Hàng năm, lợi nhuận mà ngành công nghiệp du lịch y tế mang lại cho đất nước này khoảng 3 tỷ USD, trong đó phẫu thuật thẩm mỹ đóng góp lớn. Chi phí phẫu thuật tương đương ở các nước Âu Mỹ có thể đắt gấp 4-5 lần.
Bác sĩ Sarin, người bắt đầu thực hiện phẫu thuật kéo dài chi cách đây 5 năm, đã phẫu thuật thành công cho hơn 300 người và 1/3 là người Ấn Độ.
"Đó là xu hướng mới ở Ấn Độ", ông nói. "Tôi nhận được khoảng 20 cuộc gọi mỗi ngày, đều chung một yêu cầu 'Tôi muốn trở thành người cao lớn, tôi muốn cao hơn nữa'".
Một khách hàng nam từng phẫu thuật năm 2015 cho biết, ông đã gặp gỡ ít nhất 20 bác sĩ trước khi quyết định kéo dài chi.
"Nhiều bác sĩ tôi gặp chỉ mới làm phẫu thuật này có một hoặc hai lần, một người thậm chí chưa có tí kinh nghiệm nào. Tôi mất một năm tìm hiểu thông tin mới chọn được đúng người".
Bệnh nhân đang điều trị phục hồi sau khi kéo dài chân. Ảnh: Bác sĩ Sarin |
Tháng trước, ủy ban đạo đức ở bang Andhra Pradesh đã triệu tập bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình cho một nam giới 23 tuổi, vì có nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại tại sao "một ca phẫu thuật bất thường, mang tính chất thử nghiệm" lại được phép thực hiện. Nhiều chuyên gia phẫu thuật hàng đầu Ấn Độ cho rằng, loại hình phẫu thuật này cực kỳ khó làm, có thể khiến người được phẫu thuật tàn tật vĩnh viễn.
"Chúng tôi không khuyến khích người dân làm phẫu thuật kéo dài chi, ngoại trừ những trường hợp cực hiếm. Những ca phẫu thuật kiểu này không được thực hiện thường xuyên và có nguy cơ biến chứng cao", tiến sĩ Sudhir Kappor, chủ tịch Hiệp hội chỉnh hình Ấn Độ nói.
Phẫu thuật kéo dài chi có từ những năm 1950, khởi nguồn từ thị trấn Kurgan ở Siberia, Liên Xô cũ. Người nghĩ ra phương pháp này là Gavriil Ilizarov người Ba Lan. Ông từng bị coi là lang băm, nhưng sau đó được ca tụng là "ảo thuật gia ở Kurgan" vì thực hiện hàng loạt ca phẫu thuật chỉnh hình cho nhiều người, trong đó có một vận động viên thi nhảy cao ở thế vận hội Olympic. Ilizarov không bao giờ dùng kỹ thuật này cho mục đích thẩm mỹ. Ông chỉ thực hiện cho những người bị tai nạn, hoặc bẩm sinh có tay chân dài ngắn khác nhau.
Phim chụp X-quang một đoạn xương chân đang được kéo dài ở Ấn Độ. Ảnh: Bác sĩ Sarin |
Ngày nay, kỹ thuật của Ilizarov được các bác sĩ phẫu thuật khắp Ấn Độ sử dụng, mặc dù có nhiều cải tiến làm cho nó nhanh hơn và ít đau đớn hơn. Bác sĩ Sarin từng giành giải thưởng quốc tế danh giá, cho biết ông đã phải trăn trở suy nghĩ đến giá trị đạo đức khi thực hiện ca phẫu thuật đầu tiên.
"Tôi cứ tự hỏi liệu việc mình đang làm có đúng không. Nhưng khi nhìn thấy nó tác động nhiều thế nào đến việc nâng cao lòng tự tôn của người bệnh, tôi quyết định tiếp tục làm việc này".
Tuy nhiên theo ông, loại hình này chỉ là phương sách cuối cùng.
"Chúng tôi thường khuyên ngăn người muốn đến phẫu thuật", Sarin nói, giải thích nhiều bệnh nhân của ông bị rối loạn tâm lý cấp tính. "Chúng tôi cố khuyên nhủ họ trước, nhưng có bệnh nhân thậm chí còn đe dọa tự tử nếu tôi từ chối làm phẫu thuật. Tôi đã phải gọi báo cảnh sát tới hai lần".
Mặc dù đã thực hiện hàng trăm ca phẫu thuật kéo dài chi thành công, bác sĩ Sarin vẫn phải thừa nhận: "Làm thế thật điên rồ".
Tuy nhiên, ông cảm nhận rõ ràng kéo dài chi thành công gây chuyển biến tích cực cuộc đời một con người.
"Nó đáng giá khi bạn nhìn thấy lòng tự tôn của họ lớn hơn như thế nào".
Theo Hồng Hạnh (VnExpress.net)